Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu thực tế này tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật sáng ngày 5-8.
Mặc dù Chính phủ rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, song theo ông Lộc, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng, không gian cải cách vẫn rất lớn.
Hơn 20 điểm xung đột, chồng chéo về pháp luật
Trong đó, bất cập lớn nhất hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều quy định pháp luật. Cụ thể, nghiên cứu của VCCI chỉ ra có 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu…
Đơn cử như xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; Xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai;
Xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư; xung đột về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường;
Xung đột về thời điểm cấp giấy phép quy hoạch giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; Xung đột về thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư.
Trùng lặp về phê duyệt quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giữa Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở;
Không thống nhất về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; Quy định ngược nhau về việc bố trí khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư;
Không tương thích về quyền cho thuê tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự; xung đột về thời gian chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đấtgiữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai;
Khác nhau về trình tự, thủ tục đầu tư dự án quy mô 5000 tỷ đồng trở lên giữaLuật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Xây dựng;
"Việc xung đột, chồng chéo này tác động lớn đến các dự án đầu tư, không rõ các trình tự để thực hiện các thủ tục cũng như không rõ quan hệ của các đạo luật (con gà hay quả trứng có trước). Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh" - ông Lộc cho hay.
Theo đó, khi làm thủ tục doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau. Chi phí giao dịch rất tốn kém.
Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau nhưng lại có nội dung trùng nhau. Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật.
Đối với cơ quan quản lý, sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động, dẫn tới tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước.
Thậm chí có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ ngành hiện nay là không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ.
Đùn đẩy trách nhiệm, cần có cơ quan kiểm soát độc lập
Ông Lộc chỉ ra nguyên nhân là do pháp luật Việt Nam hiện trong tình trạng bị phân mảng mà chưa phải là một hệ thống đồng bộ, minh bạch, hay còn được gọi là "pháp luật cục bộ".
Tức là Quốc hội ban hành, nhưng hầu hết các đạo luật đều do Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nhưng đâu đó người ta vẫn quen gọi Luật của Bộ này, Nghị định của Bộ kia là có lý do.
Trong khi đang thiếu một một cơ chế phù hợp, một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột.
Do đó, giải pháp tập trung là tiến hành rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng và thực tế xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể. Phối hợp làm việc và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, Chính phủ trình Quốc hội triển khai theo cách thức dùng một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.
Đặc biệt cần phải có một tổ chức độc lập, hạn chế tình trạng "quyền anh, quyền tôi". Ở các bộ ngành việc xây dựng pháp luật nên giao cho tổ chức độc lập chứ không nên giao các cục vụ thực thi pháp luật…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận