13/10/2021 14:43 GMT+7

Nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua app

HOÀI THƯƠNG
HOÀI THƯƠNG

TTO - Cảnh sát đang điều tra vụ việc hàng loạt người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay tiền bằng ứng dụng hỗ trợ tài chính.

Chiều 13-10, lãnh đạo Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết đơn vị này đang điều tra vụ việc hàng loạt người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay tiền bằng ứng dụng hỗ trợ tài chính, với số tiền từ vài chục triệu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Theo cơ quan công an, thời gian gần đây cảnh sát tiếp nhận nhiều tin báo của người dân tố giác tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay tiền bằng ứng dụng hỗ trợ tài chính như ứng dụng "Mirae Asset", "Easy Ledger".

Sau đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, công ty tài chính Mirae Asset (MAFC) cho biết ứng dụng "Mirae Asset” được nêu phía trên (trùng với thương hiệu MAFC) là giả mạo. “Trong thực tế, công ty chúng tôi luôn thực hiện giao dịch minh bạch, rõ ràng với khách hàng và hoàn toàn không có thu bất kỳ chi phí nào khi khách hàng đăng ký vay”, MAFC khẳng định.

Thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là đánh vào tâm lý muốn được vay vốn với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn ở những người đang cần tiền để tiêu dùng.

Sau khi tiếp cận được "con mồi", các đối tượng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội như Zalo, Messenger để hướng dẫn việc thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online.

Bằng các thủ đoạn hứa hẹn sẽ cho vay số tiền lớn, thủ tục nhanh, nhưng để đảm bảo việc vay nhanh chóng, thuận lợi, các đối tượng luôn yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp để chiếm đoạt tài sản.

Lý do các đối tượng đưa ra như chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay; tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin, số tiền vay vượt quá định mức vay…

Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng khóa sim, tài khoản đã liên lạc với nạn nhân trước đó, rút tiền khỏi tài khoản nhằm phi tang chứng cứ.

Cụ thể, ngày 7-10, ông Nguyễn Hoài Đức, ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang, sử dụng điện thoại di động tải ứng dụng "App Bảo Gia" để vay tiền. 

Sau khi cài đặt, ông được một người tên Vương Thành Phong xưng là nhân viên thẩm định vay của App Bảo Gia liên hệ và thông báo là ông Đức được vay số tiền 50 triệu đồng.

Đến ngày 8-10, ông Đức ra rút tiền nhưng không thành công, lúc này nhân viên thẩm định vay yêu cầu ông chuyển tiền 2 lần, mỗi lần từ 5-5,5 triệu đồng vào 1 số tài khoản lạ để chỉnh sửa thông tin. 

Ông Đức làm theo nhưng vẫn không rút được tiền, người gọi là nhân viên thẩm định vay tiếp tục yêu cầu ông Đức chuyển thêm 12 triệu đồng. Lúc này, ông Đức biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an tố giác.

Bằng thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã lừa và chiếm đoạt của chị N.T.C.K. ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành với số tiền 64 triệu đồng. Ngày 3-10, ông N.H.Đ. ở huyện Châu Thành cũng bị lừa 64 triệu đồng. Ngày 7-10, chị T.T.M.T. ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành bị lừa 7 triệu đồng.

Công an huyện Châu Thành cảnh báo tất cả người dân cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn vay tiền qua các ứng dụng hỗ trợ tài chính trực tuyến; tuyệt đối không tin, làm theo hướng dẫn của các đối tượng. 

Nếu thực sự có nhu cầu về tài chính, người dân nên trực tiếp liên hệ, làm thủ tục hồ sơ vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống hoặc thông qua các mô hình vay vốn ưu đãi ở các đoàn thể địa phương như Hội phụ nữ, Hội nông dân…

Cảnh báo lừa đảo vay tiền trực tuyến Cảnh báo lừa đảo vay tiền trực tuyến

TTO - Cân nhắc lựa chọn hình thức vay tiền trực tuyến, đọc kỹ các điều khoản sử dụng dịch vụ và thực hiện khiếu nại trên cơ sở lưu lại bằng chứng tới đơn vị cho vay.

HOÀI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên