10/11/2024 21:26 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp về tay người Thái 'chăm' chia cổ tức

Từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền. Thậm chí một doanh nghiệp bất ngờ tăng tỉ lệ cổ tức bằng tiền mặt từ 24% lên 133%.

'Mưa' cổ tức tiền mặt cuối năm, có đại gia ô tô chi gần 7.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Cuối năm, nhiều cổ đông nhận cả trăm, nghìn tỉ tiền mặt từ cổ tức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp về tay người Thái "chăm" chia cổ tức

Tính riêng tuần tới (từ ngày 11 đến 15-11), gần 10 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền, đáng chú ý trong đó là Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) với tỉ lệ khá cao.

Theo nghị quyết hội đồng quản trị, BMP sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 cho năm nay với số tiền 470 tỉ đồng; tương đương tỉ lệ 57,4% mệnh giá cổ phiếu (mỗi cổ phiếu nhận 5.740 đồng).

Ngày đăng ký cuối cùng 14-11, thời gian chi trả 5-12. "Cơn mưa" tiền mặt cổ tức chủ yếu chảy về tài khoản của Nawaplastic Industries - thành viên Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan khi nắm 54,99% cổ phần BMP.

Trước đó, theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông, BMP chốt dành tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế năm 2024 để chia cổ tức. Nhưng riêng đợt tạm ứng lần 1 tỉ lệ đã đạt 57,4%.

Quan sát nhiều năm trở lại đây, BMP đều dùng phần lớn lợi nhuận đạt được chi trả cổ tức bằng tiền. Như năm 2023, Nhựa Bình Minh chia bằng tiền mặt với tỉ lệ 126%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận 12.600 đồng. 

Điều này đồng nghĩa "ông lớn" ngành nhựa đã dùng 99% lợi nhuận sau thuế đạt được cả năm ngoái để chia cổ tức bằng tiền mặt.

Một doanh nghiệp khác về tay người Thái là Sabeco cũng thường chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ cao. Đều đặn mỗi năm, Công ty TNHH Vietnam Berverage thuộc Tập đoàn Thai Beverage với việc nắm 53,6% vốn cũng đều đặn nhận về hàng nghìn tỉ đồng từ việc đầu tư vào Sabeco.

Cũng liên quan tới chia cổ tức, một doanh nghiệp dược gần đây còn gây bất ngờ khi chia thêm cổ tức với tỉ lệ 109%/cổ phiếu sau khi đã chốt mức 24% ở đại hội đồng cổ đông 2024 hồi tháng 4-2024.

Đó là Công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic (PMC). Tại nghị quyết mới công bố, Pharmedic cho biết đại hội đồng cổ đông đã thống nhất thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với tỉ lệ 109%/cổ phần.

Số cổ tức nêu trên không bao gồm tỉ lệ cổ tức 24% đã được chốt lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Thay vào đó, Pharmedic sẽ sử dụng số tiền hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển hơn 101 tỉ đồng để chia thêm. Như vậy, tổng tỉ lệ dự kiến lên tới 133%.

Dữ liệu phản ánh Pharmedic là doanh nghiệp dược có truyền thống chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Tỉ lệ chia nhiều năm đa phần trên 20%.

Tính đến cuối tháng 6 năm nay, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - Sapharco (cổ đông Nhà nước) là cổ đông lớn nhất của PMC với 43,44% vốn, tiếp đến là Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) với 14,6%...

Doanh nghiệp "sống khỏe" từ cổ tức lại chia cổ tức khủng

Đáng nể nhất về tiền chi cổ tức hằng năm phải kể tới Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam VEAM (VEA).

VEA vừa chốt quyền chi trả cổ tức năm 2023 với ngày đăng ký cuối vào 20-11. Tỉ lệ cổ tức 50,3518%, mỗi cổ phiếu VEA sẽ nhận về 5.035,18 đồng.

VEA lưu hành gần 1,33 tỉ cổ phiếu, ước tính chi gần 6.700 tỉ đồng cho đợt cổ tức này. Nhiều năm trở lại đây, mức cổ tức tiền mặt của VEAM thường ở mức 40 - 50% mỗi năm.

Song cổ phần nằm chủ yếu cổ đông nhà nước (88,47%). Như đợt tới, khoảng 6.000 tỉ đồng sẽ "chảy" về Bộ Công Thương.

Báo cáo tài chính nhiều năm thể hiện lợi nhuận công ty mẹ của VEAM không quá nổi trội. Đóng góp tích cực vào lợi nhuận hợp nhất của VEAM đến từ cổ tức nhận được từ các công ty liên doanh liên kết như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm nay, phần lợi nhuận đến từ công ty liên doanh, liên kết trong 9 tháng đầu năm mang về cho VEAM 4.365 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Cũng khoảng thời gian cuối năm, nhiều công ty quyết định tạm ứng cổ tức năm 2024 tới cổ đông. Như Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) chốt tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỉ lệ 30%, ngày thanh toán vào 20-12 tới.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Do đại hội cổ đông thường diễn ra vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 5 hằng năm, do vậy về cuối năm cũng là dịp nhiều doanh nghiệp chốt phương án phân phối lợi nhuận theo kế hoạch được cổ đông thông qua.

'Mưa' cổ tức tiền mặt cuối năm, có đại gia ô tô chi gần 7.000 tỉ đồng - Ảnh 2.Nhà đầu tư sống nhờ cổ tức

Với hàng loạt doanh nghiệp công bố trả cổ tức năm bằng tiền mặt, với số tiền chi trả từ vài trăm tỉ đến vài ngàn tỉ đồng, nhiều cổ đông cũng có một nguồn thu nhập đáng kể.

c

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên