Các cán bộ tại tổ bầu cử số 1 (Q.Tây Hồ, Hà Nội) vận chuyển một tấm bảng niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các địa phương như thế nào là có dịch và các biện pháp cụ thể đi kèm để các địa phương căn cứ vào đó quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tại buổi họp Thường trực Chính phủ về công tác tổ chức bầu cử chiều 10-5
Hà Nội: không quá 4.000 người/điểm bầu cử
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, bà Vũ Thu Hà, cho biết ngoài thực hiện nguyên tắc 5K tại các điểm bầu cử, Hà Nội sẽ có thêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa.
Ủy ban bầu cử TP đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế. Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly trước là "điểm bỏ phiếu phụ" (do số lượng cử tri ít) nay thành điểm có số lượng cử tri đông, ví dụ như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Vì vậy, Ủy ban bầu cử TP đã xin chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.
Tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều hiện có hơn 3.400 người cách ly. Khi kiểm tra việc cách ly và chuẩn bị bầu cử tại đây, Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu huyện Thanh Trì làm việc với lãnh đạo Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, bố trí tại đây 2 thùng phiếu lưu động để cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại đây vẫn được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử.
Theo bà Hà, trước ngày bầu cử 5 ngày, Ủy ban bầu cử TP sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức bầu cử giãn tiến độ cử tri đi bầu, phân theo khu vực, phân theo giờ để bảo đảm phòng chống dịch.
Vĩnh Phúc: 3 kịch bản
Tới sáng 11-5, toàn tỉnh đã ghi nhận 60 ca dương tính. Ông Lê Duy Thành - chủ tịch UBND tỉnh - cho hay tỉnh đã xây dựng "ba kịch bản rất cụ thể cho công tác đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 cho ngày bầu cử" từ cuối tháng 4.
"Đối với các địa phương chưa có ca nhiễm COVID-19 mới thì thực hiện như thế nào, tại địa phương có dịch COVID-19 thì phải thực hiện ra sao. Và công tác phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức bầu cử tại địa phương có dịch COVID-19 cũng được chúng tôi quy định rất rõ tại kế hoạch 107 do UBND tỉnh thông qua ngày 29-4", ông Lê Duy Thành nói.
Bắc Giang: chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Ánh Dương - chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - khẳng định Ủy ban bầu cử tỉnh đã xây dựng xong phương án phòng chống dịch tại các điểm bầu cử.
Thứ nhất, sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; thứ hai, chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người; thứ ba, tại mỗi điểm bầu cử, khu bỏ phiếu đều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cử tri, yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế, đặt vị trí thùng phiếu đúng khoảng cách an toàn để bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ bỏ phiếu.
Với khu vực "cách ly nhà với nhà" sẽ thực hiện mang thùng phiếu phụ đến từng nhà để cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu.
Đối với các bệnh nhân dương tính với COVID-19, các F1 đang thực hiện cách ly tập trung, tỉnh sẽ điều chỉnh danh sách cử tri về nơi cử tri đang thực hiện cách ly hoặc điều trị COVID-19 để họ thực hiện quyền cử tri.
Các cán bộ tại tổ bầu cử số 1 (quận Tây Hồ, Hà Nội) vận chuyển một chiếc máy xịt cồn sát khuẩn tay ra địa điểm bầu cử - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bắc Ninh: khử khuẩn các điểm bầu cử
Ông Vương Quốc Tuấn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết hiện trên địa bàn tỉnh đang có dịch lây trong cộng đồng nên đã kích hoạt kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng nhóm đối tượng liên quan trong ngày bầu cử.
Tỉnh yêu cầu các đơn vị phun khử khuẩn các địa điểm bầu cử cố định trước một ngày diễn ra bầu cử. Đồng thời yêu cầu kẻ vạch, bố trí bàn khai báo y tế, đo thân nhiệt, sàng lọc các cử tri có dấu hiệu ho, sốt, khó thở vào phòng cách ly tạm thời.
Đối với các khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, tổ bầu cử lưu động sẽ phối hợp với tổ y tế tại cơ sở hướng dẫn cử tri và đảm bảo quyền lợi bầu cử của người dân, căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí thùng phiếu ở vị trí phù hợp, có hàng rào ngăn cách.
Với người đang cách ly tại nhà, tỉnh yêu cầu cán bộ tổ bầu cử sử dụng thùng phiếu lưu động, phiếu bầu cử, bút, thước kẻ, găng tay... vận chuyển đến nhà người đang cách ly hướng dẫn họ cách thức bầu cử theo quy trình.
TP.HCM: đảm bảo khoảng cách 2m
Ngoài việc tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế, Ủy ban bầu cử TP.HCM yêu cầu bố trí lực lượng kiểm tra, hướng dẫn y tế và giám sát người tham dự; sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức.
Cũng theo kế hoạch, yêu cầu các tổ phụ trách bầu cử chuẩn bị phương án phòng chống dịch COVID-19 trong ngày bỏ phiếu theo các khu vực khác nhau.
Theo đó, nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, tổ phụ trách bầu cử tăng cường vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu vực bỏ phiếu. Xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, đảm bảo giữ khoảng cách 2m giữa những người tham dự. Hướng dẫn quy trình bầu cử, phân luồng ra và vào một chiều. Bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư.
Riêng trường hợp tổ chức cho cử tri đang cách ly tại nhà bỏ phiếu, phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp. Sau khi bàn giao thùng phiếu phải sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi khu vực bỏ phiếu, tự cách ly 14 ngày tại nhà.
Mỗi điểm bầu cử đều có cán bộ y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký kế hoạch công tác y tế phục vụ bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Trong đó bao gồm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, trang thiết bị và nhân lực phục vụ chăm sóc y tế người tham gia bầu cử.
Các khu vực bỏ phiếu đều được đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn các bề mặt và hòm phiếu, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh thực phẩm.
Hướng dẫn này cũng yêu cầu các sở y tế bố trí tổ cấp cứu ngoại viện, mỗi tổ gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và có xe cứu thương đủ thiết bị kèm theo. Mỗi điểm bầu cử bố trí một cán bộ y tế và có phương án xử trí các trường hợp như ngộ độc hàng loạt, cấp cứu... L.ANH
TP.HCM: không quá 20 người ở điểm bỏ phiếu nếu có dịch
Ngoài việc tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế, Ủy ban bầu cử TP.HCM yêu cầu bố trí lực lượng kiểm tra, hướng dẫn y tế và giám sát người tham dự; sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức.
Nếu có dịch, không tổ chức quá 20 người trong phòng họp. Không mời đại biểu, cử tri ở khu vực cách ly xã hội hoặc phong tỏa tới dự. Xét nghiệm cho đại biểu khi tổ chức tiếp xúc trực tiếp.
Xét nghiệm kiểm tra COVID-19 trước và sau hội nghị cho cán bộ địa phương đang xảy ra dịch. Chuẩn bị tình huống, quy trình tiếp nhận, vận chuyển và xử lý khi phát hiện ca nghi nhiễm COVID-19 trong khi họp. Bố trí phòng cách ly tạm thời có đủ trang thiết bị phòng hộ.
Cũng trong kế hoạch, đã yêu cầu các tổ phụ trách bầu cử chuẩn bị phương án phòng chống dịch COVID-19 trong ngày bỏ phiếu (23-5) theo các khu vực khác nhau.
Theo đó, nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, tổ phụ trách bầu cử tăng cường vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khu vực bỏ phiếu. Xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, đảm bảo giữ khoảng cách 2m giữa những người tham dự. Hướng dẫn quy trình bầu cử, phân luồng ra và vào một chiều.
Bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư. Mặt khác, phải đảm bảo đầy đủ phương tiện phòng hộ cho cán bộ phục vụ bầu cử. Hướng dẫn cán bộ và cử tri tự theo dõi trong 14 ngày.
Khi tổ chức thùng phiếu lưu động cho cử tri không đến được địa điểm bỏ phiếu phải thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế. Riêng trường hợp tổ chức cho cử tri đang cách ly tại nhà bỏ phiếu phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần, đụng chạm trực tiếp. Cán bộ phục vụ bầu cử sử dụng phương tiện phòng hộ đầy đủ.
Sau khi bàn giao thùng phiếu phải sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi khu vực bỏ phiếu, tự cách ly 14 ngày tại nhà.
T.LONG
Bốn tình huống bỏ phiếu ở Đà Nẵng
Đà Nẵng tổ chức phương án bầu cử tại khu vực cách ly, phong tỏa... cán bộ phụ trách mang thùng phiếu đặt trước nhà và cử tri ra bỏ phiếu bầu - Ảnh: HƯU KHÁ
1. Tại một khu vực bỏ phiếu cố định: Thực hiện các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia như quy định 5K, hướng dẫn thu gom khẩu trang đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải. Nếu phát hiện cử tri có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở…, đưa ngay đến khu vực cách ly đã được bố trí...
2. Cho hộ dân đang cách ly tại nhà: Cán bộ bầu cử đeo khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn vận chuyển thùng phiếu phụ, danh sách ứng cử viên, phiếu bầu cử, bút, dung dịch khử khuẩn, bao đựng rác... đến nhà người đang cách ly.
Cán bộ bầu cử đặt hòm phiếu phụ ngoài khuôn viên nhà của cử tri rồi dùng loa gọi, hướng dẫn người cách ly cách thức bỏ phiếu. Sau khi kết thúc bàn giao hòm phiếu, cán bộ phụ trách sẽ tháo bỏ phương tiện phòng hộ và xử lý đúng quy định, khử khuẩn tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi rời khỏi.
3. Trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa hoặc giãn cách: Tất cả cán bộ bầu cử phải đứng ngoài hàng rào và mặc đồ bảo hộ y tế đúng quy định, hòm phiếu và bàn đựng phiếu để sát bên ngoài hàng rào. Người cách ly đứng xếp hàng giãn cách chờ đến lượt bỏ phiếu.
4. Cho bệnh nhân nghi ngờ, xác định mắc COVID-19: Các bước như ở tình huống 3, nhưng người bỏ phiếu buộc đeo khẩu trang, khử khuẩn tay trước khi nhận phiếu bầu cử, khử khuẩn tay lần 2 trước khi viết phiếu bầu cử, khử khuẩn tay lần 3 sau khi bỏ phiếu.
HỮU KHÁ
Ưu tiên lực lượng phòng dịch ở biên giới
Cần Thơ: tiêm vắcxin trước ngày bỏ phiếu cho nhóm có nguy cơ
Một lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết thành phố đã yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với ủy ban bầu cử các cấp bố trí các điểm bỏ phiếu phù hợp với diễn biến dịch bệnh, đảm bảo tất cả công dân (kể cả công dân đang bị cách ly) đều được tham gia bầu cử; đảm bảo 100% các điểm bầu cử, các hoạt động bầu cử phải thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế; các điểm bầu cử phải được khử khuẩn trước 1 ngày diễn ra bầu cử và sau cuộc bầu cử.
Ngoài các biện pháp đảm bảo vệ sinh theo hướng dẫn, sẽ thực hiện phân nhóm cử tri, sắp xếp thời gian theo từng khung giờ hợp lý đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người tại một thời điểm, đồng thời thực hiện giữ khoảng cách giữa người với người khi tham gia bỏ phiếu.
Đối với điểm bầu cử có nhiều cử tri thuộc nhóm đang theo dõi nguy cơ sẽ được xem xét, bố trí điểm bầu cử riêng cho họ. Đáng chú ý, thành phố sẽ triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo hoàn thành trước thời điểm bầu cử nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong thời gian diễn ra bầu cử.
Long An: lực lượng tăng cường chống dịch bỏ phiếu tại điểm đóng quân
Đại tá Đoàn Văn An - chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Long An - cho biết hiện tại tất cả các lực lượng tăng cường để chống dịch tại các tổ, chốt, trạm, đội tuần tra lưu động tại biên giới đều được đưa vào danh sách cử tri tại các điểm họ đóng quân.
"Hiện lực lượng này tại Long An có hơn 200 người, ai đóng quân tại địa bàn nào đều được bố trí vào danh sách cử tri tại khu vực họ nhận nhiệm vụ để hoàn thành trách nhiệm bỏ phiếu", ông An nói.
Đồng Tháp: đảm bảo nhiệm vụ lẫn đi bỏ phiếu
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp, lực lượng làm nhiệm vụ tại biên giới sẽ bầu cử vào sáng sớm 23-5 tại điểm bỏ phiếu gần nhất theo hình thức luân phiên đi bầu cử, đảm bảo trên 50% lực lượng làm nhiệm vụ.
Cũng do các điểm bầu cử được bố trí rất gần với đồn biên phòng nên lực lượng sẽ chia thành nhiều đợt đi bầu cử. Các chiến sĩ ở các chốt canh phòng xa hơn một chút sẽ di chuyển theo phân công để đảm bảo lực lượng canh giữ biên giới.
Ông Lê Thành Công - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, phó chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh - cho biết hiện nay các điểm bầu cử ở các huyện biên giới dao động trên dưới 1.000 cử tri nên khả năng không đợi chờ quá lâu.
Ông Đỗ Tấn Kiết (giữa) - phó chủ tịch HĐND tỉnh, phó chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh An Giang - kiểm tra điểm niêm yết danh sách ứng cử viên tại xã Tân Hòa, huyện Phú Tân - Ảnh: BỬU ĐẤU
An Giang: lực lượng chống dịch bỏ phiếu theo nơi đóng quân ở biên giới
Ngày 11-5, ông Đỗ Tấn Kiết - phó chủ tịch HĐND tỉnh, phó chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh An Giang - cho biết tỉnh đã có phương án cho khu cách ly tập trung. Riêng đối với lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19 giáp biên giới Campuchia thì bầu cử theo kế hoạch của các huyện biên giới. Các lực lượng tại chỗ hoặc tăng cường đều phải bầu cử tại địa phương nơi đóng quân.
Ông Trần Hòa Hợp - chủ tịch UBND huyện An Phú - giải thích về phương án của huyện có đường biên giới với Campuchia dài hơn 42km, chiếm gần 50% đường biên giới toàn tỉnh này: cho lực lượng chống dịch COVID-19 phân chia nhau về đồn bỏ phiếu bầu cử hoặc ở các tổ, ấp có thùng phiếu bầu cử.
"Các anh em không đi tập trung một lần mà chia nhỏ ra đi nhưng phải đảm bảo bầu cử đúng tiến độ đề ra và thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19" .
Vĩnh Long: xây dựng kịch bản phát sinh COVID-19
Ngày 11-5, Sở Y tế Vĩnh Long đã xây dựng kịch bản cho tình huống có phát sinh dịch COVID-19 trong quá trình diễn ra bầu cử. Theo đó, trường hợp chưa có ca bệnh COVID-19, thực hiện tuyên truyền, vận động người dân đi về từ các tỉnh có dịch thực hiện khai báo y tế. Trường hợp có ca bệnh phát sinh hoặc có ca nghi ngờ nhiễm hoặc dương tính tại địa điểm tổ chức bầu cử của địa phương, tổ phục vụ y tế bầu cử tiếp nhận và chuyển các thông tin đến lãnh đạo của đơn vị bầu cử, địa phương để chỉ đạo xác minh tính chính xác thông tin, xử lý phù hợp và đúng quy định của Bộ Y tế.
C.QUỐC - B.ĐẤU - N.TÀI - S.LÂM - C.HẠNH
9 nhà giàn DK1 đã bầu cử xong
Cử tri Lữ đoàn 171 bầu cử sớm - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trung tá Nghiêm Xuân Thái - chính trị viên tiểu đoàn DK1 (Vùng 2 hải quân) - cho biết tính đến chiều 11-5 đã có 9 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã thực hiện xong bầu cử.
Từ vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đại úy Ninh Thế Quyền - chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/7 - cho biết sáng 11-5 tổ bầu cử đi theo tàu Trường Sa 04 đã cập nhà giàn và ngay lập tức công tác bầu cử được tiến hành.
ĐÔNG HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận