10/09/2018 11:33 GMT+7

Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác

VÂN TRƯỜNG - LÊ NAM
VÂN TRƯỜNG - LÊ NAM

TTO - 4.900 container phế liệu, rác đang ngập ngụa ở VN. Phóng viên Tuổi Trẻ đã lần theo đường đi của phế liệu, rác từ khắp nơi trên thế giới được nhập khẩu công khai về Việt Nam trong những năm qua.

Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác - Ảnh 1.

PV Tuổi Trẻ đã lần theo đường dây rác, phế liệu trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, Singapore về Việt Nam

Phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập các đường dây rác từ Hàn Quốc và Singapore, thu thập chứng cứ để làm rõ nghi vấn nhiều doanh nghiệp (DN) chủ yếu nhập khẩu rác thải thay vì phế liệu nhựa để tái chế. Và không chỉ có thế....

Tại Hàn Quốc, các công ty Sejung Resources, Fine Chemical, Kukje Trading... là những công ty xuất khẩu nhiều phế liệu nhựa sang VN từ năm 2016 đến nay. 

Còn tại Singapore, các công ty Ravago Manufacturing Singapore, JTL Industries, Crimson General và Scraproplas gần đây cũng được các DN ở VN liên hệ ký hợp đồng mua hàng.

Xâm nhập các vựa phế liệu

Cuối tháng 8-2018, chúng tôi sang Hàn Quốc sau khi định vị được các khu vực có nhiều vựa phế liệu nhựa ở tỉnh Siheung, Hwaseong, Cheonan. 

Bà Hong (người Hàn Quốc) cho hay đây là các vựa cung cấp phế liệu nhựa cho các DN xuất khẩu sang thị trường VN thời gian qua.

Khởi hành từ Seoul, mất hơn hai giờ đi ôtô trên đường cao tốc chúng tôi mới tới tỉnh Siheung. Các vựa phế liệu đều nằm ở vùng nông thôn, dân cư thưa thớt. 

Một vựa khá lớn không có biển hiệu cách đường cái chừng 100m gây ấn tượng với phần đầu chiếc máy bay trực thăng đặt trên nóc nhà. Vựa này chuyên về túi nilông, màng phủ nông nghiệp và dây nhựa dùng để buộc thùng đựng máy lạnh, tủ lạnh, tivi.

Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác - Ảnh 2.

Những kiện rác phế liệu để tại cảng ở Hàn Quốc chờ xuất khẩu - Ảnh: V.TR.

Bước vào bên trong, mùi hôi thối của rác xộc vào mũi. Ở VN, những vựa kiểu như thế này có ở khắp nơi và được gọi là vựa ve chai. 

Một công nhân điều khiển máy gắp phế liệu đã phân loại đưa vào máy để ép chặt và bó lại bằng dây kẽm. Mỗi kiện sau khi ép có trọng lượng khoảng 500kg.

Chúng tôi được giới thiệu đến một vựa phế liệu nằm trên một ngọn đồi có khá nhiều nhà dân ở tỉnh Hwaseong. 

Các con đường dẫn vào khu này đều được tráng ximăng sạch sẽ rộng khoảng 4-5m, đủ cho ôtô ra vào. Xung quanh là những cánh đồng lúa đang chín. Xen kẽ là các khu nhà màng bằng nilông trong suốt để trồng rau, ớt, nho... Bên ngoài sân của DN này đã có cả trăm kiện hàng.

Bên trong căn nhà tiền chế rộng khoảng 300m2 có 4-5 phụ nữ tuổi trung niên đang cặm cụi phân loại túi nilông trắng và màu để riêng. Do phế liệu được thu gom ở các thùng rác đem về không được xử lý nên rất dơ bẩn, bốc mùi. Họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Hoa. 

Cạnh đó, một người đàn ông chừng 40 tuổi điều khiển máy gắp túi nilông đưa vào máy để ép, bó thành kiện. Xong, một xe nâng tiến vào xúc kiện hàng này đem ra sân. Anh này là người Việt. Bà chủ vựa cho biết số hàng này đã được một DN quen đặt mua hết.

Khi đến hai tỉnh Hwaseong và Cheonan, chúng tôi đếm được có trên 20 vựa phế liệu, cũng phân loại túi nilông trắng và màu để riêng rồi cho vào máy ép, đóng thành kiện. Ở các vựa mà chúng tôi đến đều không có công đoạn giặt cho sạch, phơi khô và băm nhỏ ra trước khi đóng kiện.

Đầu tháng 9-2018, chúng tôi đến cảng Incheon (Hàn Quốc), tại đây đang có hàng trăm kiện phế liệu nhựa là túi nilông, màng phủ nông nghiệp, dây nhựa, bao jumbo và cả dây điện cỡ lớn nằm phơi mưa nắng. 

Theo một nhân viên bảo vệ, hàng này chất ở cảng cũng khá lâu vì nghe đâu VN hạn chế nhập phế liệu. Toàn bộ hàng hóa ở đây đều chưa làm sạch, chưa băm nhỏ.

Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác - Ảnh 3.

PV Tuổi Trẻ bên trong một vựa phế liệu ở Hàn Quốc. Công ty K. có mua hàng tại vựa này để bán sang VN - Ảnh: V.TR.

Rác nhựa đóng kiện

Theo quyết định số 73 ngày 19-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ, có 7 loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Đó là phế liệu và mẩu vụn của nhựa từ PE (polyme etylen), PS (polyme styren), PVC (polyme vinyl clorua) và từ nhựa khác. 

Tuy nhiên phế liệu nhựa nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định tại thông tư 43 ngày 29-12-2010 của Bộ TN-MT. 

Cụ thể, tất cả đều phải được làm sạch và băm nhỏ ra. Kích thước mỗi chiều không quá 10cm. Ngoại trừ chai PET đựng nước tinh khiết đã qua sử dụng và phế liệu dạng khối, cục, thanh, dây băng, nẹp thì không cần băm.

Khi đến Singapore và Hàn Quốc, chúng tôi cố đi tìm phế liệu nhựa đạt tiêu chuẩn nhập khẩu vào VN. Tuy nhiên, tất cả lô hàng chúng tôi nhìn thấy đều không được phép nhập bởi vì không làm sạch và không băm nhỏ. 

Nêu thắc mắc này, bà Hong nói tất cả các vựa ở Hàn Quốc chỉ phân loại rồi đóng kiện chứ không ai rửa giặt, sấy khô và băm ra vì chi phí nhân công rất cao. 

Chúng tôi hỏi tiếp: "Từ trước đến giờ, bà bán cho các DN ở VN loại hàng nào?". 

Bà Hong đáp: "Chỉ bán những mặt hàng phân loại rồi đóng kiện. Nếu đã rửa sạch, sấy khô, người ta để lại Hàn Quốc tái chế, bán hạt nhựa có giá hơn chứ xuất khẩu làm gì. Hàn Quốc phải nhập phế liệu nhựa sạch và khô từ Mỹ về sản xuất hạt nhựa mà".

Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác - Ảnh 4.

Tại một cơ sở ở Hàn Quốc, túi nilông được ép luôn thành kiện thay vì làm sạch, băm nhỏ mới đạt chuẩn nhập khẩu vào VN - Ảnh: V.TR.

Chỉ bán những mặt hàng phân loại rồi đóng kiện. Nếu rửa sạch, sấy khô thì người ta để lại Hàn Quốc tái chế, bán hạt nhựa có giá hơn chứ xuất khẩu làm gì. Hàn Quốc phải nhập phế liệu nhựa sạch và khô từ Mỹ về sản xuất hạt nhựa mà

Bà HONG (người Hàn Quốc)

Theo hồ sơ chúng tôi có được, Công ty K. ở tỉnh Incheon (nơi chúng tôi đến liên hệ mua hàng) đang vướng ít nhất bốn container phế liệu nhựa tại cảng Cát Lái không lấy ra được sau khi Tổng cục Hải quan siết chặt kiểm soát việc thông quan từ tháng 6-2018. 

Theo hình ảnh và vận đơn của hãng tàu, hàng hóa bên trong các container này là túi nilông trắng dùng đựng hàng hóa mua trong sân bay, siêu thị. Công ty K. khai đây là màng phim PE. 

Tuy nhiên tên gọi không đúng với hàng trong container; đặc biệt là loại túi nilông này không được phép nhập khẩu vào VN do không làm sạch và băm ra. 

Đơn vị nhận hàng có trụ sở ở Q.1, TP.HCM. Tuy nhiên số điện thoại người nhận ghi trên vận đơn hiện không còn hoạt động.

Bà Seo-Yeon (chủ Công ty K.) cho biết hiện nay các vệ tinh của bà có nguồn hàng phế liệu nhựa dồi dào. Mặc dù có nhiều DN đặt mua hàng nhưng Công ty K. luôn được ưu tiên nhận hàng khi cần. Nếu chúng tôi mua hàng thì chỉ trong một tuần tàu có thể xuất phát chở container về VN.

Bà Seo-Yeon cũng đề nghị chúng tôi tìm đầu ra cho ống nhựa HDPE. Loại này được một tập đoàn điện tử loại thải khoảng 2.000 tấn/năm. 

Các DN ở Myanmar được tập đoàn này cho không 1.000 tấn. Hiện tại bà cần đầu ra cho 1.000 tấn còn lại với giá rất bèo: 300 won/kg, tương đương 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, loại hàng này không được phép nhập vào VN vì chưa tách bỏ lõi đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 Công ty Crimson General ở Singapore đã xuất khá nhiều phế liệu nhựa LDPE cho Công ty T. ở tỉnh Long An. 

Hồ sơ thông quan thể hiện hàng hóa là phế liệu nhựa LDPE dạng mảnh, mẩu vụn đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tuy nhiên một số nguồn tin của Tuổi Trẻ nói bên trong container không phải phế liệu nhựa đạt chuẩn. Chúng tôi quyết định sang Singapore để xác minh.

Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác - Ảnh 6.

Nguồn: Tổng cục Hải quan cung cấp - Đồ họa: N.KH.

Công ty Crimson ở khu Jurong, có khu nhà xưởng khá rộng. Ông Lim (chủ công ty) xác nhận có bán cho Công ty T. các kiện túi nilông đã ép chặt tương tự loại hàng mà chúng tôi đang nhìn thấy trong kho. 

Chúng tôi hỏi: "Ông có bán loại phế liệu đã được rửa giặt, sấy khô và băm nhỏ ra không?". 

Ông Lim lắc đầu: "Chúng tôi chỉ có mỗi loại hàng này thôi. Ở nước tôi nước sạch và nhân công rất đắt đỏ nên chỉ phân loại và ép thành kiện như anh thấy. Tôi bán cho DN ở VN loại hàng này chứ không có loại nào khác".

Tình trạng container phế liệu tồn đọng tại VN thời gian gần đây đều được các DN tại Singapore và Hàn Quốc cập nhật hằng ngày. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua hàng, các DN ở hai nước này đều nói chỉ bán tại kho. 

Người mua phải chịu trách nhiệm về giấy phép nhập khẩu, chi phí vận chuyển ra cảng, đóng container và thuê tàu chở về VN. Họ không bán theo hình thức CIF (giao hàng tới cảng VN) như trước nữa vì lo ngại không thông quan được sẽ mất cả chì lẫn chài. 

Giá bán trung bình các loại phế liệu tại Singapore và Hàn Quốc khoảng 350-400 USD/tấn. Chi phí vận chuyển về tới VN thêm khoảng 30-40 USD/tấn nữa. Theo bà Hong, giá này đã giảm tới 30% so với mấy tháng trước do tình trạng container "đóng băng" ở cảng VN.

Tràn ngập túi nilông

Ở Singapore và Hàn Quốc có nhiều vựa liệu cũng dễ hiểu bởi người dân tại đây có thói quen sử dụng túi nilông đựng hàng hóa mua ở siêu thị.

Chúng tôi đứng trước siêu thị mini Cold Storage trong ga tàu điện ngầm Bugis (Singapore) chừng một tiếng và đếm được có không dưới 500 túi nilông được khách hàng mang ra khỏi quầy tính tiền.

Không có người nào rời khỏi siêu thị chỉ xách 1 túi mà thường 2-3 túi trở lên.

Riêng tại các vùng nông thôn của Hàn Quốc, việc canh tác rau màu khá hiện đại với màng phủ trên mặt đất và nhà màng nên phế liệu nhựa bỏ đi sau vụ mùa không hề nhỏ.

nhapkhaurac-1

Một điểm phế liệu “rác nilông ép thành kiện”, không qua rửa sạch, băm nhỏ tại Singapore - Ảnh: V.TRƯỜNG

Singapore: chỉ 6% rác nhựa được tái chế

Trong email trả lời Tuổi Trẻ, Cơ quan quản lý môi trường Singapore (NEA) cho biết mỗi năm quốc đảo này thải ra ít nhất 60.000 tấn nhựa phế thải từ các thiết bị điện và điện tử.

Trung bình một người Singapore bỏ đi ít nhất 11kg nhựa phế thải/năm từ các thiết bị điện và điện tử.

NEA cũng cho biết chỉ có hơn 815.000 tấn phế liệu nhựa được thu gom và tái chế, chiếm khoảng 6% tổng số rác thải ở quốc đảo này.

Theo Đài Channel News Asia (Singapore) dẫn lại nguồn dữ liệu thương mại của LHQ, năm 2016 Singapore đã xuất khẩu khoảng 42.000 tấn nhựa phế liệu đến Trung Quốc, Malaysia, VN và Indonesia. Tuy nhiên đại diện NEA cho biết họ không có các số liệu này.

Không thể là bãi rác thế giới! Không thể là bãi rác thế giới!

TTO - Hơn 26,4 triệu tấn phế liệu nhập về Việt Nam trong hơn hai năm qua. Đó là số liệu được Tổng cục Hải quan cho biết tại cuộc họp báo về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu tổ chức chiều 30-7.

VÂN TRƯỜNG - LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên