Người dân ĐBSCL có thể dựa vào một số hiện tượng tự nhiên để chủ động dự báo lũ hàng năm. Trong ảnh: Mưu sinh trong mùa lũ. Ảnh: CHÍ QUỐC
Các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long( ĐBSCL) đã, đang và sẽ phải chịu nhiều nguy cơ từ các hiện tượng như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền, nhiệt độ tăng bất thường và không ngừng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến công việc sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Do vậy, muốn ổn định sản xuất, hạn chế thiệt hại thì công việc dự báo thời tiết, khí hậu dành cho nông dân thực sự trở thành vấn đề hết sức cấp thiết.
Có một khó khăn khá lớn ở nước ta hiện nay là, số lượng trạm quan trắc khí tượng, thủy văn còn rất ít và rất thưa với mật độ phân bố bình quân là 25km/trạm. Khu vực miền núi khoảng cách còn đến hơn 100km. Chính vì vậy, việc cảnh báo, dự báo chính xác và kịp thời về thời tiết khí hậu xấu cho bà con nông dân là rất khó khăn.
Thời tiết luôn luôn biến đổi, chúng ta thì không thể thay đổi được thiên nhiên. Vì vậy, tất yếu người nông dân phải chú ý theo dõi dự báo thời tiết khí hậu từ các cơ quan chuyên môn và phải phát huy các kinh nghiệm quan sát của các lão nông giàu kinh nghiệm để biết trước được diễn biến của thiên nhiên nhằm hạn chế sự thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Ví dụ, trong các dấu hiệu để quan sát dự báo lũ thì người nông dân có kinh nghiệm quan sát màu nước. Nếu trong nước có nhiều tảo hoặc trứng nước xuất hiện sớm vào tháng 5, 6 âm lịch thì sẽ có lũ. Ngoài ra, một số nông dân còn sử dụng cả phương pháp cân nước. Theo đó, người dân lấy nước vào ngày cuối của năm (ngày 30 tháng Chạp) cho vào một chai sau đó đem cân; đến ngày đầu tiên của năm mới (mùng 1 tháng Giêng) lại lấy nước tại vị trí cũ cho vào chai khác đem cân. Chai nước lấy trong năm nào nặng hơn thì năm đó lũ cao hơn.
Đối với chu kỳ lũ hoặc thời gian lũ về thì người nông dân dựa vào các đặc điểm như: nếu mực nước của tháng 5, tháng 6 âm lịch mà tăng lên thì đến tháng 7 và tháng 8 âm lịch sẽ có lũ; nếu quan sát thấy cứ 3 năm lũ thấp thì có thể năm thứ 4 lũ có khả năng lên cao hơn; hoặc cứ 10 năm thì sẽ có 1 năm xảy ra lũ cao.
Nông dân ĐBSCL còn có kinh nghiệm quan sát hướng gió: nếu thấy gió hướng nam thổi mạnh kèm theo mưa, nước lên nhanh và chảy mạnh thì năm đó lũ sẽ có khả năng lên cao, nếu gió thổi ngược thì lũ nhỏ.
Ngoài "nhìn trời, nhìn nước", người dân còn quan sát cây cỏ và động vật để dự báo thời tiết. Khi nhìn thấy kiến, mối, chim vòng vọc làm tổ trên cây cao; chuột đào hang trên cao; chim nhạn, cò đi theo đàn; mạng nhện đóng nhiều vào tháng 7 âm lịch thì sắp có mưa lũ lớn.
Ngoài ra, có thể quan sát một số cây bản địa để dự báo lũ như dựa vào ngấn của cây đọt sậy. Nếu đọt sậy có 4-5 ngấn vào tháng 5 âm lịch thì lũ lớn, nếu chỉ có 2 ngấn thì lũ nhỏ; hay chót lá cây sậy nhiều hơn 2 ngấn thì lũ lớn, nếu có 1 ngấn thì lũ nhỏ. Hoặc khi thấy cây sậy ra lóng dài hơn 50cm, cỏ tây có lá ra gần chóp hay có nhiều ngấn, măng tre mọc sau cao hơn măng mọc trước, rễ cây cà na ra nhiều thì năm đó sẽ có lũ lớn…
Nếu dự báo trước được sự thay đổi của thời tiết, người nông dân có thể tránh được những hậu quả do thiên tai gây ra, đồng thời có những phương án cụ thể trong việc phát triển các loại cây trồng phù hợp. Đó có thể là việc lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, đồng thời chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản thích ứng với thay đổi khí hậu để tăng thêm năng suất, hiệu quả cho việc sản xuất, phát triển lĩnh vực nông nghiệp của người dân theo tiêu chí: "Thích ứng - Hiệu quả - Bền vững".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận