29/01/2022 17:26 GMT+7

Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành 'lâu đài nho nhỏ'

HUỲNH VĂN NGUYỆT
HUỲNH VĂN NGUYỆT

TTO - Nhà văn Sơn Nam đã viết: "Ăn Tết mình phải về quê. Ở quê mới có cái không khí Tết dân tộc. Xưa nay đều vậy cả". Đúng như thế! Tết quê, nhà dù nghèo hay giàu cũng đều sơn phết lại. Vườn tược, sân trước sân sau cũng sửa sang sạch đẹp.

Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành lâu đài nho nhỏ - Ảnh 1.

Tết năm nào nhà tôi cũng làm lễ đưa ông Táo về trời

Trên bàn thờ chưng bày đủ thứ bánh mứt, trái cây, trà thơm, rươu quý cùng với những câu liễn đỏ thật trang trọng.

Trong ký ức xa mờ của tôi, mỗi lần con gió chướng thổi về, ngoài vườn tiếng chim ríu rít, mai vàng hé nụ là lòng tôi lại bâng khuâng nhớ Tết, nhớ quay quắt những mùa xuân rộn rã, tưng bừng ở một miền quê xa lắc xa lơ.

Trước đây, mặc dù đời sống còn khó khăn, thiếu thốn nhưng cái gì người dân ta cũng dành cho Tết, trông Tết, đợi Tết, mua sắm Tết, dọn nhà ăn Tết, về quê ăn Tết, mổ heo ăn Tết, nợ nần lo trả trước Tết...

Có thể nói tất cả những gì ngon nhất, đẹp nhất và mới nhất đều được phô bày trong ngày Tết. Trong một bài báo, cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã viết về Tết xưa như sau: "Ngày Tết, ngôi nhà khiêm tốn nhất trở thành một lâu đài nho nhỏ". (*)

Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành lâu đài nho nhỏ - Ảnh 2.

Bà con miệt vườn vui nhất là tát mương bắt cá ăn Tết

Tết miệt vườn đến rất sớm. Mới nửa tháng chạp mà đã nghe tiếng quết bánh phồng thình thịch vang lên từ lúc gà vừa gáy sáng. Từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng rộn rịp tráng bánh, làm mứt, ép chuối phơi khô, rồi nào ngoài đồng tát đìa, trẻ con lặt lá mai, người người tất bật mọi thứ.

Trước ngày 23 âm lịch mẹ tôi lo sắm sửa chè xôi để tiễn đưa ông Táo về trời, còn ba tôi thì lo chùi lư, quét dọn bàn thờ, phủi mộ ông bà và cắt tỉa lại cái hàng rào cho tươm tất. Đối với bọn trẻ chúng tôi, mỗi lần nghe tiếng trống lân, tiếng pháo chuột là trong lòng đứa nào cũng nôn nao, háo hức.

Tết xưa là thời điểm để cho chị em phụ nữ thi thố tài nữ công như làm bánh mứt, nấu ăn. Có thể nói ông bà mình rất tinh tế trong món ăn ngày Tết. Trong mâm cổ cúng ông bà tổ tiên, cái gì ngon nhất, đẹp nhất, trong lành và tinh khiết nhất đều được mang lên bàn thờ.

Đối với những gia đình nền nếp không bao giờ dọn lên bàn thờ các món mua ngoài chợ mà chỉ cúng những món do con cháu tự làm. Về rượu cúng rượu trắng, vì tổ tiên không biết uống rượu Tây. Về hoa quả, ông cha ta chỉ chọn các loại hoa thơm dịu dàng và có ý nghĩa tâm linh như mai vàng, vạn thọ, hoa huệ, hoa cúc đồng tiền...

Nhà tôi tuy nghèo nhưng hễ Tết đến là ba tôi đều đến nhà ông thầy giỏi chữ nho nhờ viết đôi liễn đỏ và lá bùa dựng nêu về dán trước cửa nhà.

Những ký ức sâu đậm nhất trong tâm tưởng mọi người là đêm giao thừa, ba tôi ăn mặc chỉnh tề, thắp nhang đứng trước bàn thông thiên khấn nguyện cầu chúc cho gia đình bước sang năm mới bình an, mọi việc tốt lành.

Sáng mùng một, con cháu quây quần bên phòng khách mừng tuổi ông bà, nhận tiền lì xì. Vào thời khắc thiêng liêng đó, không khí Tết như tràn ngập, tất cả cái gì cũng đẹp, cũng đáng yêu.

Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành lâu đài nho nhỏ - Ảnh 3.

Tết xưa, ở thôn quê nhà nào cũng quết bánh phồng ăn Tết

Mỗi lần tết chạm đến nhà, tôi nhớ miên man nào mùi áo mới, mùi hoa vạn thọ, hoa huệ, hoa cúc chưng trên bàn thờ, nhớ da diết nồi bánh tét trên bếp lửa hồng nổ lách tách, nhớ từng hũ tương, vịm dưa cải, dưa kiệu, bánh mứt do chính tay mẹ mình làm.

Nhớ nhất là cái chái bếp lúc nào cũng đỏ lửa, phảng phất mùi khói, mùi thịt kho và vang dậy tiếng cười, tiếng nói của ngoại tôi, mẹ tôi và các dì đang chuẩn bị cho mâm cơm đoàn tụ cuối năm.

Và còn bao nỗi nhớ nữa. Càng nhớ tôi càng yêu cái nơi mình bật lên tiếng khóc đầu đời. Chính nơi đây đã trải qua bao cái Tết êm đềm và sâu lắng.

Ngày nay, mỗi lần thầy mấy đứa nhỏ xúng xính trong bộ đồ Tết tôi lại nhớ cái thời niên thiếu theo mẹ đi chùa hái lộc đầu năm, nhớ ơi là nhớ! Tất cả hiện về trong tôi như một giấc mơ hoa.

Giờ đây, tuy Tết xưa, Tết cũ đã trôi theo dòng đời nhưng trong ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh ông ngoại ngồi chùi lư, săm soi mấy chậu mai vàng, bà ngoại hái trầu, trẻ con lặt lá mai hoặc chạy lăng xăng quanh xề chuối phơi khô khiến tôi vô cùng thương nhớ Tết xưa.

(*) Nguyễn Văn Vĩnh "Ngày Tết của người An Nam", năm 1932

Tết ngày xưa, ngôi nhà nào cũng thành lâu đài nho nhỏ - Ảnh 4.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Ai mua mùi ra mua! Ai mua mùi ra mua!

TTO - Thường phải sau ngày 25 tháng chạp, trên đường phố mới xuất hiện những chiếc xe đạp lọc cọc, phía sau buộc một cái mẹt to, trên mẹt chất ngồn ngộn những "mớ rau" màu xanh thẫm.

HUỲNH VĂN NGUYỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên