Ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), thời gian gần đây, cục nhận nhiều phản ánh của các cơ quan báo chí về việc nhiều lao động bị lừa đảo sang Campuchia làm việc với chiêu trò "việc nhẹ lương cao".
"Có nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra tuyển người lao động với lời quảng cáo 'việc nhẹ lương cao, thu nhập tốt, điều kiện làm việc tốt', nhưng thực tế không đúng như vậy", ông Liêm cho biết.
Ông Liêm cho hay nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đưa các thông tin sai sự thật để tiếp cận người lao động mong muốn đi nước ngoài làm việc, kể cả lập các trang web, nhóm trên Zalo...
Thủ đoạn lừa đảo thường là đăng tải hình ảnh người làm việc ở nước ngoài, thiết kế giao diện trang web giống trang web của doanh nghiệp uy tín, tổ chức sự kiện tại khách sạn lớn…
Do đó, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin, quy định, yêu cầu công việc tại nước ngoài, tránh tin tưởng vào thông tin trên mạng xã hội.
Người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các doanh nghiệp đều được đăng tải tại địa chỉ: http://www.dolab.gov.vn/New/Default.aspx hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương.
Để ngăn chặn lừa đảo, cơ quan công an và cơ quan chức năng khác cần tăng cường hợp tác và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động ở nước ngoài khi gặp các vấn đề, cần trợ giúp có thể phản ánh qua hotline của Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số máy 024.3824.9517 (số máy lẻ 511, 512, 513).
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, nhiều người lao động tại Bắc Giang, Quảng Trị sập bẫy đi làm việc nước ngoài, phải nộp tiền chuộc để được trở về nước, đa số là thanh niên.
Họ lừa đưa người sang để làm việc trong các công trình xây dựng hoặc các điểm đánh bạc trực tuyến ở các tỉnh Svay Rieng, Koh Kong và nhiều nhất là Sihanoukville... do người Trung Quốc làm chủ.
Ông Sym Chi, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt Nam, cho hay tổng hội đã phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, các cơ quan chức năng của Campuchia giải cứu gần 300 lao động Việt Nam tại Sihanoukville...
"Tôi là nạn nhân của tổ chức lừa đảo này. Tôi ghi ra đây để mọi người quyết tâm chống và dẹp tổ chức tội ác này. Tôi mất hơn 1,9 tỉ đồng và tổn thất tinh thần, mất niềm tin vào con người khi đứng ra giúp đỡ người Việt mình lâm vào khó khăn.
Người Việt chúng ta bị hại và bị ép buộc đi lừa cộng đồng người Việt Nam. Tôi có thể khởi kiện tổ chức tội ác này được không? Không thể để tổ chức tội ác này hại thêm người nữa", bạn đọc V.K.T. chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận