![Nhiều thảo dược cứu người có nguy cơ biến mất - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/kh-tu-dinh-huong-phap-gardensonline-17393343251621339714804.jpg)
Metformin được chiết xuất từ cây tử đinh hương Pháp - Ảnh: gardensonline.com.au
Theo giáo sư John Newton, chuyên gia tư vấn sức khỏe và là thành viên của vườn thảo dược thuộc Cao đẳng Y sĩ Hoàng gia Anh (The Royal College of Physicians), thực vật từ lâu đã có vai trò quan trọng trong y học.
Chẳng hạn, metformin - phương pháp điều trị đầu tay (first-line) cho đái tháo đường type 2 - được hơn 200 triệu người trên thế giới sử dụng mỗi ngày, có nguồn gốc từ cây tử đinh hương Pháp (Galega officinalis).
Hay atropin, chiết xuất từ cây bạch anh (Atropa belladonna), là một loại thuốc cấp cứu thiết yếu dùng điều trị rối loạn nhịp tim.
Trong khi đó, amiodarone, thuốc điều trị một số bệnh loạn nhịp tim nặng, được phát triển sau khi các nhà khoa học nghiên cứu khellin, một hợp chất chiết xuất từ cây Ammi visnaga.
Ngoài ra, một số loại thuốc thảo dược có thể tiêu diệt tế bào ung thư...
Theo các nhà khoa học, thực vật tiến hóa để tạo ra những phân tử độc hại như một phần trong cơ chế phòng vệ kẻ thù, vi khuẩn và các áp lực từ môi trường. Thật trùng hợp khi một số hóa chất do chúng tiết ra lại trở thành công cụ mạnh mẽ trong y khoa hiện đại.
Trong hóa trị, các chất này có khả năng độc đáo khi chỉ tìm diệt các tế bào ung thư và không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh của con người. Một trong số những ví dụ điển hình nhất ngày nay là thuốc hóa trị chemotherapeutics vinblastine và vincristine, được chiết xuất từ cây dừa cạn Madagascar.
![Nhiều thảo dược cứu người có nguy cơ biến mất - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/kh-cay-dua-can-madagascar-gardensonline-17393343146121937866817.jpg)
Cây dừa cạn Madagascar - Ảnh: gardensonline.com.au
Tuy nhiên, theo trang IFLScience ngày 12-2, 38% cây cối trên thế giới hiện đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng. Theo một ước tính gần đây, chỉ 6% trong số các loài thực vật hiện nay được nghiên cứu về mặt dược lý và chỉ khoảng 15% được nghiên cứu về mặt hóa học thực vật.
Với sự suy giảm đa dạng sinh học ở mức đáng báo động, có khả năng nhiều loài thực vật sẽ biến mất trước khi con người có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu các công dụng y học tiềm năng của chúng.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mất các loài thảo dược quý hiếm, chưa được nghiên cứu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy các loài thảo dược hiện có cũng đang có sự thay đổi về nơi sinh trưởng do biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn, hoa oải hương hiện đang di chuyển dần về phía bắc. Tương tự, nghệ tây cũng đang trải qua sự thay đổi đáng kể. Trước đây, nghệ tây được trồng rất thành công tại Iran và các nước lân cận. Tuy nhiên, hiện loài cây này đang dịch chuyển về phía bắc vì biến đổi khí hậu.
"Mất đa dạng sinh học là một thảm kịch khủng khiếp đối với nhân loại vì nhiều lý do, song chắc chắn bao gồm việc mất đi lợi ích tiềm năng từ một số loài thảo dược bị biến mất", giáo sư Newton cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận