08/06/2011 03:52 GMT+7

Nhớ lời Bác dạy "Không có việc gì khó..."

K.ANH - Q.LINH
K.ANH - Q.LINH

TT - Những bạn trẻ vừa được tuyên dương tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc vừa qua đều có chung nỗ lực vượt qua khó khăn bằng mọi cách. Ở bất cứ vị trí công tác nào, những lời dạy của Bác đã được những bạn trẻ ấy tâm niệm và làm theo.

pJPn8PDE.jpgPhóng to
Các gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần 2-2011 tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM sáng 5-6 - Ảnh: MINH ĐỨC

Dựa vào sức dân

Chàng bộ đội biên phòng Nguyễn Chí Ninh (Điện Biên) kể: “Thường trong các chuyên án ma túy, mình chỉ làm nhiệm vụ chăm lo sức khỏe, cấp cứu kịp thời nếu chẳng may đồng đội bị thương, nhưng có nhiều tình huống bất ngờ diễn ra nên mình cũng tham gia đánh án luôn”. Nhớ nhất lần rượt đuổi một đối tượng buôn bán ma túy từ trên núi xuống, Ninh vật lộn với đối tượng bị nhiễm HIV, bị đối tượng cắn vào tay hòng chạy thoát, cả hai bê bết máu.

Rất may sau lần ấy Ninh không hề hấn gì. “Nhiều vụ án lớn mình cùng đồng đội phá được là nhờ vào thông tin của dân cả đấy. Càng ngẫm càng thấy lời Bác dạy phải biết dựa vào dân quá sâu sắc”, Ninh nói.

Cùng với niềm tin vào lời dạy “Không có việc gì khó...” của Người, “người hùng sông Son” Lê Văn Điệp - bí thư chi đoàn thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) - luôn bền chí vươn lên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong cơn lũ dữ năm 2010 mới đây, một mình anh quay như con thoi để cứu được hơn 150 người.

Mải lo cứu bà con, đến khi nhớ đến những người thân, anh tìm về thì nước sắp tới nóc nhà. Lũ rút, gia đình anh phải đi ở nhờ. Trong cảnh túng quẫn ấy thì cô con gái vừa ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau chồng chất nỗi đau nhưng người thủ lĩnh thanh niên ấy không cho phép mình quỵ ngã. Anh bảo: “Bác đã nhắn nhủ với chúng ta “Không có việc gì khó...” vì thế trong cuộc sống nếu nản lòng sẽ khó có ngày thành công”.

Giúp mọi người cùng làm ăn khấm khá

Lần đầu tiên xuất hiện trước đám đông, Chíu Chăn Lỳ - anh nông dân sản xuất giỏi dân tộc Dao (Quảng Ninh) - không khỏi lúng túng. Lỳ kể xưa giờ chẳng biết việc vay vốn là gì, cho đến khi được kết nạp vào Đoàn, còn được tin tưởng giao làm bí thư chi đoàn thôn và được hướng dẫn làm ăn. Những đồng vốn vay đầu tiên, Lỳ dùng vào chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình vườn ao chuồng. Cuộc sống gia đình bắt đầu thay đổi.

“Bây giờ vừa chăn nuôi mình còn trồng rừng nữa, mỗi năm trừ hết chi phí mình cũng lời được gần trăm triệu đồng, với một gia đình nông dân nghèo đó là số tiền lớn lắm”, Lỳ khoe. Chàng bí thư đoàn thôn ấy vừa được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của dành cho những nông dân trẻ xuất sắc. Nhưng đáng quý hơn khi anh luôn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với bất kỳ bạn trẻ nào muốn làm ăn như mình. “Nhiều người cùng giàu thì cái thôn mình giàu, có thêm điều kiện giúp những người còn nghèo khác, nhất là giúp nhiều em bé được đến trường”, Lỳ bày tỏ.

Ở Tây nguyên xa xôi, khi các bạn trẻ người dân tộc thiểu số đến với sinh hoạt của Đoàn khá hiếm hoi thì ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh (Gia Lai) lại khác. Mỗi khi có hoạt động, con trai con gái các buôn làng rủ nhau cùng đi. Người có công lớn nhất trong việc này không ai khác chính là bí thư xã đoàn Thưuh nhờ tài ăn nói của mình. “Mình biết cái bụng chúng nó thích các hoạt động văn nghệ, thể thao nên hai ba tháng mình lại tổ chức cho chi đoàn các làng cùng giao lưu. Tụi nó ưng lắm”, Thưuh bày tỏ.

Nhưng chàng thủ lĩnh trẻ của núi rừng Tây nguyên còn kéo được các bạn chăm chỉ lên rẫy. Nhờ làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng tăng lên, người trẻ càng tin tưởng vào Đoàn hơn. “Muốn tụi nó đến với mình, cái bụng phải no trước thì tụi nó mới tin. Mình mời cán bộ kỹ thuật về dạy chúng nó kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để biết cách tránh được dịch bệnh, có nhiều nguồn thu hơn”, Thưuh cho biết.

K.ANH - Q.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên