07/06/2022 12:34 GMT+7

Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 6: Ước mơ 'Thâm Quyến Việt Nam'

PHAN CHÁNH DƯỠNG
PHAN CHÁNH DƯỠNG

TTO - Năm 1989, tôi cầm Đề án xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận đến gõ cửa từng cơ quan ban ngành, từ TP.HCM đến Trung ương. Người cuối cùng tôi cần có chữ ký là ông Lê Văn Triết, bộ trưởng Bộ Ngoại thương bấy giờ.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 6: Ước mơ Thâm Quyến Việt Nam - Ảnh 1.

Khu Nam Sài Gòn đầu thập niên 1990 vẫn còn nhiều hoang vu - Ảnh tư liệu

Khi tôi chuyển bản thảo quyết định để ông xem và ký tên thông qua, ông nói với tôi: "Tôi vừa mới cùng Thủ tướng Đỗ Mười đi tham quan thành phố Thâm Quyến bên Trung Quốc về. Người ta đã làm từ lâu, anh phải làm ngay đi".

"Anh phải làm ngay đi"

Thật bất ngờ, ông Lê Văn Triết còn đưa tôi cuốn sách về kinh nghiệm của Thâm Quyến để tôi tham khảo. Quả là ý tưởng lớn gặp nhau! Trong đầu tôi đã lên kế hoạch về một thành phố "Thâm Quyến tại Việt Nam" và Khu chế xuất Tân Thuận chỉ là bước khởi đầu.

Thành phố Thâm Quyến được thành lập từ năm 1980. Đây là nơi thí điểm chính sách cải cách đặc biệt mở cửa đối với nước ngoài, với nhiệm vụ "Xây dựng thành phố Thâm Quyến trở thành căn cứ địa sản xuất thương phẩm xuất khẩu công - nông nghiệp kết hợp với kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ trình độ cao; trở thành một thành phố biển kiểu mới, thu hút vốn và khách du lịch Hong Kong, Macao".

Chỉ 16 năm sau, Thâm Quyến trở thành thành phố hiện đại với tốc độ được mệnh danh là "Thành phố một đêm", tạo nên một kỳ tích phát triển và đã trở thành bài học lớn cho cả Trung Quốc. 

Thành quả của "Thành phố một đêm" không phải chỉ nhờ những chủ trương chính sách về kinh tế, mà điều mấu chốt đảm bảo tốc độ phát triển là cải cách hành chính. Cuộc cải cách này từng bước xây dựng hệ thống quản lý hành chính, làm cơ sở pháp lý cho công cuộc cải cách kinh tế được phát triển ngày càng cao.

Cuối năm 1981, thành phố Thâm Quyến chính thức đi vào cải cách hành chính, được thực hiện song song với cải cách kinh tế. 

Để đảm bảo cho việc xây dựng đặc khu kinh tế và xây dựng một thành phố hiện đại phù hợp với việc thực thi chính sách mở cửa hội nhập với thế giới, cải cách hành chính không thể đi chậm hơn cải cách kinh tế, thậm chí ở những mặt nào đó còn phải đi trước một bước. 

Sự phát triển kinh tế càng đi vào chiều sâu, cải cách hành chính càng phải theo sát yêu cầu mục tiêu của kinh tế đề ra. (Trưởng ban đặc khu Thâm Quyến có hai chức năng vừa làm thí điểm cải cách hành chính vừa điều hành thí điểm mô hình mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện cải cách quản lý kinh tế).

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về các bước đi thành công của thành phố Thâm Quyến, và nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một thành phố như vậy, làm cửa ngõ để đất nước vượt Biển Đông tiến ra thế giới. 

Đó là ước mơ mà cũng là niềm tin của tôi từ những năm còn làm việc tại quận 5. Nhưng "nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước...", đến nay sau gần 30 năm, "Thâm Quyến tại Việt Nam" vẫn chưa thành hiện thực, bóng dáng của ước mơ cũng chỉ mới lộ diện những nét chấm phá thôi!

Một buổi sáng đẹp trời nào đó, bạn hãy đứng từ lầu trên Nhà máy điện Hiệp Phước (tại Khu công nghiệp Hiệp Phước) nhìn về hướng Biển Đông để cảm nhận hết những gì đã đổi thay trên vùng đất Nhà Bè. 

Từ đó sẽ thấy mặt trời lên sớm hơn, rõ hơn. Buổi chiều, nếu ngồi ở cổng Khu chế xuất Tân Thuận, bạn sẽ thấy dòng người lao động từ các nhà máy đổ ra, phân nửa đi xuống Nhà Bè, phân nửa đi vào nội thành và biết đâu bạn sẽ nhớ đến câu hát: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...

30 năm "lăn lộn" trên vùng đất Nhà Bè có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Bao nhiêu tâm huyết và sức lực tôi đã đổ vào vùng đất này, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt tôi đã rơi để đưa Nhà Bè từ bóng tối đi ra phát triển song hành cùng với kinh tế TP.HCM. 

Hơn 30 năm trước, Nhà Bè là một vùng đầm lầy, rừng lá mênh mông, đối lập với khu trung tâm quận 1, quận 5 kinh doanh tấp nập. Nay khu Nam Sài Gòn đã là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tráng lệ; đại lộ Nguyễn Văn Linh hiện đại, xanh tươi; Khu chế xuất - công nghiệp Tân Thuận tập trung mấy chục ngàn công nhân; Nhà máy điện - Khu công nghiệp - Đô thị - Cảng Hiệp Phước mỗi ngày mỗi rõ nét... 

Một khu công nghiệp và đô thị mới đang hiện ra. Mỗi lần ghé qua khu Nam, tôi vẫn có cảm xúc bồi hồi khi ngoảnh nhìn một ký ức đã qua...

Nhà Bè, quận 7 (Nhà Bè cũ) nếu được phát triển lên thành phố (như Thủ Đức vừa được quyết định trong năm 2021) sẽ là điều kiện thuận lợi để nơi đây trở thành "thành phố thí điểm" cải cách cả về kinh tế lẫn hành chính như thành phố Thâm Quyến trước đây. 

Nhưng điều này quả thật không đơn giản, phải có sự quyết tâm cao của lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo của Trung ương. Vì cải cách kinh tế đã khó, cải cách hành chính còn khó hơn. Cải cách hành chính là việc cần phải có sự quyết tâm mang tính quốc gia.

Chúng ta có thể thấy rằng "bệnh" của quốc doanh bắt nguồn từ "thể chế quản lý hành chính, kế hoạch hóa tập trung", nên không thể "điều trị" bằng cải tiến cách quản lý hay thay đổi nhân sự, máy móc... 

Việc thay đổi thể chế quản lý nhà nước không phải là sự cải cách bình thường. Đó phải là cuộc "giải phẫu" chính bản thân, do đó vô cùng phức tạp và đau đớn, nên bộ phận thực hiện thường quanh co tránh né chỉ làm hình thức. Kết quả là không đi tới đâu cả!

Lịch sử hình thành và phát triển của TP.HCM làm nổi bật một vấn đề có tính quy luật, đó là khuynh hướng chuyển dịch về phía Nam. Ngược dòng thời gian ta thấy Biên Hòa ra đời và phát triển trước Sài Gòn, rồi từ Biên Hòa phát triển hướng về Sài Gòn chứ không "đi" theo hướng ngược lại. 

Sau này, từ Sài Gòn phát triển xuôi về Nam là lục tỉnh của vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn chung, hướng chuyển dịch về Nam, tiến ra Biển Đông theo dòng chảy "Nam tiến" của cha ông ta đã có từ bao đời nay và gắn liền với những dòng sông từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè đến chín con rồng của Đồng bằng sông Cửu Long.

Về mặt địa lý, TP.HCM phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Tây giáp tỉnh Long An và Tiền Giang, phía Bắc giáp tỉnh Tây Ninh và Bình Dương, phía Nam và Đông Nam giáp Biển Đông. Thành phố cũng là nơi hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đổ ra Biển Đông với hai phân lưu quan trọng là sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.

Từ điểm trung tâm thành phố đi lên hướng Bắc và hướng Đông, địa thế cao dần, đây là vùng nước ngọt, có sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chảy qua. 

Nếu từ nội thành đi về hướng Nam và Tây Nam thì địa thế thấp dần tiếp nối với vùng đất thấp ngập mặn ra tới Biển Đông. Khu vực phía Nam chiếm trên 2/3 diện tích của thành phố. Điều đặc biệt là thành phố chỉ phát triển ở một bên bờ phải của sông Sài Gòn, còn bờ phía trái thì kém hơn.

Khi các cầu được xây dựng qua sông Sài Gòn thì lúc đó phía bờ trái sông mới bắt đầu phát triển và tốc độ phát triển của nó được quyết định bởi số lượng cầu được xây dựng qua sông.

Nhớ thời vượt rào đổi mới - Kỳ 6: Ước mơ Thâm Quyến Việt Nam - Ảnh 2.

Lợi thế sông Sài Gòn và hệ thống cảng, nhà máy hướng ra Biển Đông của TP.HCM hôm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM tiến ra Biển Đông - ý tưởng mang tầm lịch sử ấy đã là đề tài bàn luận nghiêm túc trong nhiều buổi sinh hoạt của nhóm chuyên viên Thứ Sáu.

Lần nào cũng vậy, Phan Chánh Dưỡng luôn là người gợi chuyện. Anh dẫn dắt mọi người đi từ sự đổi thay buộc phải của miền đất Nhà Bè sình lầy từ muôn kiếp trước, đến sự ra đời của những khu công nghiệp chất lượng cao, hệ thống cầu cống, đường cao tốc, những cụm dân cư hiện đại...

Rất nhiều ý kiến khác nhau được góp chung lại. Một khung trời đẹp, rất đẹp, cứ như đang mở ra ở phía Nam Sài Gòn, trong hy vọng và chờ đợi phía trước.

HOÀNG THOẠI CHÂU

Cách đây hơn 30 năm, ý tưởng "Sài Gòn tiến ra Biển Đông" của tôi từng bị hoài nghi, thậm chí bị phản đối kịch liệt vì người ta chưa hiểu một cách thấu đáo.

Kỳ tới: Sài Gòn tiến ra Biển Đông

Nhớ thời Nhớ thời 'vượt rào' đổi mới - Kỳ 5: Dọn bãi lầy bờ sông để hút đôla

TTO - Năm 1988, Luật thu hút đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành, lãnh đạo TP.HCM chỉ thị các công ty và sở ngành đề xuất các đề án thu hút đầu tư nước ngoài.

PHAN CHÁNH DƯỠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên