16/09/2022 21:24 GMT+7

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục kèm 'các yếu tố khác' mới là quấy rối tình dục nơi làm việc?

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Các hành vi như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… chỉ cấu thành hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc nếu kèm các yếu tố khác như thái độ không mong muốn, không đồng thuận của người tiếp nhận.

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục kèm các yếu tố khác mới là quấy rối tình dục nơi làm việc? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ảnh: TỐNG GIÁP

Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đưa ra tại tập huấn báo chí với chủ đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc ngày 16-9.

Theo ông Bình, quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc không mới, được ban hành từ năm 2015. Sau đó, Bộ luật lao động 2019 đã sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể về nội dung này nên thực tiễn yêu cầu bộ quy tắc mới, phù hợp hơn.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc rất đặc thù nên các văn bản pháp luật chỉ đưa ra khái niệm, trách nhiệm, trình tự thủ tục khiếu nại, giải quyết của các bên vì môi trường làm việc ở nhiều doanh nghiệp khác nhau. Việc mô tả cụ thể các hành vi quấy rối tình dục bằng văn bản cũng không khả thi.

Chuyên gia này cũng bình luận một số người vội quy kết nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục là quấy rối tình dục. Nhưng hành vi trên chỉ cấu thành hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nếu "kèm yếu tố khác". Quan trọng nhất là thái độ không mong muốn, không đồng thuận của người tiếp nhận thể hiện qua bày tỏ thái độ trực tiếp, qua mạng xã hội cá nhân...

Thứ hai, bộ quy tắc hướng tới nơi làm việc nên phải xác định cụ thể theo hướng dẫn của nghị định 145/2020 như bất cứ địa điểm nào mà người lao động làm việc theo thỏa thuận, phân công của người sử dụng lao động, kể cả nơi diễn ra hoạt động xã hội, bữa ăn, công tác, tập huấn...

Ngoài ra, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục để đổi lại lợi ích liên quan đến công việc. Hành vi khiến môi trường làm việc trở nên bất an, khó chịu, gây tổn hại về thể chất, tinh thần... cũng bị coi là quấy rối tình dục.

"Hành vi cụ thể tùy thuộc vào hoàn cảnh nên cơ quan chuyên môn mới giao cho doanh nghiệp quy định cụ thể. Ví dụ một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ lót cho phụ nữ thì chuyện bình phẩm về đồ lót là bình thường, nhưng nếu người nào đó suốt ngày mang câu chuyện đó bàn tán tại nơi làm việc thì phải xem xét", ông Bình nói rõ thêm. 

Theo ông Bình, các nhãn hàng, đối tác quốc tế cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Thậm chí, nhiều nhà mua hàng quốc tế còn có bộ quy tắc ứng xử riêng về vấn đề này và doanh nghiệp không thực hiện thì không ký đơn hàng.

"Một môi trường an toàn không có quấy rối tình dục là môi trường có thể làm tăng năng suất lao động, tăng uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Bình nói.  

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và dự kiến trình Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia xem xét, thông qua. 

Còn ông Hazelton Phillip, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, bình luận quấy rối tình dục là mối nguy hại cho nơi làm việc, khiến môi trường đó trở nên không an toàn, vi phạm quyền con người. Do đó, ông khuyến nghị đưa bộ quy tắc trên vào áp dụng thực tế càng sớm càng tốt.

Theo dự thảo bộ quy tắc này, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi "có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận".

Dự thảo phân chia quấy rối tình dục tại nơi làm việc dưới 3 hình thức.

Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có hành động, cử chỉ, tiếp xúc cơ thể hoặc cố tình động chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp... cho tới cưỡng dâm, hiếp dâm.

Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...

Quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, nhận xét trang phục, cơ thể được coi là quấy rối tình dục? Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, nhận xét trang phục, cơ thể được coi là quấy rối tình dục?

TTO - Dự thảo Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đề xuất việc nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, nhận xét trang phục hay cơ thể người khác… được coi là quấy rối tình dục nơi công sở. Nhiều người dân đã có ý kiến về vấn đề này.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên