Học sinh Trường THCS Bùi Thị Xuân (Khánh Hòa) quyên góp ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” - Ảnh: Hồng Nhung |
Đã hơn một năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in tiết chào cờ đầu tuần ngày 26-5-2014 ở trường tôi.
Là người Việt Nam, có lẽ mỗi chúng ta sẽ không bao giờ quên được những ngày của tháng 5-2014 đầy căng thẳng và nóng bỏng, khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam.
Từ khi này, mọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước như hòa chung cùng một nhịp, đoàn kết thành một khối để thể hiện lòng yêu nước chân chính và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Buổi chào cờ khác thường
Những hành động tuy nhỏ của các em học sinh ở Thừa Thiên - Huế nhưng đã để lại rất nhiều ấn tượng trong mỗi trái tim người Việt Nam đang ngày đêm hướng về Biển Đông thân thương. Và hành động yêu nước này đã lan tỏa.
Như ở trường tôi trong buổi chào cờ hôm đó, ngay từ lúc đầu các em học sinh rất ngạc nhiên vì cách mở đầu khác thường của buổi chào cờ này nhưng rồi các em đã ngồi ngay ngắn, tay khoanh lại đặt trên đầu gối, không gian không một tiếng cười nói, toàn bộ ánh mắt đều đổ dồn về khán đài - nơi cô tổng phụ trách đang đọc bài báo một cách rõ ràng và dõng dạc.
Sau khi lắng nghe xong, cô hiệu trưởng đã mời toàn thể thầy cô và các em học sinh đứng dậy hát quốc ca.
Chẳng phải là những đoạn nhạc đã thu sẵn được bật lên như mọi khi mà chính các thầy cô và học sinh tay đặt lên ngực, mắt hướng về lá quốc kỳ thiêng liêng và hát vang từng lời của bài quốc ca. Một không khí trang nghiêm đến mức ai nấy đều có thể cảm nhận được.
Ngay sau đó, cô hiệu trưởng cung cấp thông tin về hành động sai trái của Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, việc làm sai trái này đã vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển 1982.
Theo từng lời cô, những ánh mắt như sắc lên sự quyết tâm và khát khao đang hừng hực muốn làm gì đó để bảo vệ quê hương. Và rồi dòng người đã trang trọng góp những khoản tiền nhỏ của mình ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông” do báo Tuổi Trẻ phát động.
Ước mơ là chiến sĩ hải quân
Nhưng điều khiến tôi cảm động hơn là vào đầu giờ của ngày hôm sau, một em học sinh nữ lớp 7 tên B.T.T.A. đã chủ động gặp riêng và trao tận tay tôi một lá thư viết về cảm nhận của em trong buổi chào cờ hôm qua. Em chia sẻ với tôi một ước mơ từ rất lâu của em, đó chính là trở thành một chiến sĩ hải quân như người bố đang công tác tại Lữ đoàn 162, Vùng 4 hải quân. Một đoạn của lá thư có viết:
“Đối với một học sinh chỉ mới 13 tuổi (lớp 7) thì sự cảm nhận có thể không sâu sắc và dày dặn như người lớn nhưng em có thể hiểu được những gì gọi là lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Khi từng tấc đất quê hương, từng kilômet trên biển có thể mất bất cứ khi nào thì lời giảng của thầy trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh” ngày nào lại hiện lên như một bản hùng ca thật sống động và chân thực: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Em cảm thấy từng bờ biển và đảo của quê hương sao đẹp và hùng vĩ đến vậy! Từ điểm đầu Hà Giang đến đất mũi Cà Mau như cùng chung một tiếng nói, cùng chung một khối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
...Nếu được thực hiện ước mơ của bản thân, em sẽ xin được mặc chiếc áo truyền thống của Hải quân Việt Nam; được đưa tay lên trán đứng trang nghiêm dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Nhưng quan trọng hơn là em muốn được cầm súng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và anh hùng...”.
Khóe mắt tôi đã xé cay vì những tình cảm được em đặt trọn vào lá thư này, để tôi biết, tôi hiểu và tôi cảm nhận nhiều hơn về chính các em - những tâm hồn tuy nhỏ bé nhưng lại chứa đựng một bầu nhiệt huyết đầy khát khao và bùng cháy.
Từ sau buổi chào cờ đặc biệt hôm ấy, trường tôi đã quyết định vào giờ chào cờ và tất cả các hoạt động do trường tổ chức, thầy cô và học sinh sẽ hát vang bài quốc ca mà không có bất cứ sự hỗ trợ của các phương tiện âm thanh.
Tôi cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đăng hàng loạt bài báo “Hướng về Biển Đông” để giúp toàn thể người dân Việt Nam trong và ngoài nước được sát lại gần nhau hơn.
Đến chiều 6-8, báo Tuổi Trẻ đã nhận thêm bài viết tham gia “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” của các tác giả: Phạm Kim Sơn, Phạm Nguyễn, Bảo Hưng, Nguyễn Hướng Dương, Hoàng Thảo, Khánh Hưng, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Đước, Trần Quốc Khải, Võ Tá Ngô, Phạm Trinh Bản (TP.HCM), Trương Thị Thúy (Quảng Trị), Nguyễn Cương (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Thị Quý Trân (Quảng Nam), Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong (Đà Nẵng), Đỗ Bàn (Lâm Đồng), Lý Thị Thủy (Phú Yên), Lê Đức Bảo (Khánh Hòa), Phan Tuyết (Bình Thuận), Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương), Bùi Thanh Hiền (Tiền Giang), Lê Tấn Thời (An Giang), Nguyễn Hữu Nhân... Tòa soạn báo Tuổi Trẻ mong nhận được thêm nhiều bài viết của bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm với Tuổi Trẻ với chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”. Bài viết vui lòng gửi đến báo Tuổi Trẻ qua đường bưu điện: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi) hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn. Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015.Tòa soạn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận