11/04/2021 10:10 GMT+7

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ cuối: Ai mài dao, mài kéo không?

MẠNH DŨNG
MẠNH DŨNG

TTO - Buổi chiều, đường phố Sài Gòn đông đúc, ồn ã. Ông cụ đạp xe đi mài dao kéo dạo cất giọng rao đùng đục: "Ai mài dao, mài kéo không?".

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ cuối: Ai mài dao, mài kéo không? - Ảnh 1.

Bộ đồ nghề mài dao của ông Sơn thuộc loại ”khá”, có máy mài dao - Ảnh: MẠNH DŨNG

Tôi chẳng học nghề một ngày, chỉ ngó thoáng ông bạn làm đã biết. Thật ra đàn ông ở quê ai mà không từng mài dao để sử dụng. Giỏi, dở chỉ là mài dao bén lâu hay mài bị vo lưỡi, xài mấy hôm lại cùn.

Ông Nguyễn Trần Đức

Buổi chiều, đường phố Sài Gòn đông đúc, ồn ã. Ông cụ đạp xe đi mài dao kéo dạo cất giọng rao đùng đục: "Ai mài dao, mài kéo không?". Tiếng rao chìm lẫn trong tiếng máy xe rầm rập. Bóng ông cụ gầy gò, nhỏ thó, giọng ông cụ hụt hơi, khàn khàn lạc lõng...

Nghề tránh xa... đám đánh nhau

Tôi rà thắng xe máy, chạy chậm lại, nói ông cụ theo mình để về nhà mài mớ dao kéo cùn. Ông cụ cố lớn giọng đã hụt hơi: "Anh chạy xe chầm chậm, tôi không theo kịp". 

Trả số 3 xe máy, tôi chạy thật chậm để đợi ông cụ theo mình. Nhưng ra đến giao lộ Hậu Giang - Minh Phụng, tôi để lạc mất ông. Cố quay lại tìm nhưng bóng ông đã lạc đâu mất giữa giao lộ đông nghịt người.

Hiện nay ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, nhiều nghề xưa cũ của một thời khó khăn đã dần biến mất, nhưng còn một số việc vẫn đang mờ nhạt tồn tại theo dòng chảy thời cuộc. Những người mài dao kéo dạo đa phần đã cao tuổi, từ quê lên phố mưu sinh, san sẻ gánh nặng cuộc sống với con cái. 

Một số đi xe máy chở thùng đồ nghề phía sau, nhưng nhiều người vẫn đạp xe rong ruổi cất lời rao tìm khách cần mài dao khắp các đường phố, con hẻm.

Buổi trưa, tôi gọi ông Nguyễn Văn Sơn đang chở cả... 100 con dao các loại trong sọt tre phía sau xe. "Đi mài dao kéo cho người ta mà sao chở nhiều dao vậy?". Nghe tôi hỏi, ông Sơn phì cười: "Không phải dao của khách mài đâu, tui tranh thủ vừa đi mài dao kéo vừa chở dao bán luôn, chứ giờ mà chỉ mỗi mài dao thì khó khăn lắm".

Quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, ông Sơn gần 50 tuổi và đã trải nhiều nghề từ nhà quê lên phố trước khi gắn liền với cục đá mài dao. 

Ông kể mình không hề có ý định mài dao, chỉ vì thấy người ta kiếm sống "tàm tạm" và nhất là việc học nghề này quá đơn giản, chỉ học vài giờ là thạo, thậm chí không cần học mà khéo tay chút cũng làm việc được. 

"Anh hỏi tui làm mài dao kéo dạo ngán nhất là gì à? Thiệt bụng tui ngán nhất là mấy đám sửu nhi... đánh lộn trên đường sá. Mình lớ quớ chở cả sọt dao qua đám đánh lộn, tụi nó giật làm vũ khí thì mình mắc mệt với công an", ông Sơn nửa thật nửa đùa trả lời tôi.

Nhận ba con dao lớn, nhỏ đã cùn lưỡi của tôi, ông Sơn dựng chân chống chiếc xe máy vào chỗ có bóng cây xanh và cho nổ máy cái động cơ nhỏ để quay cục đá mài lưỡi dao. 

Mới nhìn các đồ nghề đều cũ kỹ, nhếch nhác nhưng vẫn khá chuẩn. Ông ta chỉ khởi động một lần, máy mài dao đã quay rè rè. Đầu tiên, ông sử dụng đá mài cho lưỡi dao mỏng lại. Sau đó, các lưỡi dao lại được liếc qua thanh tròn để làm bén đều lưỡi.

"Có bén không đó? Hay chỉ xài mấy ngày lại cùn, dao cắt chuối không đứt?". "Yên tâm đi, tui mài dao thái thịt cũng đủ để mấy ông cạo râu", nghe tôi hỏi, ông Sơn vừa cười vừa trả lời. Sự thật mấy con dao được ông Sơn mài rất bén. Tôi dùng con dao nhỏ cán vàng kiểu Thái Lan hay cắt trái cây để cạo lông chân thử. 

Lưỡi lướt qua một cách bén ngọt. Mấy lưỡi dao lớn cũng rất bén. Cả ba con dao chỉ được ông Sơn mài chưa đến 15 phút đã xong. Như sợ tôi nghĩ mình "chụp giật", ăn tiền nhanh, ông Sơn gãi đầu cười nói: "Tui mài lưỡi dao giờ chưa đến 5 phút, nhưng biết mài bén thì 20 năm kinh nghiệm đó".

Tôi đưa tờ 50.000 đồng, ông ta thối lại 25.000 đồng. Tính ra công mài ba con dao chỉ có 25.000 đồng, rẻ quá, nhưng nếu tính công lao động phổ thông mà mỗi phút kiếm được gần 2.000 đồng thì có vẻ khá so với nhiều nghề tay chân khác. "Coi vậy chứ không phải lúc nào cũng có dao để mài đâu. 

Có ngày chạy rảo hết hai bình xăng xe máy mà chỉ kiếm được 5, 7 khách. Tính kỹ ra, không kiếm đủ tiền cho hai đĩa cơm bụi" - ông Sơn kể và cũng cho biết có ngày kiếm được năm, ba trăm ngàn đồng, thậm chí hơn chút. Đó là những hôm gặp may, ông đang ngồi mài dao của khách này thì hàng xóm nhìn thấy lại đem dao của mình tới.

Có người mài ba con, có người mài năm con, thậm chí cả chục dao kéo các loại. Tiền công mài một lưỡi dao không bao nhiêu, mài nhiều lưỡi cũng kiếm được kha khá. Con ông Sơn hiện đang học đại học ở Đà Nẵng, tiền học phí của con đẫm mồ hôi và khói bụi đường phố của người cha ngày ngày đi mài dao kéo dạo.

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ cuối: Ai mài dao, mài kéo không? - Ảnh 3.

Nghề mài dao chỉ cần siêng năng, không mất nhiều thời gian học nghề - Ảnh: MẠNH DŨNG

Nghề giản đơn, dễ làm

"Hỏi đồ nghề mài dao hả, cũng đơn giản thôi. Có cục đá mài với cây sắt liếc chứ cần gì nữa đâu. 200.000 - 300.000 đồng bạc cũng đủ kiếm tạm bộ đồ nghề rồi", ông Sơn kể và "khoe" thêm mình còn "trẻ" nên ráng kiếm chiếc xe máy để chạy dạo tìm khách được nhiều hơn. Đa phần người già cả vẫn túc tắc chiếc xe đạp cũ kỹ, quen thuộc. 

Với cục đá mài dao, nhiều người đã "độ" cái môtơ để máy quay cho nhanh, số ít người vẫn quay tay chậm chạp và lâu bén. Trước đây, đôi khi miếng da trâu vẫn được dùng để liếc dao. Còn bây giờ người ta đã sử dụng thanh kim loại tròn để liếc dao.

"Dao bén ngọt hay không còn tùy thuộc cây liếc này. Tui mua cây liếc 3 triệu đồng của Đức, thép tốt hơn, mau bén dao hơn. 

Còn hầu hết xài cây liếc của Trung Quốc chỉ vài trăm ngàn và chất lượng thua xa", ông Sơn vừa kể vừa khoe thanh kim loại tròn dài khoảng 4 tấc "quý nhất" trong mớ đồ nghề chất gọn trên chiếc xe máy cũ kỹ. Chiếc xe mà ông nói vất ngoài đường chắc chỉ có "mấy bà ve chai chịu rờ" vì cũ quá rồi.

Một đồng nghiệp khác của ông Sơn là Nguyễn Trần Đức mà tôi gặp năm nay đã sang tuổi 61, mà nhìn ông hom hem như đã ngoài 70. Ở trọ trong con hẻm nhỏ tỉnh lộ 10, Bình Chánh, ông Đức và vợ quê tận Vĩnh Phúc đã vào TP.HCM mưu sinh gần 10 năm. 

"Tôi không muốn ở quê để nặng gánh cho con cái. Mình đứng tuổi rồi, kiếm việc gì phù hợp ra tiền để tự lo bản thân và khỏi nhàm chán", ông Đức kể thêm hồi mới vào cũng đi nhặt ve chai. Sau đó, ông bắt chước người bạn xóm trọ chuyển sang đi mài dao kéo dạo. 

Công việc dẫu sao cũng nhẹ hơn nghề lượm ve chai hay phải lom khom cúi mặt vào thùng rác hôi thối của nhà người ta, rồi còn phải còng lưng đạp chiếc xe ba gác nặng trĩu.

Chỉ mớ đồ nghề giản đơn cột sau xe và treo thêm trên cổ xe đạp, ông Đức nói mình sang lại của người bạn chỉ có đúng 1 triệu đồng, cả đồ nghề lẫn chiếc xe đạp cũ. Ông kia bệnh tật phải quay về quê nên bán lại tất cả để làm lộ phí. 

"Mỗi ngày tôi đạp xe chắc cũng khoảng 30km để tìm khách mài dao kéo, có ngày ế ẩm chỉ được 50.000 - 70.000 đồng, may mắn hơn thì cỡ 200.000 - 300.000 đồng. Chỉ vậy thôi, không thể nào kiếm hơn được. Nhưng thật ra đồ nghề này cũng rẻ, tôi chỉ làm chục ngày là đủ lấy lại vốn", ông Đức tâm sự.

Những người ngày ngày "ai mài dao, mài kéo không?" như ông Sơn, ông Đức đều trải lòng họ không ngại việc vất vả với mưa nắng, khói xe, bụi đường. Tuy nhiên, họ đều tâm sự hình như bây giờ khách ngày càng vắng dần, vắng dần. 

Nhà nào mà không cần dùng dao kéo. Nhưng hình như bây giờ dao tốt hơn, ít hư cùn, hay là người ta có tiền hơn, sẵn tiền mua dao mới để thay dao cũ?

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 6: Người thợ 60 năm sửa khóa quần áo Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 6: Người thợ 60 năm sửa khóa quần áo

TTO - Người thợ 81 tuổi, 60 năm tuổi nghề, tỉ mẩn chuốt lại từng chiếc răng khóa bé bằng nửa hạt gạo. Tôi tìm khắp phố cổ Hà Nội, hình như chỉ còn hai người làm nghề này.

MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên