26/10/2014 15:50 GMT+7

"Tôi không cho tiền người ăn xin từ lâu rồi"

TTO
TTO

TTO - "Tôi đã không cho tiền người ăn xin từ lâu lắm rồi. Đơn giản là nếu mình cứ cho thì sẽ có người đi xin ăn dù thật hay giả", một bạn đọc chia sẻ.

Một người bò lê trên đường để xin tiền ở Hải Phòng - Ảnh: Hương Vũ (ảnh tư liệu)

Trong gần 50 ý kiến bạn đọc gửi về quanh câu chuyện nên hay không nên cho tiền người ăn xin. Đa số ý kiến cho rằng không nên, vì như bạn đọc Hiệp Nguyễn: "Có rất nhiều người lợi dụng sự đồng cảm của người khác để trục lợi".

Còn cho tiền, còn người ăn xin

"Hôm trước mình cùng vài người bạn đi ăn tối ở chợ đêm làng đại học, có một em nhỏ đến xin tiền. Mình và các bạn cũng chần chừ, một phần vì sợ bị lợi dụng, phần khác vì ái ngại.

Nhưng một lúc sau mình hỏi em đói chưa rồi dẫn em đi mua một ổ bánh mì. Mình thấy em vui lắm...

Mình thấy Nhà nước cần có biện pháp giải quyết nạn ăn xin một cách tích cực.

Như mình nghe nói ở Đà Nẵng, người ăn xin được tạo điều kiện công ăn việc làm, trở thành người có ích chứ không phải là gánh nặng cho xã hội".

(Nguyên Nguyễn)

Bạn đọc Hiệp Nguyễn viết: "Ví dụ có ông sư đứng xin tiền trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thông báo cấm tăng lữ đi khất thực; có thanh niên lê lết bán vé số mà không chịu đi, không chịu bò vì họ biết chắc chắn bạn sẽ thương hại mà mua giúp họ nhiều hơn, hoặc thậm chí cho tiền nhiều hơn...

Hãy để dành tiền vào mục đích từ thiện rõ ràng hơn là cho kiểu như vậy vì sẽ khiến một bộ phận người lười biếng hơn vì dễ xin tiền".

Bạn đọc Trần Lập thì dứt khoát: "Tôi sẽ không cho. Đó là cách dẹp tệ nạn chăn dắt người ăn xin. Đó cũng là cách để người ăn xin nỗ lực tìm việc làm. Thực tế có nhiều trường hợp ăn xin vì lười biếng".

Bạn đọc Huynh Cong Phuc cũng tán thành: "Tôi đã không cho từ lâu lắm rồi. Đơn giản là nếu mình cứ cho thì sẽ có người đi xin ăn dù thật hay giả".

Bạn đọc nhiemlethobinh@... lập luận: "Nếu cho tiền người thật sự nghèo đói thì mình không tiếc. Nhưng đây toàn người lười biếng, sống nhờ sự bố thí của người khác mà không biết xấu hổ.

Người ăn xin ngoài việc làm mất mỹ quan nơi công cộng, họ còn tập hư bản thân, khiến chính bản thân ngày càng lười biếng. Vì vậy chúng ta không nên cho".

Một số bạn đọc khác cho rằng có thể cho tiền người ăn xin tạm thời vì họ gặp khó khăn mới phải làm vậy, còn người ăn xin "chuyên nghiệp" thì không nên cho.

Nhiều ý kiến còn gợi ý những cách để giúp người nghèo, thay vì cho tiền trực tiếp người ăn xin.

"Tôi sẽ đóng góp vào các tổ chức làm từ thiện, tránh xa những người xem ăn xin là một nghề kiếm sống" (bạn đọc Ngoc Dung); "Thay vì cho, tôi khuyên mọi người nên tập trung ủng hộ các cá nhân thời gian qua đã tự nguyện tổ chức những bữa ăn từ thiện" (bạn đọc Trần Thượng Dũng).

Trao "cần câu" cho người nghèo

Bạn đọc cũng đề nghị tạo việc làm cho người xin ăn (trừ người già, bệnh tật thì Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo).

"Nếu muốn giúp người nghèo thì nên cho một "con cá" để họ sống tạm. Sau đó cho họ "cần câu", đồng thời dạy họ biết cách câu để họ tự nuôi mình", bạn đọc Long Xuyên viết.

Bạn đọc Tiến nêu vấn đề cụ thể hơn: "Nên xây các trung tâm bảo trợ xã hội tại mỗi địa phương để làm nơi trú ngụ cho người ăn xin chưa đủ tuổi trưởng thành, còn người ăn xin đã trưởng thành cần được đào tạo việc làm phù hợp.

Các trung tâm này phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cửa hàng... để giúp người ăn xin sau khi được dạy nghề thì có công việc ổn định để kiếm sống. Hiện nay các địa phương cũng có nhưng hoạt động chưa tốt. Quan trọng là cách quản lý tiền tạo được uy tín thì người dân sẽ sẵn lòng đóng góp giúp đỡ người ăn xin.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương hoặc tốt nhất là có một đường dây nóng để khi người dân thấy người ăn xin thì báo về để cử người đến hỗ trợ. Như tôi thấy hoài một bà cụ mắt mở hết lên bị một thanh niên kéo đi hết ngã tư đến dốc cầu để ăn xin mà không biết gọi số nào để báo".

Lòng nhân đạo và niềm tin đang bị giết chết

* Nạn chăn dắt người ăn xin đã vô tình giết chết lòng nhân đạo - niềm tin của con người với con người và ảnh hưởng xấu trực tiếp đến trẻ em, người già, người nghèo khó, bệnh tật đang bị lợi dụng trong khi lợi nhuận thu được lại vào tay những kẻ lười biếng.

Trách nhiệm của công an khu vực ở đâu khi họ không biết những ông bà trùm chăn dắt sống tại địa điểm nào? Nếu quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương, ban ngành thì làm sao tình trạng này lại trở thành chuyện dài nhiều tập chưa có hồi kết?

(Thu Lan Nguyễn)

* Bài viết để lại nhiều suy ngẫm. Tôi nghĩ đây có thể là một gợi ý cho một tiết học giáo dục công dân, cho một đề tài trò chuyện giữa cha mẹ và con cái.

Làm sao phải bảo vệ được lòng nhân ái, sự trắc ẩn, sự khoan dung trước sự tấn công của cái xấu, sự lợi dụng lòng thương người.

(Lệ Quyên)

* Điều gì đang xảy ra với chúng ta khi lòng nhân ái, sự trắc ẩn bị lợi dụng đến mức phải cân nhắc, đắn đo? Bạn đã bao giờ áy náy, bứt rứt khi từ chối lời cầu xin của một người khốn khổ?

(Thùy Vân)

[poll width="400px" height="300px"]37[/poll]

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên