Theo trang web Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2023 đại học này sẽ khởi công xây dựng chín công trình mới với thiết kế hiện đại, đẹp mắt, chỉ chờ giải ngân.
Các công trình "khủng"
Trong đó, dự kiến vào quý 2-2023, Trường đại học Bách khoa sẽ khởi công xây dựng công trình nhà học tập và thí nghiệm BK.B7 tại cơ sở Dĩ An. Công trình gồm 8 tầng, xây dựng trên diện tích 16.420m2 với tổng mức đầu tư là 164 tỉ đồng.
Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dự kiến khởi công tòa nhà NV B4-2 trong quý 3-2023, với tổng mức đầu tư hơn 99,5 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2023, Trường đại học Kinh tế - Luật sẽ triển khai đầu tư xây dựng khối Trung tâm nghiên cứu phát triển chính sách KTL.A3. Công trình gồm 5 tầng, xây dựng trên diện tích 3.100m2 với tổng diện tích sàn 13.046m2, tổng mức đầu tư hơn 228 tỉ đồng.
Tại Trường đại học Quốc tế, năm 2023 dự kiến khởi công tiếp công trình khối hành chính - nghiên cứu QT.A1 và khởi công mới công trình khối lớp học - thí nghiệm khoa công nghệ sinh học QT.B4 (khối 7 tầng, xây trên diện tích 9.800m2 với tổng mức đầu tư là 159,26 tỉ đồng).
Trường đại học Khoa học tự nhiên cũng có hai công trình dự kiến xây dựng trong năm 2023. Khoa y, ký túc xá B6 Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, khu Viện Nghiên cứu cũng dự kiến được xây dựng trong năm 2023.
Hiện các công trình này thuộc Dự án phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều thủ tục nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.
Chờ hoàn thiện quy trình giải ngân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết đây chỉ là dự kiến vì phụ thuộc vào vốn của Ngân hàng Thế giới. Hai năm rồi chưa giải ngân được đồng nào.
"Các dự án này khởi động từ năm 2017, được WB tài trợ, giai đoạn 2021-2025, cho 3 đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng. Nhưng 2 năm rồi do vướng thủ tục nên chưa giải ngân được" - ông Quân cho biết thêm.
Dự án phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - tiểu dự án Đại học Quốc gia TP.HCM được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 2.728 tỉ đồng. Trong đó vốn nước ngoài (vay WB) chiếm tỉ lệ 90%. Đối với phần vốn nước ngoài, Đại học Quốc gia TP.HCM được ngân sách nhà nước cấp phát 90% và cho vay lại 10%.
Về việc chậm giải ngân vốn nước ngoài, vướng mắc hiện nay liên quan đến thủ tục vay lại, cụ thể là về quy định đối với tài sản đảm bảo.
Tại đại học này, một số công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn thu của đơn vị. Tuy nhiên khi sử dụng các công trình này làm tài sản đảm bảo thì vẫn chưa phù hợp. Lý do các công trình này tuy đầu tư xây dựng bằng nguồn thu của đơn vị nhưng lại nằm trên đất của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cũng theo đại học này, thời gian qua có nhiều vướng mắc trong đầu tư, phát triển. Việc điều chỉnh quy hoạch 1/2000 đến nay chưa hoàn thành. Hiện nay mới chỉ đến bước chuẩn bị tổ chức họp hội đồng thẩm định. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Khi được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000 thì các dự án mới có thể tiếp tục điều chỉnh quy hoạch 1/500; thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán; đấu thầu; ký hợp đồng; giải ngân vốn. Do đó, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng mới đều chưa thể triển khai thực hiện, do đó chưa thể giải ngân vốn trong năm 2022.
Ký túc xá xuống cấp cũng không thể sửa chữa
Trước đây, khu A ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM do một số địa phương đã bố trí ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng các tòa nhà ký túc xá nhằm hỗ trợ đại học này trong việc bố trí nơi ở, sinh hoạt thuận tiện cho sinh viên.
Tuy nhiên qua thời gian dài sử dụng, các tòa nhà hiện đã xuống cấp, không đảm bảo đáp ứng được về chỗ ở, điều kiện sinh hoạt cho sinh viên đang sinh sống, học tập tại đây.
Theo quy định, Đại học Quốc gia TP.HCM không được bố trí ngân sách nhà nước để cải tạo, sửa chữa các tòa nhà, do các tòa nhà hiện vẫn là tài sản của các địa phương quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận