30/07/2023 12:26 GMT+7

Danh họa Nguyễn Sáng và trăm năm còn một chút này

Buổi trò chuyện nghệ thuật về Nguyễn Sáng do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 29-7, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa, có nhiều khoảnh khắc lặng đi khi những câu chuyện xúc động về người nghệ sĩ tài năng, về một thời được kể.

Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) - Ảnh: tư liệu

Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) - Ảnh: tư liệu

Họa sĩ Đặng Thị Khuê (nguyên ủy viên ban thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam) và họa sĩ Lương Xuân Đoàn (chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), cùng những người từng có mối liên hệ mật thiết với họa sĩ Nguyễn Sáng đã dành buổi sáng mùa hạ, quây quần bên hương hoa sen, hoa cau mà sinh thời Nguyễn Sáng rất yêu thích, để ôn lại kỷ niệm về danh họa trong bộ tứ nổi tiếng Liên - Nghiêm - Sáng - Phái.

Tác phẩm sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng năm 1963 - được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng năm 1963 - được công nhận bảo vật quốc gia - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

"Phút yếu đuối vĩ đại của một danh họa"

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhiều lần lặng đi khi kể: "Cuộc đời của Nguyễn Sáng để lại cho chúng ta bài học lớn mà trước tiên phải làm thế nào để bảo trọng được phẩm cách nghệ sĩ. Ông lành sạch trong cuộc đời, lành sạch trong tư duy sáng tạo".

Ông Đoàn đặc biệt nhắc tới tình yêu (cũng là nỗi khổ cuối đời) của Nguyễn Sáng: Hà Nội.

Nguyễn Sáng là người Nam Bộ nhưng sinh thời ông đã nói nếu không có Hà Nội thì không có Nguyễn Sáng. Ông sống hầu như cả đời hội họa của mình ở miền Bắc, ở Hà Nội.

Mấy năm cuối đời, ông mới vào Nam để nương tựa người em, không ngờ khi vào thì người em chết đột ngột. Không còn nơi nương tựa tình cảm, sống ở Sài Gòn mà Nguyễn Sáng cứ đau đáu nhớ mong Hà Nội.

Tác phẩm Thanh niên thành đồng của Nguyễn Sáng - bảo vật quốc gia - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm Thanh niên thành đồng của Nguyễn Sáng - bảo vật quốc gia - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Vào thăm, ông Đoàn chứng kiến cảnh mỗi buổi chiều, Nguyễn Sáng ngồi trước nhà, nước mắt lưng tròng. Giọt nước mắt của người già.

Trong một bài viết khi Nguyễn Sáng qua đời năm 1988, ông Đoàn kể: Nguyễn Sáng nhìn cứ như xiết lấy thân hình bé nhỏ của ông, bóp chặt bàn tay ông rồi lại nắm lấy cánh tay và nói ngàn ngạt:

"Mày có thương tao không? Thương nhiều không. Mày thương tao thì làm được gì? Mày nhỏ bé quá, nhỏ bé quá! Ui! Khiếp! Đoàn ơi! Nghèo quá! Làm sao mà lại vẽ được bây giờ...".

Bà Khuê nhắc lại những dòng này và gọi là "phút yếu đuối vĩ đại của một danh họa": "Bỏ ra tất cả những vinh hoa mà ông có, thì cuối cùng ông trần trụi là một con người đích thực... Một con người cô đơn tới mức nào. Một con người gắn bó với đất nước như thế nào".

Tác phẩm Thiếu nữ và hoa sen, sơn dầu, 1972, Nguyễn Sáng - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm Thiếu nữ và hoa sen, sơn dầu, 1972, Nguyễn Sáng - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ có hai tác phẩm là bảo vật quốc gia

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết hiếm có họa sĩ nào như Nguyễn Sáng có tới hơn 20 tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó 8 tác phẩm được trưng bày thường xuyên của bảo tàng.

Nguyễn Sáng có hai tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia là bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (1963) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Thanh niên Thành đồng (1967) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM.

Năm 1996, Nguyễn Sáng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Hôm ấy, xin em hãy mặc tấm áo dài

Là người đã đến căn phòng 13m2 của Nguyễn Sáng để đặt vấn đề tổ chức triển lãm cá nhân cho ông, bà Khuê còn nhớ mãi những câu chuyện cho thấy tâm hồn thật đẹp của người nghệ sĩ ấy.

Năm 1982, Nguyễn Sáng suy sụp vì cái chết của người vợ sau 11 tháng chung sống. Ông lấy vợ rất muộn nhưng vợ ông lại sớm qua đời.

Khi gặp Nguyễn Sáng, bà Khuê còn nhớ trong căn phòng nhỏ của ông còn duy nhất bức tranh người vợ. Ông nói: "Anh còn gì đâu mà làm triển lãm".

Bà Khuê và ông Đoàn cùng những người khác đã đi khắp cả nước mượn tranh Nguyễn Sáng về để làm triển lãm. Hơn 100 bức tranh được tập hợp, lần đầu tiên công bố sự nghiệp của một tác giả đã có 40 năm cống hiến và nổi tiếng.

Nguyễn Sáng (thứ hai từ trái sang) và bà Đặng Thị Khuê (bìa phải) với tà áo dài duy nhất trong buổi khai mạc triển lãm của Nguyễn Sáng năm 1984 - Ảnh tư liệu

Nguyễn Sáng (thứ hai từ trái sang) và bà Đặng Thị Khuê (bìa phải) với tà áo dài duy nhất trong buổi khai mạc triển lãm của Nguyễn Sáng năm 1984 - Ảnh tư liệu

Trong lễ khai mạc triển lãm tranh Nguyễn Sáng lại thấp thoáng người con gái duy nhất mặc áo dài giữa hàng trăm khách dự, chính là bà Khuê. Bà đã gắng mặc trước bao ánh mắt soi mói vì muốn thực hiện "mệnh lệnh tình cảm" mà Nguyễn Sáng đã nhờ bà.

Thời ấy áo dài xa xỉ. Sau buổi Nguyễn Sáng đến duyệt triển lãm lần cuối, ông mời nhóm họa sĩ tới quán "ruột" Thủy Hử trong con ngõ trên phố Nguyễn Thái Học.

Bữa ăn đang vui, tất cả bỗng lặng người khi nghe Nguyễn Sáng thông báo sau triển lãm ông sẽ vào Nam sống với người em. Vì vậy ông nhờ bà Khuê, lúc đó 35 tuổi, "mặc cho anh chiếc áo dài đến khai mạc triển lãm".

Nghe vậy thì bà Khuê sợ quá vì lúc đó không ai mặc áo dài. Nhưng bà không thể chối từ.

Buổi ấy, sân bảo tàng chật kín người. Tất cả dồn ánh mắt vào tà áo dài lẻ loi, lạ lẫm duy nhất khiến bà Khuê không dám nhìn ai. Nhưng bà rất vui vì Nguyễn Sáng hài lòng.

Tác phẩm Nghỉ trưa của Nguyễn Sáng - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm Nghỉ trưa của Nguyễn Sáng - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Lễ khai mạc có rất nhiều văn nghệ sĩ trí thức Hà Nội hôm ấy, Nguyễn Sáng chỉ nói một câu đơn giản: "Tôi chẳng có gì đâu, ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng".

Câu nói này sau được Thái Bá Vân lấy làm tựa cho bài viết của ông về triển lãm của Nguyễn Sáng, bài Hai bàn tay trắng.

Khẳng định Nguyễn Sáng là danh nhân của cả nước, rất gắn bó với Hà Nội, bà Khuê mong sau tên phố Nguyễn Sáng ở Tiền Giang, sắp tới Hà Nội sẽ có tên phố Nguyễn Sáng.

Tác phẩm sơn mài Chùa tháp Phổ Minh của Nguyễn Sáng - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm sơn mài Chùa tháp Phổ Minh của Nguyễn Sáng - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Dương Bích Liên từ chối tổ chức triển lãm

Bà Khuê cho biết trong bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái thì ba ông được tổ chức triển lãm cá nhân trước khi đất nước chính thức bước vào Đổi mới năm 1986 là Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái (cùng năm 1984) và Nguyễn Tư Nghiêm (1985).

Dương Bích Liên không tổ chức triển lãm vì Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam có lời với ông nhưng không biết vì lý do gì ông từ chối.

"Ngày ấy, chúng tôi chỉ thấy phải công bố công khai trước công chúng những tác phẩm đẹp, quý, chứ lúc đó không nghĩ một ngày, thời gian đã sàng lọc để các ông trở thành những danh họa như ngày hôm nay", bà Khuê nói.

Bà Khuê cũng tự hào rằng Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam cũng đã tổ chức được cho hai danh họa đi nước ngoài là Bùi Xuân Phái đi Đức, Nguyễn Tư Nghiêm đi Tiệp, có Thái Bá Vân tháp tùng.

Nguyễn Sáng và Liên không đi vì tình hình sức khỏe. Đáng tiếc, hội có sắp xếp cho ông Phái đi Pháp theo ước nguyện của ông, bên Pháp chỉ đợi gửi vé máy bay thì ông mất.

Đấu giá tranh giả Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng tại MỹĐấu giá tranh giả Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng tại Mỹ

TT - Công ty đấu giá Neal (Neal Auction Company) ở New Orleans, Los Angeles, Mỹ đã rao trên mạng sẽ tổ chức bán đấu giá hai tác phẩm quan trọng của mỹ thuật VN vào ngày 23-2 này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên