01/11/2014 09:15 GMT+7

​Nhiều tranh luận “Có nên cho tiền người ăn xin?”

TTO
TTO

TT - Để giải quyết nạn ăn xin tràn lan, góp phần gây mất vẻ mỹ quan đô thị, nhiều bạn đọc đề nghị phải có sự gánh vác của xã hội,

Phản hồi TTO tuần qua

“Ngày trước em hay cho tiền người ăn xin, nhưng đã lâu rồi em không cho họ nữa. Không phải vì em vô cảm mà vì những bài báo phanh phui nạn ăn xin rởm vẫn nhan nhản trên mạng...” - đây là một đoạn trích trong bài viết “Có nên tiếp tục cho tiền người ăn xin” của tác giả Diệu Ngọc.

Sau khi bài viết này được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn), những ngày qua đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc tranh luận các nội dung: Khi gặp người ăn xin đến xin tiền bạn sẽ làm gì? Sẵn sàng cho tiền, nhất định không cho hay có cách ứng xử khác?...

Bạn đọc nickname Tròn Xoe chia sẻ: “Tôi thích bài viết này. Đặt ra một vấn đề rất hay. Cá nhân tôi cũng không có được câu trả lời. Cách hành xử của tôi trong vấn đề này chỉ là lựa chọn cho hay không cho. Có khi tôi cho nếu cảm giác đây là người cần phải giúp. Có khi tôi không cho khi nghĩ đây là trường hợp lừa đảo. Vẫn biết là cái cảm giác/cái nghĩ ấy có thể đúng sai chưa rõ, nhưng còn cách nào hơn”.

Cũng tùy cách hành xử của mỗi người mà quyết định cho hay không cho tiền người ăn xin, bạn đọc có nickname Nguoidan viết: “Đã ra đường ăn xin của bố thí chắc không hạnh phúc gì đâu. Tôi cũng đã xem các phóng sự về chăn dắt người ăn xin. Nhưng giúp được họ dăm đồng bạc lẻ cũng không mất mát gì, còn ai làm ác thì quả báo nhãn tiền”.

Để giải quyết nạn ăn xin tràn lan, góp phần gây mất vẻ mỹ quan đô thị, nhiều bạn đọc đề nghị phải có sự gánh vác của xã hội, đó là xây các trung tâm bảo trợ xã hội tại mỗi địa phương để cưu mang họ.

Trong luồng ý kiến này, bạn đọc tên Tiến đề nghị: “Nên tập trung xây các trung tâm bảo trợ xã hội tại mỗi địa phương với chức năng làm nơi trú ngụ cho những người ăn xin chưa đủ tuổi trưởng thành và những người ăn xin tàn tật. Các trung tâm này phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở, cửa hàng để giới thiệu người ăn xin sau khi đào tạo nghề có công việc ổn định để kiếm sống”.

Bạn đọc Đỗ Việt Thắng cũng viết: “Tôi đồng tình với ý kiến của bạn Tiến. Nếu ta có các trung tâm bảo trợ và có tổ chức các lực lượng chuyên tập trung những người ăn xin về một nơi để phân loại nhằm nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của người ăn xin, từ đó có hướng giúp đỡ từng người thật cụ thể. Khi ta đưa về địa điểm phân loại thì ăn xin giả sẽ lộ mặt, ăn xin thật sẽ được giúp triệt để thì nạn ăn xin ngoài đường sẽ không còn”.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên