17/11/2021 18:02 GMT+7

Nhiều thai phụ mắc COVID-19 ở TP.HCM trở nặng vì không tiêm vắc xin

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Có đến 80-90% thai phụ mắc COVID-19 phải nhập viện, có triệu chứng nặng đều chưa tiêm ngừa COVID-19 trước đó. Trong số này có nhiều thai phụ mang thai quý, thai hiếm.

Nhiều thai phụ mắc COVID-19 ở TP.HCM trở nặng vì không tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Hai bé trai song sinh được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Hùng Vương do mẹ mắc COVID-19 nặng, phải mổ sinh sớm - Ảnh: BVCC

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cảnh báo nhiều thai phụ mang thai quý, thai hiếm mắc COVID-19 trở nặng vì không tiêm ngừa. Đây là tình trạng rất đáng báo động và đau lòng.

Mới đây, Bệnh viện Hùng Vương đã cứu sống sản phụ N.T.L. (27 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) mang song thai không tiêm vắc xin suýt chết vì mắc COVID-19. Do mang song thai thụ tinh trong ống nghiệm 31 tuần tuổi, chị chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 vì sợ tiêm ảnh hưởng đến thai nhi.

Sau 7 ngày được phát hiện và điều trị COVID-19, sức khỏe chị L. bỗng chuyển biến xấu. Lúc đầu, thai phụ thở oxy lưu lượng cao, tuy nhiên sau đó diễn tiến nặng hơn nên được chuyển sang thở máy. Hai thai nhi xuất hiện tình trạng nhịp tim giảm. Êkip trực chẩn đoán các bé bị suy tuần hoàn nhau thai do mẹ bị COVID-19 nguy kịch nên các bác sĩ đã hội chẩn và đi đến quyết định mổ sinh cho thai phụ.

Sau phẫu thuật bắt con, sản phụ phải tiếp tục thở máy trong 5 ngày. Đến chiều 16-11, chị L. đã được cai máy thở. Riêng hai con trai chị do sinh thiếu tháng nên vẫn được chăm sóc đặc biệt.  

Bác sĩ Hồ Viết Thắng - trưởng khu điều trị COVID-19 (khu K1) Bệnh viện Hùng Vương - cho biết có đến 80-90% thai phụ mắc COVID-19 phải nhập viện, có triệu chứng nặng đều chưa tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 trước đó.

Trong 5 thai phụ mắc COVID-19 đang phải thở oxy lưu lượng cao tại khu K1, có đến 4 người không tiêm vắc xin phòng COVID-19, chỉ có một người mới được tiêm mũi 1 trong những ngày gần đây. Trong 5 thai phụ này, có 4 thai phụ ở TP.HCM, chỉ có một thai phụ từ Long An chuyển lên. Cả 5 thai phụ này đều đang mang thai từ 28-33 tuần tuổi.

Những ca mắc COVID-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương hầu hết đều chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, còn những thai phụ đã được tiêm vắc xin khi mắc COVID-19 có thể không có triệu chứng hoặc chỉ sốt, đau họng.

Vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng đến thai nhi?

"Những thai phụ không tiêm vắc xin phòng COVID-19 chủ yếu do sợ ảnh hưởng đến thai nhi, mà những thông tin này họ đều nghe từ nguồn không chính thống. Ngoài ra, cũng có một số thai phụ mắc bệnh nền nên sợ không tiêm vắc xin" - bác sĩ Hồ Viết Thắng cho hay.

Điều đáng nói là có nhiều thai phụ mắc COVID-19, không tiêm vắc xin phòng COVID-19, bị trở nặng là những thai phụ có con quý, con hiếm vì trước đó đã thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo bác sĩ Thắng, hiệu quả bảo vệ lớn nhất của vắc xin COVID-19 là hạn chế những trường hợp chuyển biến nặng và tử vong. Đối với thai phụ, vắc xin còn có vai trò quan trọng hơn nữa vì khi mang thai nếu mắc COVID-19 nguy cơ diễn tiến nặng cao hơn, giống như một người mắc bệnh nền. Thai phụ khi mắc COVID-19 sẽ có diễn tiến nặng, nhanh nếu không tiêm vắc xin.

Ở thai phụ khi mắc COVID-19, diễn tiến nặng, suy hô hấp nhanh hơn những người bình thường vì thai phụ phải hô hấp cho cả thai phụ và thai nhi.

Vắc xin phòng COVID-19 bảo vệ thai phụ rất tốt, bằng chứng là những thai phụ đã được tiêm vắc xin khi mắc COVID-19 nhập viện do gần tới ngày sinh đều không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

"Vắc xin phòng COVID-19 không làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai bất thường hay sinh non, đặc biệt với chiến lược vắc xin của Việt Nam là tiêm cho thai phụ mang thai sau 13 tuần. Hiện có một số nước trên thế giới đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thai phụ có tuần tuổi thai sớm hơn", bác sĩ Thắng chia sẻ.

Bác sĩ Viết Thắng cũng cho biết, một số nghiên cứu mới nhất vừa được công bố trong vòng 1 tuần nay thì thai phụ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 sớm (sau 13 tuần) có kháng thể xuất hiện trong sữa mẹ rất cao, không thua gì những bà mẹ mắc COVID-19, nên bảo vệ em bé sau khi sinh rất tốt.

Từ những nguy cơ trên, bác sĩ Viết Thắng khuyên, các thai phụ hãy tiêm vắc xin càng sớm càng tốt sau khi thai nhi được 13 tuần tuổi, trừ những trường hợp chống chỉ định. Tuy nhiên, những thai phụ bị chống chỉ định tiêm vắc xin là rất hiếm. Những thai phụ càng mắc bệnh nền như bệnh tiểu đường, cao huyết áp… thì càng nên tiêm vắc xin vì tiêm vắc xin sẽ giảm diễn tiến nặng.

Thai phụ mắc COVID-19 nên báo với y tế địa phương và đi khám để tham khảo ý kiến của các bác sĩ sản khoa để được xem kỹ tình trạng của mẹ và thai nhi.


Cứu sống thai phụ mắc COVID-19 phổi đã bị tổn thương nặng Cứu sống thai phụ mắc COVID-19 phổi đã bị tổn thương nặng

TTO - “Sự sống của cô ấy là kỳ tích đầu tiên của chúng tôi” - đó là những cảm xúc vui mừng của đội ngũ bác sĩ Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khi cứu sống thai phụ nhiễm COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.


THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên