11/09/2018 11:10 GMT+7

Nhiều nước châu Á siết chặt việc nhập khẩu phế liệu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Vào giữa tháng 8-2018, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ cấm nhập rác thải nhựa trong hai năm và 432 loại rác điện tử trong sáu tháng tới.

Nhiều nước châu Á siết chặt việc nhập khẩu phế liệu - Ảnh 1.

Tại cảng Cát Lái (TP.HCM), hiện có 3.676 container phế liệu quá hạn tồn đọng. Hầu hết trong số này là rác, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu Ảnh: V.TR.

Bắc Mỹ và các nước Tây Âu phải có các nỗ lực rõ ràng để giảm rác thải. Thay vì tìm kiếm nơi khác (thay Trung Quốc) để đổ rác, các nước phát triển nên có trách nhiệm cắt giảm rác thải từ các hành động bền vững

Chuyên gia LAWERENCE LOH của Đại học Quốc gia Singapore

"Tôi biết việc tái chế rác nhựa và linh kiện điện tử cũ là ngành kinh doanh kiếm ra tiền. Nhưng đất nước sẽ nhận được gì từ sự giàu có đó khi môi trường của chúng ta bị ô nhiễm và người dân phải gánh chịu?" - tờ The Nation dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên - môi trường Surasak Kanchanara.

Trong hai tháng gần đây nhất, Bangkok cũng cho kiểm tra việc nhập khẩu rác trên toàn quốc và yêu cầu trục xuất rác nhập trái phép. Theo số liệu từ hải quan Thái Lan, nước này đã nhập hơn 757 triệu tấn rác nhựa trong sáu tháng đầu năm nay, so với 118 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Malaysia hồi cuối tháng 7-2018 thu hồi giấy phép của hơn 100 nhà máy xử lý rác thải và siết chặt kiểm tra các nhà máy khác, theo Reuters. Chính quyền nước này cũng tạm ngưng cấp giấy phép nhập khẩu rác nhựa vào tháng 5-2018.

Một số thông tin cho biết Malaysia cũng cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu rác như Thái Lan.

Tương tự, nước láng giềng Indonesia bắt đầu kiểm tra gắt gao việc nhập rác nhựa và giấy kể từ tháng 4-2018 sau khi lượng giấy phép xin nhập khẩu rác tăng mạnh.

Nhiều nước châu Á siết chặt việc nhập khẩu phế liệu - Ảnh 3.

Container phế liệu có giấu rác điện tử đã qua sử dụng bị phát hiện khi soi chiếu - Ảnh: V.TR.

Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đang soạn các quy định hạn chế nhập khẩu rác sau khi lượng rác thải đổ về ồ ạt. Một số quy định được đề xuất như các công ty nội địa chỉ được phép nhập rác nhựa từ cơ sở xử lý của mình ở nước ngoài, không được trộn lẫn các loại rác khác.

Nếu trước đây các công ty này không cần xin phép để nhập rác thì nay họ phải có giấy phép riêng.

Theo các chuyên gia, dù các nước châu Á có mở cửa hải quan cũng không thể tiếp nhận nổi lượng rác khổng lồ của thế giới.

"Về dài hạn, vấn đề phải được giải quyết tận gốc. Bắc Mỹ và các nước Tây Âu phải có các nỗ lực rõ ràng để giảm rác thải. Thay vì tìm kiếm nơi khác (thay Trung Quốc) để đổ rác, các nước phát triển nên có trách nhiệm cắt giảm rác thải từ các hành động bền vững" - chuyên gia Lawrence Loh của Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên