31/07/2019 14:11 GMT+7

Nhiều nước không ủng hộ học sinh mang smartphone đến trường

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Cấm smartphone trong trường lớp để học sinh tập trung học hành đang thắng thế khắp thế giới. Việc cho trẻ mang theo điện thoại chỉ là để đảm bảo sự an toàn cho các em.

Nhiều nước không ủng hộ học sinh mang smartphone đến trường - Ảnh 1.

Học sinh trung học dùng smartphone và máy tính bảng tại Bischwiller (miền đông nước Pháp) trước thời điểm thực thi lệnh cấm - Ảnh: AFP

Từ mùa thu năm ngoái, bắt đầu với niên khóa 2018-2019, Pháp chính thức khởi động luật cấm học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 mang smartphone tới lớp, hoặc ít nhất nếu mang cũng phải tắt máy khi ở lớp. Nếu cố tình dùng và bị phát hiện, điện thoại sẽ bị tịch thu trong một ngày.

Mục tiêu chính yếu là nhằm chặn đứng "đại dịch" nghiện điện thoại và đảm bảo việc tập trung trong giờ học.

Những lệnh cấm tương tự đã và đang có xu hướng lan rộng tại nhiều trường học trên thế giới. Gần đây nhất, đầu tháng 7 năm nay, thống đốc bang California (Mỹ) ký phê chuẩn luật cấm học sinh các trường công lập mang smartphone tới lớp, trừ một vài ngoại lệ.

Ủng hộ nhưng chưa muốn "luật hóa"

Tới thời điểm này, Pháp vẫn là một trong số ít quốc gia có luật áp dụng trên toàn lãnh thổ và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phụ huynh, giáo viên. Thực tế, ngay khi chưa có luật, khoảng 60% trường trung học cơ sở của Pháp cũng đã cấm điện thoại.

Tại Đan Mạch, theo báo New York Times, giới lập pháp vẫn đang nghiên cứu giải pháp tương tự, song không muốn "luật hóa" vấn đề. Tại Anh, mỗi trường học lại có quy tắc riêng. Tại quận Kerry (Ireland) có ngôi trường cấm học sinh không dùng cả smartphone lẫn mạng xã hội, không chỉ cấm ở trường mà cả ngoài giờ học. Và lệnh cấm này được phụ huynh ủng hộ tuyệt đối.

Tại Ontario (Canada), kể từ tháng 9 năm nay điện thoại di động cũng sẽ bị "cấm tiệt" trong lớp. Lý do cũng là để trẻ tập trung vào việc học thay vì điện thoại. Cơ quan giáo dục của tỉnh bang Ontario ban hành lệnh cấm tới mọi trường công lập, song để các trường tự quyết cách thực hiện.

Cơ quan giáo dục bang New South Wales của Úc cũng đang tiến hành đánh giá đối với "tính hữu ích về giáo dục" của các thiết bị di động trong trường để xem có nên "học tập" điều luật tương tự của Pháp hay không.

Cấm rồi lại gỡ

Thực tế cũng ghi nhận có những nơi cơ quan hữu trách đã phải cân nhắc gỡ bỏ lệnh cấm mang điện thoại tới trường với học sinh vì các lý do "thời thế thay đổi". Tại TP New York (Mỹ) chẳng hạn, từ 3 năm trước thị trưởng Bill de Blasio đã "ghi điểm" khi dỡ bỏ lệnh cấm điện thoại di động trong trường học từng được đặt ra dưới thời người tiền nhiệm Michael Bloomberg.

Ở New York cũng như nhiều quận, hạt khác của Mỹ, cha mẹ vẫn luôn muốn có thể kiểm tra tình hình con cái trong ngày. Đó là chưa kể trong bối cảnh thi thoảng vẫn xảy ra xả súng, học sinh Mỹ thường dùng điện thoại để gọi 911 và cấp báo khi có tình huống khẩn cấp.

Hay như tại Nhật, đầu năm nay Bộ Giáo dục cho biết sẽ xem xét lại lệnh cấm học sinh tiểu học và trung học cơ sở mang smartphone và các loại điện thoại di động khác tới trường từ 10 năm trước. Năm 2009, Bộ Giáo dục Nhật từng cho rằng cần cấm các thiết bị điện tử này với lý do điện thoại di động là thiết bị không có liên quan trực tiếp tới hoạt động giáo dục ở trường.

Nhưng nay, sau một thập kỷ thực thi lệnh cấm, bộ này cho rằng nên cân nhắc để nới lỏng lệnh đó do những thay đổi trong môi trường xung quanh trường học và hoàn cảnh cụ thể của các học sinh hiện nay.

Báo Japan Times vào tháng 2 năm nay dẫn thông cáo của Bộ Giáo dục Nhật cho rằng họ thấy lệnh cấm đó "không còn phù hợp với thời đại", viện lý do thực tế phổ biến của điện thoại di động, smartphone và nhu cầu liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Một ví dụ rõ nhất là Sở Giáo dục tỉnh Osaka tháng 2 năm nay đã cho phép học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong tỉnh được mang smartphone tới trường. Tuy nhiên, học sinh chỉ được phép làm vậy nếu cha mẹ các em đồng ý.

Thay đổi được đưa ra kể từ sau trận động đất lớn xảy ra tại vùng phía bắc tỉnh Osaka vào tháng 6-2018. Thiên tai khiến nhiều phụ huynh hoảng sợ vì con họ đang tới trường trong sáng đó. Sau động đất, sở giáo dục nhận được kiến nghị từ nhiều cha mẹ xin cho con họ mang smartphone tới lớp.

95%

Người trẻ Mỹ trong độ tuổi 13-19 có smartphone. Khảo sát năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết một nửa trong số đó online gần như suốt ngày, kể cả ban đêm. Trong khi đó, Trung tâm truyền thông và sức khỏe trẻ em tại Trường Y khoa Harvard ước tính nhóm tuổi teen đang "đốt" hơn 9 tiếng mỗi ngày cho mạng xã hội trên điện thoại di động. Một nửa teen Mỹ thừa nhận "nghiện" smartphone.

Việt Nam tuân theo "quy định nội bộ"

Hầu hết các trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay đều có các quy định nội bộ không cho phép giáo viên và học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Một số trường đặt ra các chế tài cụ thể đối với cả giáo viên và học sinh khi vi phạm việc này. Tại một số nơi, nhà trường hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh đã thiết kế các tủ đựng điện thoại của học sinh.

Theo đó, khi học sinh đến trường sẽ phải để điện thoại vào tủ, chìa khóa do giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ lớp quản lý. Hết tiết học cuối cùng trong buổi học, học sinh mới được trả điện thoại. Tương tự, một số trường học đưa ra các quy định nghiêm khắc, yêu cầu giáo viên để điện thoại vào tủ để đồ dùng cá nhân trong phòng nghỉ giáo viên trước khi lên lớp.

Cùng với các quy định trên, trong các giờ sinh hoạt lớp, giờ học ngoại khóa, giờ học giáo dục công dân, một số trường học đã lồng ghép nội dung hướng dẫn học sinh có thói quen văn minh khi sử dụng điện thoại. Ví dụ không để chuông điện thoại khi dự các sự kiện, cuộc họp... (Vĩnh Hà)

Người trẻ bị mọc sừng do... xài smartphone Người trẻ bị mọc sừng do... xài smartphone

TTO - Theo các nhà nghiên cứu, khi chúng ta dùng smartphone và các thiết bị điện tử trong thời gian dài, trọng lượng đầu hướng về phía trước, chuyển sức nặng của đầu từ xương sống đến các cơ sau cổ và đầu.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên