Đặng Thanh Hiền (đã đổi tên) ở Văn Giang, Hưng Yên, lập cập uống cốc nước lạnh. Cô mất hơn 120 triệu đồng trong tháng trước, giờ lại mất nốt 5 triệu còn lại trong tài khoản.
Báo công an lại gặp công an "dỏm"
Sau vài lần "thực hiện nhiệm vụ" của một app bán hàng online trên mạng, Hiền "bay" mất 120 triệu đồng. Cô lên mạng cầu cứu giúp đỡ. Một người tên Hồng nhảy vào chat tỏ ra đồng cảm với Hiền và nói cũng từng bị lừa nên không tin được ai trên mạng.
Rồi người này khuyên Hiền trình báo công an mới hy vọng lấy lại tiền. Cô ta còn cao tay dặn kỹ rằng tất cả những nick xưng luật sư, nhân viên ngân hàng… hứa giúp lấy lại tiền trên mạng là lừa hết.
Chính cô ta cũng bị lừa lần thứ hai nên kinh nghiệm và khẳng định 100% dịch vụ lấy lại tiền mà mất phí cũng là lừa đảo.
Sau đó, người này nhiệt tình gửi cho Hiền một đường link trang Facebook tên Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C-50. Nội dung trang như thật dẫn link nhiều tin tức báo chí đăng về đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo trên mạng, triệt phá các ổ nhóm tội phạm…
Người tên Hồng còn giới thiệu một cán bộ làm ở "cục" này và dặn trước: "Trình báo sự việc thì không mất phí nhưng quan trọng là họ có làm cho em ngay không thôi.
Còn nếu muốn nhờ anh kia thì chắc mất ít tiền vì họ cũng phải bỏ tiền để check số tài khoản hay địa chỉ bọn lừa đảo".
Hiền như chết đuối vớ được cọc, nhắn tin luôn cho "cán bộ công an". Gần một tiếng trôi qua, bên kia trả lời tin nhắn. Sau vài câu chào hỏi, cung cấp thông tin cơ bản, "cán bộ" này nhắn cho Hiền: Hiện tại có rất nhiều vụ việc tương tự như của cô.
Mỗi ngày bộ phận của "cán bộ" tiếp nhận rất nhiều hồ sơ, vì vậy hồ sơ của Hiền sẽ tạm lưu lại, khi nào có đầu mối họ tiếp tục giải quyết.
Rồi hơn một tuần sau, Hiền nhận được phản hồi: "Qua xác minh ban đầu, đối tượng hoạt động theo nhóm. Có thể chúng đang ở trong nước". Hiền mừng quýnh, đọc như nuốt từng lời "cán bộ" chỉ đường đi nước bước.
"Trường hợp này chúng tôi phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ truy vết đối tượng. App và các tài khoản Telegram bọn chúng không để lộ vị trí nên chúng tôi cần chị phối hợp", người "cán bộ" này còn yêu cầu Hiền cung cấp tài khoản Zalo mà một đối tượng trong nhóm đã dùng để dụ dỗ cô.
Tài khoản ấy đã bị khóa, "cán bộ" nói như đinh đóng cột rằng khôi phục được nhưng Hiền phải cung cấp mật khẩu của mình và dặn dò: "Trong quá trình kiểm tra, chị không đăng nhập vào Zalo để tránh lỗi dữ liệu".
Lát sau, "cán bộ" nhắn lại: cơ quan công an đã xác minh, phía ngân hàng sẽ tạo một lệnh chuyển tiền vào tài khoản của cô. Nếu nhận được, Hiền phải chuyển lại số tiền đã nhận đó để phía ngân hàng xác minh tài khoản đúng là của Hiền.
Cô nhận được 290.000 đồng thật! Rồi cô phải chuyển tiền lại cho "cán bộ". Chưa xong, "cán bộ" còn nói ngân hàng yêu cầu xác minh lần thứ hai. Lần này ngân hàng không gửi tiền trước mà cô phải chuyển tiền bằng cách quét mã QR để "xác minh hai chiều". Thế là cô mắt nhắm mắt mở quét mã, chuyển 5 triệu đồng cho ngân hàng.
Lúc này vài người bạn nhắn tin thông báo có người dùng Zalo của cô hỏi vay tiền. Khi đó cô gái mới tá hỏa vì "cán bộ" dùng tài khoản Zalo của cô hỏi vay tiền tứ tung. Vài người đã chuyển tiền, người thì 3 triệu đồng, người 8 triệu đồng…
Hiền đành lên mạng thông báo Zalo bị hack, cảnh báo bạn bè không chuyển tiền. Hiền quay lại nhắn cho "cán bộ" thì nick đã bị chặn!
Không lừa được thì… vay
Nguyễn Phương Thảo (đã đổi tên) làm quản lý nhân sự cho một nhà máy ở Bình Dương bị mất hơn 300 triệu đồng. Cô cũng lên mạng "bóc phốt", đăng bài cảnh báo.
Chiêu trò vẫn y chang như các nạn nhân khác. Nào là từ tin nhắn SMS hay Facebook, rồi có người tiếp cận, nhắn tin dụ sang Zalo hoặc Telegram, rồi tải app, làm nhiệm vụ, xác minh tài khoản, đầu tư…
Đặc biệt là những bước cuối phải chuyển thêm tiền mới… rút được tiền trước đó.
Thảo mất hơn 300 triệu, toàn bộ vốn liếng cô tích cóp được trong 5 năm. Cô lên mạng chia sẻ chuyện mình bị lừa. Người vào động viên, người góp thêm chuyện của họ. Thế rồi có người nhắn tin cho Thảo có thể tìm được địa chỉ kẻ lừa đảo. Thảo bán tín bán nghi, cứ thử hỏi chuyện xem sao.
Gã kia xưng tên Thành, gửi ảnh căn cước công dân cho Thảo để tạo niềm tin. Gã có trang cá nhân "hoành tráng", nhiều ảnh hút xì gà, lái xe và khoe quen biết nhiều người "trong ngành" (công an - PV).
Gã chỉ cần có số tài khoản, người "trong ngành" check "phút mốt" là ra địa chỉ. Còn nếu có số điện thoại, chỉ cần gọi điện còn đổ chuông là 30 phút sau "anh em" gã tới tóm sống kẻ lừa đảo.
Nghe gã "nổ", Thảo thử gửi số tài khoản tên lừa đảo cho gã. Hôm sau, gã gửi cho Thảo bức hình đúng tên đã dụ cô nạp tiền vào app.
"Nó đang ở Hà Nội, em muốn xử nó sao?", Thành làm như sắp bắt được thủ phạm.
Cô nghi ngờ vì những bức ảnh Thành gửi đều là ảnh đã đăng trên Facebook của kẻ lừa cô trước đó. Cô cẩn thận nói không cần "xử" mà cần gặp mặt.
Thành ra giá 5 triệu đồng chuyển khoản. Thảo không nghe, gã giảm xuống 2 triệu để "anh em" lấy tiền xăng đi lại, khi nào đòi được lại tiền thì trả hết cho gã. Thảo nhất quyết không nghe, đòi phải có ảnh thật và thông tin, địa chỉ, tên tuổi mới chuyển khoản.
Tên kia vẫn ỉ ôi cò kè ngã giá. Thảo không nghe máy, gã lại gửi bức ảnh một người đang cấp cứu trong bệnh viện. "Anh nói thật là thằng em anh đang cấp cứu, cần tiền quá. Em cho anh mượn tạm 2 triệu, chiều nay anh trả"…
Thảo cắt liên lạc! "Nó nghĩ lừa em được lần hai. Nhưng em hết ngu rồi! Mất 300 triệu phải khôn ra chứ", cô bức xúc nói.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ảnh về các trường hợp lừa đảo trên mạng Internet. Trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Ông Trần Quang Hưng, phó cục trưởng Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết nội dung và hình thức lừa đảo trực tuyến không mới nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới. Đó là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và cả trẻ em.
"Công nghệ phát triển nhanh, điện thoại thông minh cũng phổ cập đến nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp… Trong khi đó, họ là những người mới tiếp cận công nghệ, khả năng nhận diện dấu hiệu lừa đảo tương đối thấp nên các nhóm lừa đảo tài chính tập trung vào họ", ông Hưng cho hay.
"Công an làm việc" qua điện thoại, mạng là dấu hiệu lừa đảo
Luật sư Vũ Văn Tính, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho hay theo các quy định hiện hành, cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
"Dấu hiệu đầu tiên để cảnh giác lừa đảo chính là làm việc qua điện thoại, mạng xã hội. Người dân có quyền từ chối làm việc và tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin gì qua điện thoại, tin nhắn… để tránh bị lừa đảo", luật sư Tính cho hay.
Văn phòng luật sư Tính tiếp nhận rất nhiều khách hàng bị lừa đảo qua mạng.
Nếu theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), người tố cáo tội phạm lừa đảo qua mạng có thể gửi đơn đến các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an.
Tuy nhiên, người tố cáo cũng cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân và các tài liệu liên quan để làm bằng chứng chứng minh hành vi lừa đảo qua mạng.
"Cơ quan chức năng cũng cần sửa đổi quy định, phải có đơn vị phản ứng nhanh, có quy định để đóng băng tài khoản khi phát hiện giao dịch bị lừa đảo. Chỉ trong vòng vài phút, kẻ lừa đảo đã kịp rút tiền hoặc chuyển tiền qua rất nhiều tài khoản khác nhau.
Nếu không đóng băng giao dịch nhanh khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo hoặc nạn nhân nhất thiết phải chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu để làm việc trực tiếp thì đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay rồi", luật sư Vũ Văn Tính đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận