Trịnh Tú vẽ và viết
Sách gồm những bài viết của Trịnh Tú được Gallery39 cùng gia đình họa sĩ sưu tập và chọn lọc trong hàng trăm bài báo của ông in rải rác trên các báo từ 1997 đến trước khi ông mất, đa phần đều được in trên báo Lao động và Lao động Cuối tuần.
Đó là các bài viết "không khô khan" về hội họa, nhiếp ảnh, chân dung một số văn nghệ sĩ. Ngoài ra sách còn có phần phụ lục, in một số tác phẩm ông vẽ chân dung bạn bè, chủ yếu trên chất liệu sơn dầu, một vài bức ký họa trên phấn màu, than chì...
Nói về một họa sĩ Trịnh Tú viết phê bình, họa sĩ Lê Thiết Cương - đại diện đơn vị làm sách, cũng là một người bạn, người em thân thiết của Trịnh Tú - viết:
"Vẫn là phê bình, lý luận nhưng không khô khan, ông luôn đặt chuyện người, chuyện nghệ thuật ở trong nhau. Ấy là chưa kể, người viết Trịnh Tú cũng là người vẽ, nó khác với người viết về tranh mà không vẽ.
Bên cạnh chuyện về một họa sĩ, một triển lãm hoặc một trào lưu hội họa bao giờ cũng có thêm những câu chuyện hậu trường, chuyện "mặt sau của tấm toan", bên lề bức tranh mà chỉ người trong nghề mới nhìn ra".
Nhớ một Trịnh Tú tài hoa, lương thiện
Trịnh Tú sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng ở Hà Nội trước năm 1954. Bố ông là họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương Trịnh Hữu Ngọc, chủ xưởng đồ gỗ nội thất nức tiếng Mémo trước nm 1954, người được Bác Hồ gọi là Monet của Việt Nam.
Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Khang, người đầu tiên ở Việt Nam mở một trường mẫu giáo đào tạo theo phương pháp Montessori. Bà là một trong những người làm hướng đạo cho nữ xuất sắc nhất ở Việt Nam.
Rất quan tâm đến giáo dục văn hóa và nghệ thuật cho con cái nên các chị em gái của Trịnh Tú đều là những nghệ sĩ trình diễn piano. Trong đó có bà Trịnh Thị Nhàn mà đã đi vào câu thơ của Phan Vũ "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ".
Anh trai Trịnh Tú là họa sĩ, dịch giả, tác giả Trịnh Lữ.
Trịnh Tú theo học dở dang Đại học Mỹ thuật. Giữa lúc dang dở đường học hành, GS, bác sĩ Tôn Thất Tùng - người bạn thân thiết của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã nhận Trịnh Tú về làm trợ lý, vẽ minh họa cho sách giải phẫu gan của ông.
Sau này, ông có 20 năm làm ở báo Lao động, phụ trách việc viết phê bình mỹ thuật và vẽ tranh minh họa, biếm họa cho báo. Các bài viết của ông thể hiện một bề dày kiến thức và văn hóa, lại bay bổng, cẩn trọng trong con chữ.
Buổi giao lưu ra mắt sách được tổ chức vào 10h ngày 28-6 tại phòng nghệ thuật NXB Hội Nhà Văn (65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tại đây cũng trưng bày gần 30 tác phẩm gồm tranh của họa sĩ Trịnh Tú và tranh của một số nghệ sĩ mà Trịnh Tú viết bài phê bình được in trong cuốn sách này. Triển lãm kéo dài đến 5-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận