Những hình ảnh mà các tổ chức, công ty cho vay đưa lên mạng xã hội nhằm bôi xấu, đe dọa người vay - Ảnh: Bạn đọc cung cấp
Lời kêu cứu của bạn đọc gửi đến cho Tuổi Trẻ kèm theo nhiều ảnh chụp tin nhắn, băng ghi âm, hình ảnh cho thấy hệ thống tín dụng "online" này hoạt động chặt chẽ thông qua việc đòi nợ, cho vay của nhân viên các app.
Bị đe dọa
Chưa hết bàng hoàng, chị N.T. (21 tuổi, trú tại Q.2, TP.HCM) kể trong ba tháng gần đây chị luôn trong tâm trạng hoảng loạn khi liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ.
Hàng loạt tin nhắn đòi nợ kiểu "xã hội đen" kèm hình ảnh chị T. được gửi đến nhiều bạn bè trên Facebook của chị. Quá sợ hãi, chị T. phải tạm thời đóng Zalo, app vay tiền.
Theo tường trình của chị T., vào tháng 1-2019, do cần tiền nên chị đã tìm hiểu vay "nóng" trên app cho vay có tên IDong.
Chỉ với một số thao tác tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân, chị T. đã hoàn thành thủ tục vay.
Do là khách mới vay lần đầu nên chị T. được cấp hạn mức vay tối đa 1 triệu đồng. Chị T. đăng ký vay hết hạn mức.
Hai tiếng sau, chị T. nhận được số tiền 700.000 đồng. Số tiền 300.000 đồng được bên cho vay giữ lại trừ trước tiền phí vay và lãi suất. Trong vòng 14 ngày chị T. phải trả lại đầy đủ 1 triệu đồng.
Lần vay đầu chị T. trả đúng hạn, hạn mức vay của chị cũng tăng lên. Kể từ tháng 1-2019 đến nay, chị T. đã vay - trả qua app IDong 5 lần.
Hạn mức vay cũng được tăng dần theo những lần vay trả đúng hạn sau. Tổng cộng hai lần vay gần nhất chị T. được vay 4,9 triệu đồng, với thời hạn trả trong 13 ngày.
Thế nhưng tổng số tiền chị T. nhận được chỉ là 4,2 triệu đồng, 700.000 đồng còn lại chị phải đóng phí dịch vụ và tiền lãi ngay khi "giải ngân".
Hết thời hạn, chị T. không có khả năng trả và đó cũng là lúc chị nếm đủ vị "đòi tiền" và hệ lụy vay online.
Mỗi ngày chậm trả, số tiền chị T. phải thanh toán tăng lên và được báo liên tục về app điện thoại. Đến ngày 30-6, sau ba tháng trễ, số tiền chị T. phải thanh toán cả gốc lẫn lãi, tiền phạt phí nộp trễ cho hai khoản vay là 9,8 triệu, tăng gấp đôi so với số tiền vay ban đầu.
Chị T. bị đòi nợ và thường xuyên nhận được thông tin đe dọa tung hình ảnh thông tin "món nợ" lên mạng xã hội. Người thân trong danh bạ điện thoại, bạn bè trên Facebook của chị cũng liên tục bị quấy rầy bởi những tin nhắn với đủ lời lẽ xúc phạm.
Đến khi chị T. không trả nợ, hình ảnh chị T. kèm theo những thông tin cảnh báo lừa đảo đã được gửi cho bạn bè, người thân. Những hình ảnh này chính là hình ảnh chị T. đã tải lên app để đăng ký truy cập theo yêu cầu ban đầu.
"Khi vay trong app quy định sẽ bảo mật thông tin khách hàng, tôi không ngờ những hình ảnh cá nhân và quyền truy cập vào danh bạ điện thoại lại là công cụ để bên cho vay đe dọa người vay" - chị T. chia sẻ.
Chị N.T. kể làm nhân viên quán cà phê lương thấp nên chị phải vay tiền tại nhiều app để trả tiền qua lại. Đến nay chị đã vay tại sáu app cho vay online.
Tổng số tiền vay hơn 15 triệu đồng. Không còn khả năng trả nên hầu hết các khoản nợ cả gốc lẫn lãi, tiền phạt đã tăng gấp đôi số tiền vay ban đầu của chị T..
Hiện giờ nhân viên của một số app vẫn gọi điện, nhắn tin cho chị và người thân để đe dọa đòi nợ. Chúng tôi đã cùng chị T. nhắn tin cho một app yêu cầu gặp mặt người cho vay để trả nợ trực tiếp nhưng bị từ chối, kèm theo đó là những lời đe dọa hết sức tục tĩu.
Các bước lôi kéo khách hàng và cho vay qua app - Đồ họa: T.ĐẠT
"Giải ngân" trong 10 phút
Lần theo dấu vết các địa chỉ cho vay online, chúng tôi tải app VĐồng về điện thoại để thực hiện các thao tác vay. Chỉ cần một mã số được gửi về điện thoại, chúng tôi truy cập được ngay vào app này.
Ngay trên màn hình chính khi mở có thông tin "Chúng tôi đảm bảo an toàn cho thông tin của bạn" và yêu cầu người dùng cho phép truy cập quyền vị trí theo định vị GPS của điện thoại với lời mời chào hấp dẫn: "Sau khi cho phép quyền này, tỉ lệ duyệt khoản vay sẽ được tăng lên đến 99,9%".
Chúng tôi chấp nhận yêu cầu được phép truy cập vị trí thiết bị điện thoại, ngay lập tức app tiếp tục đưa ra lời mời chào hấp dẫn khác: "Thanh toán đúng hạn, cơ hội vay 20 triệu đồng sẽ đến gần bạn".
Chúng tôi bấm nút "Tôi muốn vay tiền" và được yêu cầu nhập số điện thoại. Ngay khi chúng tôi nhập số điện thoại, app đưa ra bốn khoản vay, gồm vay 1 triệu đồng trả trong 7 ngày, vay 5 triệu đồng trả trong 14 ngày, vay 8 triệu đồng trả trong 30 ngày và vay 20 triệu đồng trả trong 90 ngày.
Chúng tôi gửi yêu cầu vay 20 triệu đồng, app tiếp tục gửi tới điện thoại 5 bước thủ tục và yêu cầu người vay nhập thông tin cá nhân.
Để người vay yên tâm, tin tưởng, trên màn hình app tiếp tục hiện dòng chữ "Chúng tôi sẽ không sử dụng những thông tin này cho mục đích khác".
Theo từng bước, chúng tôi nhập thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, số con, địa chỉ thường trú, địa chỉ số nhà, chứng minh nhân dân.
Tiếp theo là nhập thông tin tình trạng việc làm. Bước ba, nhập thông tin liên lạc chỉ được sử dụng để xác định mối quan hệ xã hội của người vay.
Ở bước này, app yêu cầu người vay cho phép thực hiện quản lý cuộc gọi điện thoại và truy cập danh bạ điện thoại, Facebook cá nhân. Bước bốn, điền thông tin ngân hàng nhận khoản vay.
Cuối cùng, chúng tôi phải chụp mặt trước, mặt sau chứng minh nhân dân và chụp hình ảnh của mình để gửi đi. Ngay sau đó, một lần nữa, trên app hiện dòng chữ "Hình ảnh chỉ dùng để giải ngân nhanh chóng hơn".
Khi chúng tôi nhập đủ thông tin, chỉ sau 10 giây tính toán, kết quả app đưa ra hạn mức chúng tôi được vay là 1,5 triệu đồng, thời hạn vay 14 ngày cùng lời hứa: "Sau khi hoàn tất khoản vay đầu tiên, sẽ mở thêm hạn mức khác cho bạn".
Khi chúng tôi bấm nút đồng ý vay 1,5 triệu đồng, app thông tin ngay tiền phí dịch vụ 438.660 đồng và lãi suất 11.340 đồng.
Số tiền chúng tôi được nhận chỉ còn 1,05 triệu đồng. Toàn bộ các bước từ tải app đến khi được duyệt tiền chúng tôi chỉ mất 10 phút thao tác.
Giao diện một app cho vay
"Không trả nợ, bắt con"
Chính vì việc vay "nóng" qua app khá đơn giản, nhanh gọn mà hiện nay rất nhiều người dân bị "dính bẫy" tín dụng đen. Khi đã "dính" sâu, không còn khả năng chi trả thì người vay sẽ bị "xã hội đen" đòi nợ.
Như trường hợp chị K.M. (Bà Rịa - Vũng Tàu) và anh T.Q. (Long An) đã phải một phen bẽ mặt với bạn bè khi thông tin và hình ảnh cá nhân bị đăng tải với nội dung "cảnh giác đối tượng trốn nợ". Chị M. và anh Q. đều vay tiền tại một app.
Từ hai người không biết nhau, hình ảnh của anh Q. và chị M. được ghép lại và đưa lên Facebook của bạn bè với nội dung vu khống hai anh chị ăn cắp, giựt nợ. Chị M. cho biết chị vay 4 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được 2,8 triệu đồng.
Số tiền còn lại bên cho vay trừ trước tiền phí và lãi suất. Trong vòng 7 ngày, chị M. phải trả đủ 4 triệu đồng.
Tuy nhiên đến ngày thứ 7 trùng với ngày cuối tuần nên chị M. xin lùi thời gian đóng hai ngày và chấp nhận chịu phạt 200.000 đồng.
Thế nhưng, chỉ hai ngày sau, tin nhắn về việc chị M. vay tiền được gửi đến cho nhiều bạn bè của chị. Bị bôi nhọ, xúc phạm nên chị M. không trả khoản tiền.
Sau đó, trên Facebook nhiều người bạn của chị M. lan truyền bức ảnh ghép chị M. và anh Q..
"Cứ mỗi ngày, số tiền phí phạt chậm nộp tăng lên. Nhân viên đòi nợ liên tục nhắn tin, gọi điện cho tôi đe dọa nên tôi phải đổi số điện thoại, khóa Facebook, Zalo. Nhưng đến giờ tôi cũng không yên vì bên cho vay liên tục gọi cho người thân của tôi đòi nợ" - chị M. kể.
Trường hợp chị Nh. (Bạc Liêu) phải xoay xở để trả số tiền vay 1 triệu đồng vay tại app. Từ ngày bị đòi nợ, chị Nh. sợ nên khóa hết toàn bộ số điện thoại, Zalo, không dám ra khỏi nhà.
Chị Nh. cho biết ở quê không có tiền, chị phải vay 1 triệu đồng từ app để mua sữa cho con, thời hạn trả trong 7 ngày.
Do khó khăn nên đến hạn chị chưa trả được tiền. Một phụ nữ xưng là nhân viên của app cho vay đã điện thoại nhắc nhở chị trả tiền kèm theo lời đe dọa: "1 triệu tụi em cũng bắt con chị được đó. Chị suy nghĩ kỹ đi…".
Các app cho vay nở rộ
Từ những phản ảnh của các "nạn nhân" vay tiền qua app, chúng tôi tìm hiểu và ghi nhận tình trạng vay tiền online này đang hoạt động rất rầm rộ. Hàng loạt app, trang web cho vay được quảng cáo trên Facebook, YouTube.
Chỉ cần gõ tìm app vay tiền trên ứng dụng điện thoại, người vay có thể tìm thấy khoảng 40 app cho vay đủ thể loại trong đó có những app mời gọi rất hấp dẫn như vay tiền siêu tốc, vay tiền lấy liền, vay tiền nhanh - cho vay nhanh…
* Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):
Vi phạm pháp luật
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)
Cho vay tiền qua app là một dạng tín dụng đen bằng công nghệ và đang lách luật để hoạt động. Phương thức sử dụng công nghệ cao cho vay rất tinh vi. Người dân cũng tin vào việc cho vay để cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân đăng ký vay ở các app. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định hiện nay, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, để được hoạt động cho vay tín dụng cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Ngoài ra, việc nhân viên các tổ chức cho vay đưa hình ảnh người vay lên mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xúc phạm là trái pháp luật. Bộ luật dân sự quy định hình ảnh của người khác là bất khả xâm phạm, khi sử dụng phải được sự đồng ý của người khác. Tổ chức cho vay không thể sử dụng bất kỳ hình thức đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay lên mạng để đòi nợ. Cá nhân người vay có thể kiện đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm của mình.
* PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH (giảng viên Học viện Tài chính):
Lãi suất núp bóng thu phí!
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH (giảng viên Học viện Tài chính):
Các app vay thường quảng cáo lãi suất thấp nhưng thực chất họ trừ số tiền phí lớn. Theo tôi đánh giá, thực chất số tiền mà các app giữ lại chính là khoản tiền lãi. Tôi cho rằng về lâu dài, để quản lý hình thức cho vay này, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ. Cần có luật, cơ chế để phân loại hình thức vay nào có thể cho hoạt động, hình thức nào cần sự quản lý chặt. Trong đó các hình thức cho vay có lãi suất đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
T.L. ghi
Bạn đọc phản ảnh về vay nợ qua app
* Bạn đọc T.B. Studio vay 1,8 triệu đồng qua app VĐỒNG nhưng chỉ nhận được 1,26 triệu đồng. Sau 14 ngày, ngân hàng yêu cầu trả 1,8 triệu đồng và tiền lãi 540.000 đồng (lãi suất 42,8% trong 14 ngày).
* Bạn đọc T. vay tiền qua một ứng dụng và dù chỉ vay có 2 triệu đồng, nhưng bị đòi những 40 triệu đồng sau 4 tháng.
* Bạn đọc không nêu tên (0903556…) vay 2 triệu đồng trên ứng dụng KhoVay, thời hạn thanh toán 7 ngày. Anh trả chậm một ngày bị bắt trả lãi thêm 100.000 đồng. Chuyển tiền qua Internet banking, nhưng quá trình chuyển lại chậm một ngày nên lại bị bắt chuyển thêm 100.000 đồng nữa + 800.000 đồng tiền phạt trả trễ hạn. Anh đã trả tiền, nhưng một tháng sau đó lại bị nhóm đòi nợ bắt trả đến 5,4 triệu đồng. Khi anh liên hệ công ty thì họ nói đó là cộng dồn lãi 100.000 đồng/ngày từ đó đến nay.
* Anh B.T. đăng ký vay tại các app: Ucash, Mydong, Vay nhanh, Sdong- vaygap-vavo, Uvay… 15 triệu đồng nhưng thực tế nhận về chỉ 10-11 triệu. Nay số nợ cả gốc và lại đã lên vài chục triệu đồng.
* Anh Đ.H. vay qua app IDong với lãi suất mỗi ngày tăng 5% trên nợ gốc, xin trả nợ gốc thì không cho, phí phạt cao hơn nợ gốc.
* Bạn đọc không nêu tên ở Bình Chánh (090277…) vay app Cashwagon 2 triệu đồng, lãi 800.000 đồng/tháng.
THỦY TIÊN
Chúng tôi mong chờ thông tin từ bạn
Trang "Bạn đọc & Tuổi Trẻ" sẽ truyền tải những phản ảnh, bức xúc, chia sẻ, tâm tình… cũng như những vấn đề thời sự nóng nhất mà bạn đọc đang quan tâm, gửi gắm, đòi hỏi được thông tin qua các chuyên mục: Bạn đọc phản ánh; Điều tra theo yêu cầu bạn đọc; Từ đường dây nóng.
Để phụng sự, tạo sự tương tác với bạn đọc tốt nhất, chúng tôi mong chờ những phản ảnh, thông tin, bài viết từ các bạn qua đường dây nóng 0918033133 - (028) 39971010 - Hà Nội: (024) 38473663 hoặc email: tuyennd@tuoitre.com.vn. Tất cả tin, bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận