Người đòi nợ đạp phá cửa nhà của con nợ trên địa bàn quận 10, TP.HCM ngày 10-8 - Ảnh: A.X.
Nó trở thành một vấn đề nhức nhối được dư luận đề cập quá nhiều, lắm hệ lụy đã xảy ra trên thực tế và được nâng lên đặt xuống nhiều lần trên bàn nghị sự. Vì sao kinh doanh đòi nợ thuê lại ra nông nỗi này?
Một lần đến vườn nho ở Ninh Thuận, thấy tôi mang vác balô, các bác nông dân đã dè dặt: "Chú có phải tín dụng đen không đó?".
Hỏi ra mới hay những người lạ mặt, mang vác balô bước vào làng quê thanh bình này thời gian qua chủ yếu là mồi chài cho vay nặng lãi, thuê mướn người đòi nợ với chiêu thức bạo lực khiến dân quê khiếp đảm.
Còn ở một con hẻm nhỏ trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hàng xóm "con nợ" ngày nào cũng chứng kiến cảnh tạt sơn, tạt mắm tôm và bị vạ lây bởi tiếng chửi bới, đe nẹt của dân xăm trổ bất kể ngày đêm. Không ít vụ dân đòi nợ thuê còn uy hiếp con nợ, gây thương tích, thậm chí gây ra án mạng đã xảy ra từ Nam chí Bắc.
Gốc rễ của vấn đề là dịch vụ này thời gian qua dường như bị thả nổi, ngay cả việc cấp phép kinh doanh cũng thực hiện quy trình như với một doanh nghiệp thông thường, trong khi đây là nghề nhạy cảm.
Cách thức hoạt động cũng chẳng có quy định nào ràng buộc rõ ràng khiến các doanh nghiệp này tìm đủ mọi cách, kể cả phi pháp để đòi được nợ.
Chính vì thế, tướng Nguyễn Mai Bộ đã chua chát nhận xét về một loại hình kinh doanh được pháp luật thừa nhận rằng: "Không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là xăm trổ, ba trợn ba trạo, công cụ lao động là dao kiếm, thủ đoạn là vũ lực".
Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra có hiện tượng "bảo kê lợi ích nhóm" để cho những biến tướng của đòi nợ thuê tác oai tác quái, đứng trên pháp luật để đòi nợ.
Ở Thái Lan, Hàn Quốc hay Mỹ đều có luật thu hồi nợ với những quy định rất chặt chẽ từ thành lập đến hoạt động. Trong đó, Thái Lan quy định chỉ được thu hồi nợ với khách hàng cá nhân, không áp dụng với doanh nghiệp, thời gian liên hệ với khách hàng chỉ từ 8h - 20h. Chỉ cần đe dọa hoặc gây thương tích, vi phạm các quy định của luật sẽ bị phạt số tiền rất lớn hoặc bị xử lý hình sự.
Ở Hàn Quốc, để được có một tờ đăng ký kinh doanh dịch vụ này, doanh nghiệp phải đáp ứng ít nhất 5 điều kiện, trong đó vốn phải đạt 1,5 triệu USD, hơn 50% vốn điều lệ buộc phải thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng, đặc biệt bộ máy lãnh đạo phải có nhân thân tốt, chưa từng có nợ xấu.
Ở Mỹ lại càng chặt chẽ hơn, luật nhấn mạnh không được khủng bố điện thoại, không được liên lạc với hàng xóm hoặc tiết lộ với bên thứ 3.
Số phận của nghề đòi nợ thuê sẽ được Quốc hội định đoạt vào ngày 17-6 tới. Nếu tồn tại, cần phải đưa nó vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải tham chiếu luật của các nước để tối ưu hóa.
Nếu khai tử, miếng cơm manh áo của những doanh nghiệp chân chính sẽ bị ảnh hưởng, phải có chính sách hỗ trợ với điều kiện đó là doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật.
Những ngành nghề mới đang xuất hiện mỗi ngày, điều cần thiết là quản như thế nào để phát huy mặt tốt của dịch vụ đó, còn nếu cứ cấm cản, khai tử thì tư duy "quản không được sẽ cấm" cứ mãi tồn tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận