29/08/2019 07:18 GMT+7

Nhớ Bác, hãy hành động để người dân tin vào Đảng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Hội thảo khoa học cấp quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra ngày 28-8.

Nhớ Bác, hãy hành động để người dân tin vào Đảng - Ảnh 1.

Bác Hồ thăm các cháu con em gia đình công nhân ở Quảng Ninh và bút tích Di chúc Bác năm 1968, 1969 - Ảnh tư liệu

Đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Di chúc của Người tiếp tục là cơ sở lý luận, thực tiễn và chỉ dẫn quý báu để cán bộ, đảng viên và toàn Đảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tăng cường xây dựng, củng cố Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, tiêu cực, tham nhũng, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, trở thành đảng đạo đức, đảng văn minh, xứng tầm là đảng lãnh đạo.

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương VÕ VĂN THƯỞNG

Mỗi cấp ủy Đảng và đảng viên với thái độ thẳng thắn, xây dựng, cần nghiêm túc tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong làm việc, tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm để có được niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như di huấn của Người.

Trưởng Ban Tổ chức trung ương PHẠM MINH CHÍNH

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp tổ chức, với sự tham dự của Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

"Băng tang Bác, tôi vẫn giữ đến bây giờ"

Nghẹn ngào xúc động, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên viện trưởng Viện lịch sử Đảng CS Việt Nam - bắt đầu phần tham luận bằng việc "xin phép cho tôi nói trước về tình cảm riêng của mình đối với Bác Hồ kính yêu". 

Trong suốt 50 năm nghiên cứu về Đảng và Hồ Chủ tịch, ông Phúc đã 3 lần được gặp Bác, ông vẫn giữ chiếc băng tang trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969, vừa rồi mới trao lại cho bảo tàng. 

"Cứ mỗi khi nghĩ đến 3 lần được gặp Bác, đến tình cảm thiêng liêng mà Bác để lại trong Di chúc, tôi lại thấy được sự phải hối thúc rèn luyện, học tập theo tấm gương của Bác. "Nghĩ đến Bác lòng ta trong sáng hơn", nếu ai cũng có tinh thần học tập Bác, yêu mến Bác như vậy thì sẽ không làm điều xấu xa, tội lỗi" - ông Phúc tâm sự.

Với tình cảm thiêng liêng của một người con miền biên viễn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê bày tỏ: "Cao Bằng vinh dự và tự hào là quê hương cội nguồn cách mạng, quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đại diện cho đồng bào cả nước được đón Bác trở về Tổ quốc sau hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước". 

Ông Lê khẳng định nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

"Đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, theo lời dạy của già Thu, ông Ké làm cách mạng, để giải phóng mình và giải phóng quê hương, đất nước" - ông Lê nói.

Trong kỷ yếu hội thảo có một bản tham luận không ký tên riêng, mà đề chung là của "Thường trực Thành ủy TP.HCM", có đoạn: "Sau ngày 30-4-1975, thực hiện tư tưởng của Người: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công", TP đã thực hiện chính sách "hòa hợp dân tộc", làm cho tất cả mọi người ở mọi giai cấp, mọi thành phần, kể cả những người từng ở phía bên kia, tất cả đều bớt mặc cảm, tất cả đều tự hào là người Việt Nam, tự hào với chiến thắng chung của dân tộc. Chính quyền cách mạng đã thực hiện chính sách nhân đạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với binh sĩ của chế độ cũ, không có cảnh "tắm máu" trả thù như kẻ địch đã hù dọa".

"Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn", vị cán bộ lão thành Nguyễn Túc - đại diện cho MTTQ Việt Nam - nhắn nhủ ngắn gọn: "Tôi mong rằng từ các đồng chí lãnh đạo đến các tầng lớp nhân dân, chúng ta ai cũng học tập, rèn luyện, để là con, cháu, chắt thật sự ngoan của Bác Hồ".

Xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"

Điểm lại những nội dung trọng yếu trong Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến lời căn dặn của Người về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là lời bất hủ của Người về đoàn kết: "Phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi trong mắt mình". 

Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Phạm Minh Chính đã nêu lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đây là cuộc chiến chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân".

Theo ông Phạm Minh Chính, thực hiện di nguyện của Bác Hồ, từ năm 1986 Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Dù điều kiện khó khăn sau chiến tranh, nhưng đến năm 1989 nông dân đã được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo lời căn dặn trong Di chúc của Người... 

Với quyết tâm xây dựng đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" theo Di chúc của Người, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực thực phẩm phải xin viện trợ, nhập khẩu, đến nay Việt Nam đứng đầu trong số các nước xuất khẩu nông sản trên thế giới. Đến năm 2018, quy mô của nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỉ USD, đứng thứ 44 trên thế giới về GDP...

Ông Chính cho rằng "mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng cần phải nhận thấy rằng nước ta hiện nay vẫn ở nhóm thu nhập thấp, trung bình thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu, năng suất lao động còn thấp, chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội còn lớn, nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc...".

Đó cũng chính là trăn trở của ông Võ Văn Thưởng trong phát biểu bế mạc: "Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay đất nước ta còn nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp cần phải được tập trung tổ chức khắc phục như nhiều nơi vẫn còn có tình trạng thiếu dân chủ, dân chủ hình thức; một số cán bộ, chi bộ còn có tình trạng chủ nghĩa cá nhân, mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm, tiêu cực; tư tưởng cục bộ địa phương còn khá nặng nề; kinh tế phát triển còn chưa bền vững; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng dẫn đến những mâu thuẫn và bức xúc xã hội...".

Ông Nguyễn Túc (ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):

Có xu hướng khoe thành tích, che đậy khuyết điểm

nguyen tuc 2(read-only)

Tình trạng suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay đã phần nào chỉ ra thực tế cán bộ, đảng viên thực hiện các nghị quyết của trung ương chưa tốt.

Trung ương đã ra rất nhiều nghị quyết nhưng số lượng đảng viên thẩm thấu được những nghị quyết đó và biến thành hành động cụ thể không nhiều. Hiện nay có xu hướng khoe thành tích, khuyết điểm thì che đi. Việc phê bình và tự phê bình ở các chi bộ rất yếu, phê bình chưa trở thành văn hóa trong sinh hoạt Đảng.

Các cán bộ lão thành cách mạng rất lo về xu hướng này. Bác Hồ đã từng nói một việc làm có lợi cho nhân dân còn có tác động lớn hơn cả những bài diễn văn. Nên khi thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi vẫn cho rằng điều quan trọng nhất là nói và làm phải đi đôi với nhau.

Bà Võ Thị Dung (phó bí thư Thành ủy TP.HCM):

Phải làm cho người dân tin vào Đảng

vo thi dung (1) 2(read-only)

Trong quá trình thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã nỗ lực thực hiện mong muốn của Người sau độc lập là làm thế nào để chăm lo cho đời sống nhân dân tốt hơn; làm thế nào để xây dựng Đảng, để mỗi cán bộ, đảng viên phải tận tụy, chăm lo, vì lợi ích của nhân dân.

Với hai nhiệm vụ này, xây dựng Đảng thật sự quan trọng và là nhiệm vụ chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Trọng trách của Đảng là làm cho người dân ấm no, hạnh phúc, tạo dựng được niềm tin cho người dân, từ đó người dân mới tin tưởng, đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp phát triển Tổ quốc.

Như Bác đã nói người dân là yếu tố quyết định. Nếu người dân mất niềm tin vào Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị suy giảm. Nên nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xây dựng Đảng.

Để phát triển Đảng một cách thực chất, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu, không ngừng học tập, rèn luyện, khiêm tốn, tự biết hạn chế của mình để sửa chữa khuyết điểm và đặc biệt phải gắn bó với nhân dân, vì dân.

NGỌC DIỆP ghi

Triển lãm đặc biệt

Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham gia của 4 nước Việt Nam, Mỹ, Nga, Pháp được tổ chức ngay tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ chủ tịch ngày 28-8.

Triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh: cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế, kéo dài tới ngày 7-9. Lần đầu tiên, công chúng được tiếp cận với những tư liệu, hình ảnh quý đến từ cơ quan lưu trữ của ba nước Mỹ, Pháp, Nga.

bac ho (2) 2(read-only)

Triển lãm thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế - Ảnh: T.ĐIỂU

Ít ai biết rằng 8 ngày trước khi qua đời, Bác còn gửi một lá thư tới tổng thống Mỹ Richard Nixon với lời lẽ đanh thép yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, cho tới khi lá thư ấy lần đầu được công bố vào hôm nay tại Hà Nội. Tại triển lãm này công chúng lần đầu tiên biết tới lá thư này, được mang đến từ Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ.

Trong số những tư liệu, hình ảnh mà Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ cung cấp, người xem còn được thấy rất nhiều những lá thư quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman năm 1946 đề nghị Mỹ cùng Liên Hiệp Quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam; và thư gửi bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22-10-1945 về nền độc lập của Việt Nam cần sự công nhận của Liên Hiệp Quốc.

Triển lãm cũng đem đến những tài liệu quý do Cơ quan Lưu trữ của Liên bang Nga cung cấp. Đó là những tư liệu, hình ảnh liên quan đến thời gian Bác Hồ sống và hoạt động tại Liên Xô mà lịch sử đã ghi lại nhưng chúng ta lại không có những bằng chứng cụ thể.

Trong khi đó, Cơ quan Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp lại mang đến những hồ sơ tài liệu rất quý, được chọn ra từ hơn 12.000 trang tư liệu của mật thám Pháp đã theo dõi Bác từ năm 1923 đến năm 1954, nay tặng cho Việt Nam.

Bút tích Di chúc Bác Hồ cũng được giới thiệu tại triển lãm; cùng với những tư liệu, hình ảnh từ cơ quan lưu trữ Việt Nam về đám tang Bác Hồ như một nốt trầm xúc động tại triển lãm.

Ông Đặng Thanh Tùng - cục trưởng Cục Văn thư - lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) - nói lần đầu tiên triển lãm về Bác có tới 4 cơ quan lưu trữ quốc gia lớn trên thế giới đứng ra tổ chức. Theo ông Tùng, tư liệu đến từ 4 nước là minh chứng tuyệt vời, chân thực, khách quan, thuyết phục về sự vĩ đại của Bác.

"Sự cao cả, vĩ đại của Bác không chỉ được những con cháu của Người ghi nhận, mà được minh chứng một cách khách quan từ tư liệu lưu trữ của các quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Pháp. Điều này mang tới sức thuyết phục lớn với các bạn trẻ về tầm vóc của Người" - ông Đặng Thanh Tùng nói.

THIÊN ĐIỂU

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên