16/02/2024 09:31 GMT+7

Nhiều hình thức tấn công giả mạo, hành vi lừa đảo, rò rỉ dữ liệu trong năm 2024

Các chiến dịch tấn công giả mạo, hành vi lừa đảo, rò rỉ dữ liệu và các cuộc tấn công mạng có động cơ địa chính trị được dự đoán sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2024.

Tấn công giả mạo, hành vi lừa đảo sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tấn công giả mạo, hành vi lừa đảo sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các chuyên gia của Hãng bảo mật Kaspersky, phong trào chuyển đổi số mạnh mẽ và những xung đột địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là yếu tố tác động đến bối cảnh mối đe dọa an ninh mạng tại APAC năm 2024.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác tại APAC sẽ phải đối mặt với nhiều hình thức tấn công giả mạo, hành vi lừa đảo, rò rỉ dữ liệu và tấn công APT (tấn công có chủ đích) trong năm 2024.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, hàng trăm nghìn người từ Đông Nam Á (SEA) đã được tuyển dụng để tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến như lừa đảo tình cảm, lừa đảo tiền điện tử, rửa tiền và đánh bạc bất hợp pháp.

Việc tuyển dụng cho các hoạt động tội phạm này hầu hết được thực hiện thông qua các vị trí chuyên môn như lập trình viên, nhà tiếp thị hoặc chuyên viên nhân sự, thông qua quảng cáo, những thủ tục trông hợp pháp và thậm chí phức tạp.

Việc sử dụng và tin tưởng vào các phương thức thanh toán kỹ thuật số, thiếu các quy định bảo vệ quyền của người dùng trực tuyến và số lượng lớn người bị buộc tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến đã làm tăng thêm sự phức tạp cho vấn đề lớn này ở Đông Nam Á và trong việc giải quyết nó.

Ông Vitaly Kamluk, giám đốc Nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu (GReAT) khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky, nhận định: “Chúng tôi cho rằng quy mô của các cuộc tấn công lừa đảo và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do thiếu kiến thức về kỹ thuật và pháp lý liên quan đến các cuộc tấn công như vậy, từ nhà điều hành đến nạn nhân”.

Ông Vitaly Kamluk cũng cho rằng hoạt động gián điệp mạng vẫn là mục tiêu chính ở các nước châu Á trong khu vực và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2024 do những căng thẳng địa chính trị hiện có.

An ninh mạng là chìa khóa phòng thủ

“Nền kinh tế kỹ thuật số của châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân và dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong 5 năm tới.

Với những nỗ lực số hóa, bao gồm áp dụng công nghệ như thanh toán kỹ thuật số, siêu ứng dụng, IoT, thành phố thông minh và giờ đây là trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng sẽ là chìa khóa đảm bảo khả năng phục hồi hệ thống phòng thủ chung của khu vực trước khả năng gây thiệt hại của các cuộc tấn công mạng”, theo Vitaly Kamluk.

Một người bị mất 15,3 tỉ đồng sau cuộc gọi Một người bị mất 15,3 tỉ đồng sau cuộc gọi 'cài app dịch vụ công' giả mạo

Bị lừa cài app giả mạo gần giống với cổng dịch vụ công, 6 người dân ở Hà Nội bị lấy mất 20,6 tỉ đồng, trong đó một người bị mất 15,3 tỉ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên