Ngành hàng không thương mại thế giới vừa trải qua năm chết chóc nhất kể từ năm 2018, khi ghi nhận 318 người thiệt mạng trong các chuyến bay thương mại. Đây cũng là con số tử vong cao nhất kể từ năm 2018 với hơn 500 người thiệt mạng.
Sự gia tăng số người thiệt mạng do di chuyển bằng đường hàng không trong năm 2024 cũng đánh dấu một bước thụt lùi đáng kể so với năm 2023 - năm được đánh giá là an toàn nhất trong lịch sử hàng không thế giới khi không có bất kỳ trường hợp tử vong nào trên các máy bay chở khách lớn - thường là các dòng máy bay do Airbus SE và Boeing sản xuất.
Hãng tin Reuters ngày 31-12 cũng đã điểm lại các vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất xảy ra trong năm 2024 theo mức độ nghiêm trọng.
Hàn Quốc
Ngày 29-12, máy bay Boeing 737-800 của Hãng hàng không Jeju Air hạ cánh bằng bụng xuống sân bay Muan (Hàn Quốc), đâm vào tường bê tông bao sân bay và phát nổ khiến 179 trên 181 người trên máy bay thiệt mạng - biến đây trở thành thảm kịch hàng không tồi tệ nhất từng xảy ra ở Hàn Quốc.
Nguyên nhân ban đầu được cho là động cơ và bộ phận đáp của máy bay bị hư hỏng do trúng chim trời.
Tuy nhiên, những giả thuyết xoay quanh thiết kế thiếu an toàn của sân bay Muan, thiếu nhân sự cảnh báo chim trời hay bức tường bê tông nằm sai chỗ đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận về sự thật đằng sau thảm kịch này.
Brazil
Ngày 9-8, máy bay của Hãng hàng không Voepass Linhas Areas mang số hiệu 2238 đã bị rơi khi đang trong hành trình từ Cascavel (bang Parana) đến Guarulhos (bang Sao Paulo).
Tất cả 62 người có mặt trên chuyến bay đều thiệt mạng.
Chưa dừng lại ở đó, ngành hàng không Brazil tiếp tục gặp hạn khi vào ngày 22-12, chiếc máy bay tư nhân nhỏ, loại Piper PA-42-1000 hai động cơ, chở theo 10 người đã rơi xuống các cửa hàng ở trung tâm thành phố du lịch Gramado, miền nam Brazil.
Tai nạn này khiến toàn bộ 10 người trên máy bay thiệt mạng và làm 17 người dưới mặt đất bị thương.
Kazakhstan
Ngày 25-12, máy bay dân dụng chở 67 người của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines đã gặp nạn và rơi tại thành phố Aktau (Kazakhstan), khiến 39 trong tổng số 68 người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng.
Azerbaijan Airlines khẳng định qua kết quả điều tra sơ bộ, nguyên nhân máy bay rơi là do gặp phải "sự can thiệp vật lý và kỹ thuật từ bên ngoài". Tuy nhiên, hãng không nói rõ về "sự can thiệp" này là gì.
Nepal
Chiếc máy bay của Hãng hàng không Saurya Airlines đã bị rơi trong lúc cất cánh tại thủ đô Kathmandu của Nepal vào ngày 24-7, khiến 18 trong 19 người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng, duy nhất phi công sống sót thần kỳ.
Malawi
Phó tổng thống Malawi, Saulos Klaus Chilima, cùng 9 người khác, bao gồm cựu Đệ nhất phu nhân Shanil Dzimbiri, đã thiệt mạng vào ngày 10-6 khi đang trên đường từ Lilongwe đến Mzuzu. Chiếc máy bay quân sự chở họ đã gặp nạn và rơi trong chuyến hành trình.
Máy bay chở ông Chilima rời thủ đô Lilongwe lúc 9h17 sáng theo giờ địa phương hôm 10-6, nhưng không thể hạ cánh xuống sân bay Mzuzu như dự kiến lúc 10h02 sáng do tầm nhìn kém.
Chiếc máy bay sau đó được lệnh quay trở lại thủ đô, nhưng biến mất khỏi radar và bặt vô âm tín khi các cơ quan hàng không tìm cách liên lạc.
Thái Lan
Máy bay Cessna Caravan C208 do Thai Flying Service vận hành cất cánh từ sân bay Suvarnabhumi lúc 14h46 ngày 22-8, hướng đến sân bay Ko Mai Chee ở tỉnh Trat. Máy bay mất liên lạc vào khoảng 15h và được xác định gặp nạn lúc 15h18.
Toàn bộ 9 người trên máy bay đều thiệt mạng.
Iran
Ngày 19-5, chiếc trực thăng Bell 212 chở cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã rơi tại tỉnh Đông Azerbaijan của Iran, khiến toàn bộ người trên máy bay thiệt mạng.
Nguyên nhân cuối cùng được kết luận dẫn đến vụ tai nạn trên là do điều kiện thời tiết xấu với sương mù dày đặc khiến trực thăng đâm vào núi.
Canada
Máy bay chở công nhân của Công ty Rio Tinto - công ty đa quốc gia của Anh - Úc, và là tập đoàn khai thác kim loại lớn thứ hai thế giới - bị rơi ở ngoại ô thị trấn Fort Smith hôm 23-1. Nơi này thuộc vùng Nam Slave, nằm trong lãnh thổ vùng tây bắc Canada.
Bốn hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng sau vụ tai nạn. Chỉ duy nhất một hành khách sống sót.
Nhật Bản
Chiều tối 2-1, chiếc Airbus A350 của Japan Airlines chở theo 379 người, bao gồm phi hành đoàn 12 người, hạ cánh xuống sân bay Haneda sau hành trình từ Sapporo, va chạm với một máy bay tuần duyên và bốc cháy dữ dội.
Tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thương mại đều kịp thoát ra ngoài trước khi máy bay cháy, nhưng vụ va chạm đã khiến 5 người trên máy bay tuần duyên thiệt mạng. Chỉ có duy nhất phi công sống sót nhưng người này bị thương nặng.
Singapore
Ngày 21-5, ít nhất một hành khách thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau khi chuyến bay mang số hiệu SQ321 của Hãng Singapore Airlines khởi hành từ London (Anh) đến Singapore gặp phải tình trạng nhiễu động mạnh và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống Bangkok, Thái Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận