Tin buồn về mẹ được họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 6-6.
Điểm tựa của tài năng Bùi Xuân Phái
Trong nhóm tứ trụ hội họa Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XX "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái", chỉ có Bùi Xuân Phái lập gia đình và sống hạnh phúc suốt đời với người phụ nữ rất mực yêu thương, tôn kính chồng.
Nhờ có bà mà người nghệ sĩ một đời mang tâm hồn trẻ thơ, không biết gì về cuộc sống thực tế ngoài niềm đam mê hội họa.
Có thể nói cũng nhờ bà mà Bùi Xuân Phái có thể sống qua một thời kỳ khó khăn chung của đất nước và khó khăn riêng của số phận tài năng để yên tâm vẽ, cống hiến cho cái đẹp.
Mượn tên một bộ phim tài liệu làm về bà Sính, ông Bùi Thanh Phương khẳng định mẹ chính là "điểm tựa của tài năng", là hậu phương êm ấm cho cha mình.
Bà Nguyễn Thị Sính là người Hà Nội, cụ thân sinh ra bà là một viên chức thời Pháp. Thời thiếu nữ, bà được bố mẹ gửi vào Huế, theo học ở Trường nữ sinh Đồng Khánh.
Nhà ông Phái ở phố Thuốc Bắc. Ông sinh năm 1920, hơn bà 7 tuổi. Ông bà quen nhau từ ngày còn nhỏ vì có quan hệ thông gia.
Rồi chiến tranh ly tán, họ gặp lại nhau ở nơi tản cư Thanh Hóa. Bên cầu Thiều, gia đình bà Sính có quán cà phê thường được anh em nghệ sĩ lui tới.
Bà Sính tuổi mới lớn xinh đẹp rạng ngời được rất nhiều văn nhân thường lui đến quán để mắt tới, nhưng chỉ chàng họa sĩ Bùi Xuân Phái lọt vào mắt xanh.
Lúc đó Bùi Xuân Phái là họa sĩ vẽ minh họa cho báo Cứu Quốc, báo Vui Sống. Thời chiến tranh, không đám cưới, không áo cô dâu, bà Sính về làm dâu nhà họ Bùi từ năm 1952. Cái tên bà Phái có từ đó.
Trong ký ức của ông Bùi Thanh Phương, thì Bùi Xuân Phái "có một tuổi thơ kéo dài cả đời".
Toàn bộ cuộc đời ông bị cuốn vào những đam mê nghệ thuật.
"Ông sống hồn nhiên, lãng đãng, rất yêu con nhưng không biết tắm cho con, không biết cho con ăn, không biết con học hành như thế nào và đang học lớp mấy, không quan tâm gì về chuyện tiền nong hay việc nhà. Tất cả mọi việc đã có bà Phái lo.
Ông hoàn thành trách nhiệm của người bố nhưng ông không phải là ông bố "bỉm sữa" vì tâm trí và thời gian của ông chỉ dành để vẽ ra những bức tranh", ông Bùi Thanh Phương viết trong cuốn Nhớ cha tôi, Bùi Xuân Phái.
Ông Phương kể bố mình là họa sĩ tự do, thu nhập từ tranh minh họa và tranh vui không đủ mua họa phẩm, chứ chưa nói tới chuyện lo cho cả một đoàn "tàu há mồm" với 5 người con. Thời của ông không có thị trường mỹ thuật như thời nay để họa sĩ có thu nhập.
Bùi Xuân Phái sống và sáng tác nghệ thuật được chính là nhờ vào sự tần tảo, đảm đang của bà Phái.
Bà Phái với nghề y tá ở một bệnh viện và đến nhà tiêm thuốc cho người bệnh đã "nuôi đủ năm con với một chồng" trong bao năm bao cấp khó khăn.
Người được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều nhất
Ông Bùi Thanh Phương kể cha mình sinh thời, ngoài đề tài phố và chèo ra thì còn vẽ rất nhiều chân dung.
Nhưng ông chỉ thường vẽ những người rất thân với họa sĩ như vợ con, anh em, người hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp.
Và người phụ nữ được ông vẽ nhiều chân dung nhất chính là người vợ của ông.
Ông Phương bảo số chân dung Bùi Xuân Phái vẽ vợ còn nhiều hơn số ảnh bà chụp trong đời.
"Ngay cả trong những bức ký họa của họa sĩ, mọi gương mặt phụ nữ đều thấp thoáng mang hình ảnh bà - như một ám ảnh trong tâm hồn về người đàn bà của đời ông, để mỗi khi đưa bút, gương mặt thương yêu và hiền hậu ấy lại hiện về", ông Phương cho hay.
Những bức chân dung vợ ông, người yêu hội họa vẫn thường gọi tên chung là Chân dung bà Phái.
Để phân biệt từng bức chân dung đó, người ta đề thêm năm vẽ vào sau tiêu đề chung.
Chân dung bà Phái xuất hiện từ năm 1952, năm mà ông bà gặp lại nhau ở nơi sơ tán và nên vợ chồng.
Bức chân dung cuối cùng ông vẽ tặng bà là năm 1986, hai năm sau ông qua đời. Đây là bức chân dung ông Phái cố tình vẽ chiều theo ý vợ nhất, ông vẽ theo phong cách hiện thực nhất có thể để vợ ông - một người không am hiểu về hội họa - có thể hiểu và thích.
Bùi Xuân Phái vẽ vợ từ khi còn thiếu nữ tới khi về già
Lần ấy, bà vui lắm. Nhưng biết đó là ông chiều bà, chứ không phải ông vẽ đúng phong cách của mình, bà lại bảo ông lần sau hãy vẽ một bức theo đúng phong cách của ông, thật phá cách và tự do.
Hai năm sau thì ông qua đời vì ung thư nên không còn có thêm bức chân dung bà Phái nào nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận