Phóng to |
Bé L.N.L.Đ. bị cơn suyễn cấp phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: L.TH.H. |
Trẻ tử vong vì suyễn là hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ không được chủ quan với bệnh này ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết như vậy.
Không nên chủ quan
Theo bác sĩ Minh Tiến, trong 15 trẻ em bị suyễn nặng nguy kịch có năm bé phải thở máy, bệnh viện đã cứu được bốn bé nhưng một bé không qua khỏi. Đa số bé đều có tiền căn suyễn và được chẩn đoán bệnh từ lúc 2-5 tuổi. Trong đó có bé mới lên cơn suyễn lần đầu nhưng bị rất nặng.
Bé L.N.L.Đ., (3 tuổi, Q.7, TP.HCM) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 17-10 trong tình trạng bứt rứt, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực. Bác sĩ chẩn đoán bé lên cơn suyễn nặng chưa được kiểm soát, suy hô hấp độ 2. Sáng 21-10, tại khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé L.Đ. vẫn còn nằm trên giường bệnh và được bác sĩ cho phun khí dung để thông đường thở. Bà Lê Thị Kịch - bà nội bé L.Đ. - kể bé hay bị khò khè, khó thở và đã đi bác sĩ khám, được chẩn đoán bị ho, viêm phế quản rồi cho thuốc uống, phun khí dung. Gia đình hoàn toàn không biết bé bị bệnh suyễn. Lần này bé ho, mệt nhiều gia đình mới cấp tốc đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán suyễn.
Đầu tháng 10-2013, bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi bị lên cơn suyễn nặng. Gia đình đã dùng thuốc cắt cơn cho bé nhưng không vượt qua được cơn suyễn cấp. Khi thấy bé mệt nhiều, khó thở, la hét, tím tái mới vội vàng đưa đến một bệnh viện thì bé đã ngưng tim ngưng thở. Bệnh viện này đã đặt nội khí quản giúp thở, hồi sức tim phổi, chích và bơm sáu ống thuốc adernalin (thuốc kích thích tim) thì tim đập lại và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Khi vào cấp cứu bé đã hôn mê sâu và không qua khỏi.
Phát hiện sớm
Bác sĩ Minh Tiến cho biết suyễn là bệnh dị ứng đường hô hấp, gây xuất tiết đàm, phù nề niêm mạc và co thắt khí quản. Khi cơn suyễn xảy ra, ba yếu tố này tác động làm đường thở bị nghẹt, khiến người bệnh khó thở... Tuy không thể điều trị khỏi hẳn nhưng bệnh hoàn toàn kiểm soát được (không lên cơn suyễn) nếu có sự hợp tác tốt giữa thầy thuốc và người nhà bệnh nhi.
Tuy nhiên, không ít trẻ bị bệnh suyễn lúc đầu được gia đình đưa đến bệnh viện tái khám, theo dõi bệnh đều đặn nhưng thời gian sau khi thấy trẻ không còn lên cơn suyễn, dễ có tâm lý chủ quan. Thay vì đưa trẻ đến bệnh viện tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, gia đình lại tự mua thuốc về xịt ngừa cơn cho trẻ hoặc thuốc cắt cơn khi trẻ lên cơn suyễn. Khi lên cơn suyễn, nếu xịt thuốc xong may mắn trẻ sẽ qua được cơn suyễn, còn nếu cắt cơn không được rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Để tránh bỏ sót bệnh suyễn ở trẻ (trẻ không được chẩn đoán suyễn hoặc chẩn đoán sang bệnh khác), bệnh viện cần tập huấn cho bác sĩ cách nhận biết và chẩn đoán về bệnh này. Bác sĩ nên nghĩ đến trẻ bị suyễn khi thấy một đứa trẻ trên 2 tuổi có biểu hiện ho, khò khè, thậm chí khó thở, đặc biệt trên người trẻ có biểu hiện nổi chàm (viêm da dị ứng), hay viêm mũi dị ứng (biểu hiện ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt xì hơi), hoặc viêm kết mạc mắt dị ứng (ngứa mắt, chảy nước mắt) theo thời tiết.
Nếu trẻ có tiền căn có nhiều đợt ho, khò khè, đi bác sĩ khám có khi được chẩn đoán viêm phế quản, uống thuốc có bớt nhưng sau đó bị lại, bác sĩ có thể nghĩ nhiều đến suyễn nếu gia đình bé có cha mẹ, nội ngoại, cô dì, chú bác có người bị suyễn hồi nhỏ hoặc đang bị suyễn. Nhưng cũng có những bé không có biểu hiện suyễn đặc trưng là ho, khò khè, khó thở mà chỉ ho đơn thuần, ban ngày không ho nhưng tối đến ho nhiều, khiến bé phải thức giấc. Cũng có khi trẻ chỉ thức giấc về đêm, hắt hơi, nặng ngực xong rồi ngủ lại. Đây là những triệu chứng gợi ý bệnh hen suyễn, đặc biệt khi xảy ra về đêm.
Kiểm soát tốt, trẻ bình thường
Theo bác sĩ Minh Tiến, hiện nay tiết trời thay đổi thất thường, ban ngày trời nóng nhưng nửa đêm về sáng lại se lạnh nên trẻ bị suyễn thường hay lên cơn lúc gần sáng. Do vậy, cha mẹ có con bị suyễn cần giữ ấm cho trẻ lúc nửa đêm về sáng, hoặc khi trời trở lạnh bằng việc đắp chăn, khăn giữ ấm cổ, nếu ngủ máy lạnh mà đêm lạnh quá nên tắt máy lạnh để tránh cho trẻ bị lên cơn suyễn. Ngoài ra, cần chú ý đưa trẻ tái khám, theo dõi bệnh đúng lịch hẹn của bác sĩ. Chú ý phòng ngừa các yếu tố khởi phát cơn suyễn cho trẻ bằng cách dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; tránh để trẻ hít phải lông chó mèo, hoặc ngửi phải các mùi thơm, mùi hôi từ hóa chất như sơn nhà, thuốc xịt phòng...
Khi trẻ đi học, gia đình nên báo cho giáo viên chủ nhiệm biết bệnh của trẻ để phối hợp theo dõi và đưa đến bệnh viện cấp cứu sớm khi trẻ có dấu hiệu trở nặng.
Dấu hiệu trẻ bị lên cơn suyễn Khi lên cơn suyễn trẻ có biểu hiện ho, khò khè, khó thở, thở mệt, nặng ngực, co kéo lồng ngực. Lúc trẻ lên cơn, cho phép xịt thuốc cắt cơn ba lần, mỗi lần cách nhau 20-30 phút. Sau hai, ba lần xịt thuốc cắt cơn nhưng trẻ vẫn kêu mệt, thở khó, co kéo ngực, hõm trên xương đòn... người nhà phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Nếu để trẻ bị suy hô hấp với biểu hiện tím môi, tím đầu chi, tím tái người là trễ rồi. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Khám, tầm soát bệnh hen suyễn miễn phí5-10 trẻ lên cơn suyễn nhập viện/đêmChương trình tư vấn dành cho trẻ bị hen suyễn10 câu tư vấn đầu tiên về bệnh hen suyễn trẻ emNhiễm trùng do “cấy chỉ” điều trị suyễnĂn nhiều thức ăn nhanh... dễ bị suyễn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận