02/02/2022 10:33 GMT+7

Nhớ nồi cá Tết nội kho

TRƯƠNG THỊ CHUNG
TRƯƠNG THỊ CHUNG

TTO - Cứ mỗi dịp Tết về, tôi lại ngẩn người nhớ về những ký ức xưa cũ, nhớ mùi gừng nồng cay mỗi bữa mẹ sên mứt. Nhớ những câu chào hỏi của hàng xóm mỗi ngày về nồi cá Tết của gia đình. Nhớ mùi cá kho thơm dậy từ cả tháng trước Tết của nội. Nhớ lắm.

Nhớ nồi cá Tết nội kho - Ảnh 1.

Ngày Tết nhớ món cá kho - Ảnh minh họa: C.K.

Lúc tháng chạp về.

- Có cá không? Tát đìa chưa?

Đó là câu chào nhau mà tôi được nghe nhiều nhất khi những người trong làng từ đồng trở về ngang qua nhau.

Tối đến mẹ lùa gà vào chuồng và kiểm đếm lại xem đàn gà tơ được bao nhiêu con, có đủ sắm quần áo mới cho chị em chúng tôi, còn để dành vài con ăn Tết, còn biếu bà Hai hàng xóm gần nhà sống neo đơn một mình một cặp.

Những trưa rỗi việc ba tranh thủ đào gốc phi lao chất lên chạn bếp, củi phi lao rất chắc, cháy được lâu, than lại đượm rất thích hợp cho việc nấu bánh chưng.

Nội bảo mẹ lấy cho nội cái nồi đất cất cuối góc chạn, nội rửa sạch, úp xuống cho ráo nước, cái nồi đất ấy nội cất rất kỹ, bọc đến mấy lớp ni lông, chỉ dùng để kho cá cho ngày Tết, khi hết Tết, hết cá nội lại rửa sạch mang cất.

Những ngày xuống đồng cày bừa gieo sạ, ba thường đem theo cái giỏ được làm bằng tre, ba đeo vào bên hông trong khi làm ruộng, bắt được con cá, con cua đồng… ba cho vào giỏ. Những buổi chiều làm đồng về sớm, chị em chúng tôi theo ba đi tát đìa. 

Đó là một con mương nhỏ chảy qua giữa hai mảnh ruộng, ba tôi chặt cành cây để xuống, độ một tuần đến mười ngày thì đắp đất vây lại, tát nước để bắt cá. Những chú cá lóc đồng, trê đồng…quẫy đuôi đành đạch khi dòng nước dần cạn bị chúng tôi tóm gọn cho vào giỏ.

Giỏ cá ấy mang về nhà, nội tôi đổ ra chậu, lựa bắt những con cá to, bà làm sạch. Ba tôi giúp bà vót những chiếc que tre nhọn, và xâu cá vào que. 

Mẹ nhóm lửa, chất củi phi lao ba gác trên chạn vào, đợi củi cháy hết, than đượm, bà cho cá vào nướng. Mùi cá nướng dậy thơm làm cho cái bụng của trẻ con chúng tôi réo rắt, thèm thuồng. Lúc đó mẹ thường xua chúng tôi đi nơi khác chơi, mẹ bảo "cá đấy, để dành Tết!".

Cá nướng xong, bà để nguội. Chiếc nồi đất bà rửa sạch sẽ hôm trước được bà nhẹ nhàng lấy xuống. 

Bà cho gia vị gồm gừng, riềng, ớt bột, tỏi, nghệ vàng… đã được giã nhuyễn cùng muối và bột ngọt xuống đáy nồi, rồi cẩn thận bắt những con cá đã nướng khoanh cong lại, đặt lên trên lớp gia vị ấy. Cứ như thế một lớp gia vị đến một lớp cá, rồi lại đến gia vị.

Đâu vào đó, bà bắc nồi lên bếp kho. Khi cá sôi thì để lửa liu riu cho thấm cá. Mùi riềng quyện trong mùi cá dậy lên, thơm lừng. 

Chị em tôi dù bị mẹ xua ra ngoài chơi, nhưng thi thoảng vẫn chạy vào hít hà thứ mùi thơm "quyến rũ" ấy một chút, rồi như nhớ ra lời mẹ "cá đấy, để dành cho Tết!", lại chạy vào giở tờ giấy ô ly được đánh sẵn từ số một đến số ba mươi, đếm xem bao nhiêu ngày nữa đến Tết. 

Sau một hồi nhẩm tính, em trai tôi thỏ thẻ: "Chị ơi! Hôm nay mới đầu tháng à, còn tháng nữa mới Tết!".

Nồi cá ấy, sau khi kho kỹ bà bắc xuống, cẩn thận buộc chiếc giống con vào đòn tay nhà bếp, cho nồi cá vào đó, treo lơ lửng sát bếp lửa, phòng lúc vắng nhà, mèo cậy nồi ăn vụng. Mỗi ngày, bà lại mang ra đun lại, cạn nước thì lại thêm nước sôi vào. 

Cứ như thế, nồi cá được đun đi đun lại mỗi ngày từ đầu tháng chạp. Và lòng con trẻ chúng tôi thì ngày nào cũng chộn rộn mong ngóng Tết khi nghe mùi thơm từ nồi cá của bà xộc vào đánh thức mọi giác quan.

Làng tôi thuở ấy, gia đình nào cũng có một nồi cá kho dành cho Tết như thế. Tụi trẻ chúng tôi vẫn thường khoe nhau trong lời kể đầy thèm thuồng, thích thú.

Tết đến, bà gắp dĩa cá chưng lên bàn thờ cúng ông.

Tôi bóc chiếc bánh chưng, xẻ nhỏ. Bánh chưng chấm với nước cá kho, mằn mặn, thơm thơm, cá lúc này ăn vừa dai vừa ngọt thấm. Chao ơi! Cảm giác sung sướng, thỏa cơn thèm thuồng sau những ngày hít hà mùi thơm dậy lên mỗi khi bà đun hâm lại nồi cá mới đã làm sao!

Đó là mùi Tết của tôi những ngày gia đình còn khó khăn. Bây giờ, khi cuộc sống khá lên, mọi thứ trở nên đơn giản hơn, giáp Tết, xuống phố sắm nhoằng cái là xong, hoặc không cần ra chợ, chỉ cần ở nhà lướt vài trang mạng, cho địa chỉ người ta mang đến tận nhà, chỉ việc trả tiền.

Cứ mỗi dịp Tết về, tôi lại ngẩn người nhớ về những ký ức xưa cũ, nhớ mùi gừng nồng cay mỗi bữa mẹ sên mứt. Nhớ những câu chào hỏi của hàng xóm mỗi ngày về nồi cá Tết của gia đình. Nhớ mùi cá kho thơm dậy từ cả tháng trước Tết của nội. Nhớ lắm...

Nhớ nồi cá Tết nội kho - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mặn nồng hương muối Tết Mặn nồng hương muối Tết

TTO - Mùng 1 Tết. Chị tới nhà em chơi. Trong không khí xuân phơi phới, hương trầm thoang thoảng thơm. Bàn thờ ắp mùi những quả, những hoa, ngào ngạt, xao xuyến, dịu dàng. Thắp nén nhang cho mẹ, chị nghèn nghẹn. Này em còn nhớ? Những mùng 1 Tết xưa?

TRƯƠNG THỊ CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên