Nhiều người dân vẫn muốn nghỉ Tết dài ngày do nghỉ dịch không thể về quê, đi chơi, xả stress, tái tạo sức lao động - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đề xuất phù hợp quy định
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - khẳng định: "Dự thảo phương án nghỉ 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất, đề xuất phù hợp với quy định của Luật lao động 2019. Thứ hai, nghỉ Tết là nguyện vọng chính đáng của người lao động khi vừa trải qua dịch COVID-19".
Về ý kiến của một số công ty về giảm ngày nghỉ, ông Lợi cho rằng Bộ luật lao động đã quy định rõ, kể cả quốc tế thì cũng phải chấp nhận, không ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đánh giá về đề xuất, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - cho rằng doanh nghiệp thì luôn muốn làm nhiều, còn người lao động thì cần nghỉ thời gian nhất định để giải quyết việc gia đình, thăm quê quán.
Theo ông Huân, luật đã quy định nên doanh nghiệp muốn nghỉ ngắn cũng không được. Ngoài ra, ông cho rằng hiện nhiều doanh nghiệp làm việc 48h/tuần, chỉ nghỉ 1 ngày cuối tuần nên cho rằng nghỉ Tết thêm 2 ngày cuối tuần là chưa hợp lý.
Phương án nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 kéo dài 9 ngày đối với công chức, viên chức - Ảnh chụp màn hình: HÀ QUÂN
Nghỉ Tết 9 ngày là "hợp lý"
Bà Phan Lê Thu Hồng - phó giám đốc Công ty TNHH giấy A.F.C (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - cho rằng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày là hợp lý.
"Mọi người cần thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ chất lượng với gia đình, chứ không phải nghỉ kiểu cầm chân ở nhà như thời gian qua. Mấy tháng qua do giãn cách xã hội nên dù nghỉ nhiều người cũng đâu thể thăm, gặp người thân", bà Hồng chia sẻ.
Theo bà Hồng, việc phục hồi sản xuất cũng cần thời gian, chắp nối các đứt gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng, "doanh nghiệp không thể ngay lập tức đạt công suất 100% được".
Ông Đào Quốc Cường - giám đốc thường trực Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) - cho biết phương án về số ngày sản xuất, số ngày nghỉ trong năm của doanh nghiệp FDI thường được lập ra từ trước.
"Từ tháng 8, tháng 9 công ty đã lên kế hoạch cho năm sau, trong đó nghỉ Tết từ 7-9 ngày. Công ty cân đối cho công nhân nghỉ trước Tết 2-3 ngày. Mặc dù nhiều người lao động nghỉ dịch ở nhà khá lâu nhưng đó không phải là nghỉ đúng nghĩa. Người lao động vẫn cần nghỉ Tết như thông thường. Đặc biệt, lao động làm '3 tại chỗ' trong suốt nhiều tháng qua, phải ăn ngủ xa nhà, không gặp người thân thì nghỉ Tết càng cần thiết", ông Cường nói thêm.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Văn Hoành chia sẻ: "Thời gian chúng ta thực hiện giãn cách xã hội đã 4-5 tháng. Sản xuất kinh doanh đã bị trì trệ rất nhiều, kinh tế của người dân cũng hết sức eo hẹp. Dịp Tết Nguyên đán này kinh tế chưa kịp hồi phục bao nhiêu mà lại nghỉ Tết 9 ngày, chưa kể độ trì trệ của Tết như mọi năm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự hồi phục kinh tế. Nghỉ từ ngày 30 Tết đến mùng 3 là đã quá đủ".
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất nghỉ Tết âm lịch Nhâm Dần 9 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết theo Luật lao động 2019 và 4 ngày nghỉ theo lịch hằng tuần.
Cụ thể trong dự thảo, người lao động là công chức, viên chức có thể nghỉ liền 9 ngày liên tục, từ thứ bảy (ngày 29-1-2022) đến hết ngày chủ nhật (ngày 6-2-2022), tức từ 27 tháng chạp năm Tân Sửu tới hết mùng 6 tháng giêng năm Nhâm Dần.
Người lao động không phải là công chức hoặc viên chức sẽ được người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết âm lịch theo điều kiện thực tế và lịch nghỉ đối với công chức, viên chức. Phương án đưa ra là lựa chọn 1 ngày nghỉ trước Tết và 4 ngày nghỉ sau Tết, hoặc nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày nghỉ sau Tết (đầu năm âm lịch).
Hiện đề xuất của Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã được gửi tới 16 cơ quan để xin ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Thăm dò ý kiến
Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất nghỉ Tết âm lịch Nhâm Dần 9 ngày. Theo bạn thời gian nghỉ này:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận