Xe cấp cứu kẹt giữa dòng xe lưu thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ảnh: THẢO LÊ
Đặc biệt là các tuyến đường kết nối ra vào trung tâm TP.HCM như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Quang Định... thường xuyên ùn tắc kéo dài do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa những ngày cuối năm tăng cao.
Sáng đến trưa phải nhích từ từ
Tuyến đường huyết mạch nối khu bắc về trung tâm TP.HCM như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám giờ đây thật sự là điểm nghẽn nghiêm trọng vào giờ cao điểm.
Trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), từ sau Tết dương lịch đến nay, lượng xe cộ lưu thông tăng mạnh khiến khung giờ từ 8h sáng đến 11h trưa luôn ùn tắc kéo dài từ cầu vượt Hoàng Hoa Thám đến vòng xoay Lăng Cha Cả.
Nhiều xe máy leo cả lên vỉa hè, luồn lách giữa làn ôtô để thoát khỏi điểm ùn tắc.
Chị Ngô Thị Huyền Trang (26 tuổi) ở trọ đường Thân Nhân Trung (P.13, Q.Tân Bình) làm việc cho một trường mầm non ở Q.Phú Nhuận kể: "Sáng tôi đi làm đến cầu vượt Hoàng Hoa Thám đã gặp dòng xe đông đúc, di chuyển chậm. Chỉ một quãng đường hơn 1km ngày thường đi 5 phút nhưng mấy hôm nay phải mất 30 phút".
Không những tuyến đường nhánh phía bắc vào trung tâm, khu vực đường Đinh Bộ Lĩnh kết nối khu vực Thủ Đức, Bình Dương vào trung tâm TP.HCM sáng sớm cũng chịu cảnh ùn tắc kéo dài từ cầu Bình Triệu đến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh).
8h sáng 10-1 tại đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh), dòng xe máy, ôtô, xe buýt, xe tải chở hàng... kéo dài hàng cây số, nhích từng chút một để lưu thông về hướng đường Điện Biên Phủ. Nhiều phương tiện nóng vội bấm còi inh ỏi, leo lên lề đường, quát mắng cả người đi bộ để đi.
Giờ cao điểm vào cuối ngày cũng là "cơn ác mộng" cho người dân trên đường về nhà. Hầu hết các tuyến đường Âu Cơ, Nguyễn Thái Bình, Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận)... đều kẹt cứng.
Dòng xe lưu thông chậm chạp, di chuyển ì ạch từng mét đường, chen lấn, leo vỉa hè cũng không thể đi nhanh hơn được. Nhiều xe cứu thương bấm còi inh ỏi, chật vật chen hàng vượt lên trước nhưng vẫn không thể lưu thông qua dòng xe dày đặc.
Anh Lê Thành Khả - tài xế xe ôm khu vực Bàu Cát, Q.Tân Bình - cho biết tuyến đường Âu Cơ, Thoại Ngọc Hầu, Hồng Lạc lâu nay rất ít khi kẹt xe.
Những ngày cuối năm, khu vực này tập trung rất đông xưởng may mặc, đại lý vải nên lượng xe hàng di chuyển tăng đột biến. Có nhiều hôm đến 9h các khu vực Âu Cơ, Thoại Ngọc Hầu vẫn còn ùn tắc.
Anh Nguyễn Chí Quy - chủ shop điện thoại trên đường Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình - cũng nói thêm: "Những ngày cuối năm, chiều nào đường này cũng kẹt cứng, thậm chí có thời điểm xe máy đứng chôn chân không thể di chuyển được. Dòng xe kẹt từ 5h chiều đến hơn 20h tối mới thông thoáng".
Đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), khu vực rất ít kẹt xe nhưng những ngày cận tết cũng ùn tắc kéo dài - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Ứng cứu kẹt xe ngày cao điểm
Ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đơn vị đã triển khai các tổ phản ứng nhanh gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an địa phương túc trực thường xuyên tại các điểm nóng về ùn tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm.
Theo ông Lâm, trước mắt sở sẽ rà soát các tuyến đường để cắm biển báo; rà soát hạn chế xe trên 16 chỗ lưu thông một số tuyến đường. Đồng thời, sở sẽ có văn bản phân định xe hợp đồng, xe chạy tuyến cố định, công bố những điểm được đón trả khách, tăng cường hình thức phạt nguội qua hệ thống camera.
Cùng chia sẻ, ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng quản lý và khai thác hạ tầng Sở GTVT TP.HCM - cho biết thêm đối với giao thông đường bộ, đơn vị đã cử lực lượng thanh tra giao thông túc trực ở các điểm nóng là bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh), bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân), sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình), các cửa ngõ cao tốc miền Đông và miền Tây...
Lực lượng này sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong triển khai xử lý xe cộ, xe khách vi phạm luật gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Khi xảy ra sự cố ùn tắc, tai nạn giao thông, các lực lượng này lập tức liên kết bố trí người điều tiết giao thông, xử lý sự cố... đảm bảo cho giao thông thông suốt, an toàn, xe cộ, người dân đi lại dễ dàng trong các ngày cao điểm.
Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái, khi xảy ra sự cố giao thông, phương án ứng cứu hàng đầu vẫn là tổ phản ứng nhanh. Tổ phản ứng nhanh này bao gồm nhiều đơn vị ngành giao thông như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, các trung tâm quản lý đô thị, hạ tầng...
Các sự cố giao thông tại hai khu vực trên được tổ này giám sát qua camera. Bất cứ sự cố nào xảy ra sẽ được phát hiện và báo động nhanh chóng. Trong vòng 4 phút sau sự cố, tổ này cử người có mặt kịp thời khắc phục sự cố. Ở hai khu vực này, TP có bố trí xe cứu hộ sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ.
Còn trung tá Nguyễn Trọng Sơn, phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, cũng cho biết trong cao điểm tết năm nay, phòng sẽ phối hợp các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn tại các điểm có nguy cơ ùn tắc trên địa bàn TP.
Các chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ chú ý tại 28 điểm ùn tắc giao thông, rà soát về tổ chức giao thông, kịp thời đề xuất, kiến nghị những bất hợp lý nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông xảy ra.
Lãnh đạo Sở GTVT TP nói: “Riêng cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách ra vào sẽ đột biến vào các ngày trước và sau tết. Trường hợp xảy ra kẹt xe, các lực lượng lập tức áp dụng phương án giải quyết là “túi giao thông”.
Phương án “túi giao thông” triển khai theo hướng ưu tiên cho xe vào sân bay, hạn chế dòng xe ra khỏi sân bay. Điều này hỗ trợ hành khách lên máy bay cho kịp lộ trình. Sau khi lượng xe vào đã ổn định, các lực lượng mới hướng dẫn xe bên trong lưu thông ra đường Trường Sơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận