Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ảnh: B.D
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi bàn chuyện gia tăng các biện pháp kiểm soát tài sản quan chức, mở rộng đối tượng kê khai..., nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội. Bên hành lang kỳ họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online các trăn trở xung quanh dự luật này.
Theo ông Phương, một trong những lí do của tình trạng tiêu cực, tham nhũng hiện nay là thu nhập từ lương của cán bộ có chức vụ chưa tương xứng, thậm chí là rất thấp, ảnh hưởng đến quyết tâm đối với công việc.
- Trong công tác phòng chống tham nhũng, vấn đề được dư luận quan tâm là việc công khai tài sản. Hiện nhóm cán bộ thuộc quản lý của Bộ Chính trị và Ban Bí thư vẫn được cho là nằm trong vùng cấm?
Hiện nay dư luận xã hội rất phản ứng chuyện nhiều lãnh đạo có quá nhiều tài sản không minh bạch. Nhiều vụ án khi xảy ra thì các đối tượng vi phạm pháp luật lại không có tài sản để thực hiện trách nhiệm dân sự. Những tài sản đó pháp luật không thu hồi được và Nhà nước cũng bị mất mát.
Để tăng cường công tác kiểm soát và phòng chống tham nhũng, cần quy định thật cụ thể việc kê khai tài sản, xử lý tài sản không rõ nguồn gốc để đảm bảo minh bạch. Quan trọng nhất là kiểm soát và thu hồi được khi quan chức, cán bộ có hành vi tham nhũng bị phát hiện.
Công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề về việc định giá thiếu chính xác. Có nhiều doanh nghiệp quá trình cổ phần hoá đã có biểu hiện lợi ích nhóm, định giá sai giá trị, có lợi ích cá nhân rồi "sân trước sân sau" để làm thất thoát tài sản nhà nước. Trong việc này công tác thẩm định giá là quan trọng, nhưng một số đối tượng tham gia vào khâu này lại bị lôi kéo, mua chuộc để chia sẻ lợi nhuận.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương
- Thực tế hiện nay nhiều cán bộ có chức vụ rất giàu mà không phải ai cũng giàu từ tiền sạch. Để không bị "soi", nhiều người tẩu tán tài sản bằng cách đứng tên hàng xóm, bạn bè, những người thân thiết?
Thực tế này là có thật và xảy ra rất nhiều trong thời gian qua. Luật Phòng, chống tham nhũng lần này cũng nhằm mục đích là xử lý cho được việc lẩn tránh kê khai tài sản, hoặc quan chức kê khai với cơ quan "rất nghèo".
Nếu dự thảo lần này yêu cầu kê khai tài sản ngay từ ban đầu, kiểm soát từ khâu này và được kiểm tra giám sát hàng năm cho tới khi cán bộ được bầu giữ vị trí, chức danh thì tài sản của họ sẽ được tiếp tục giám sát minh bạch.
Tôi cho rằng đây là điểm rất tích cực và sẽ giải quyết được việc quan chức, cán bộ tẩu tán tài sản bằng cách đứng tên người này người kia.
- Theo ông, hướng bàn thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay có thể giải quyết cơ bản các vấn đề nổi cộm trong công tác phòng chống tham nhũng không?
Luật đưa ra bao giờ cũng mong muốn xử lý hết các vấn đề cán bộ không minh bạch, nhưng cố tình gian dối để tìm kẽ hở mà luồn lách thì luật không thể chi phối hết.
Theo tôi công tác phòng chống tham nhũng cần kết hợp hai yếu tố: luật và giáo dục đạo đức cán bộ.
Luật đã ban hành nhưng thực thi lại là chuyện khác. Luật có rồi mà công tác kiểm tra, thanh tra của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ sở không hiệu quả thì cũng không được. Thực tế này đã có, chúng ta có rất nhiều luật nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Ảnh: QUANG VINH
- Ông thấy công tác phòng chống tham nhũng hiện nay đang ở trạng thái nào?
Công tác này luôn được nhấn mạnh và đặt trọng tâm từ nhiều năm, nhiều nghị quyết, nhiều văn bản của Ban chấp hành Trung ương. Tuy nhiên hiệu quả chưa được như yêu cầu.
Thời gian gần đây công tác phòng chống tham nhũng theo tinh thần của Tổng bí thư đã trở nên thật sự nóng, nói cách khác là "lò" chống tham nhũng mà Tổng bí thư khởi xướng đang nóng hầm hập.
Trước đây chúng ta có thể nói là có vùng cấm, giơ cao đánh khẽ, nhưng bây giờ thì đánh không loại trừ một thành phần, vị trí nào.
- Vừa qua Trung ương có quyết định tăng thẩm quyền cho Uỷ ban Kiểm tra trong công tác phòng chống tham nhũng, theo ông quyết định này sẽ tác động như thế nào?
Trung ương đã đưa ra một quyết định theo tôi là rất cần thiết và hết sức quan trọng. Thời gian qua Uỷ ban Kiểm tra đã có quyền lực, nhưng quyền lực đó quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế về trách nhiệm và sức mạnh.
Quyết định của Bộ Chính trị một mặt là tăng cường quyền lực, mặt khác khẳng định vai trò của Uỷ ban Kiểm tra để đơn vị này thực hiện nhiệm vụ của mình hiệu quả hơn.
- Xin cám ơn ông!
"Cố chui sâu leo cao nhưng khi quy trách nhiệm thì lại co rụt"
Trao đổi bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói: "Hiện nay, sự năng động, tích cực của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã được thể hiện, nhưng lại có tình trạng trên nóng dưới lạnh. Việc khởi động chống tham nhũng thời gian qua chủ yếu xuất phát từ Trung ương, đứng đầu là Tổng bí thư, hăng hái, nói ít làm nhiều. Về quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng cũng rất xông xáo, kịp thời.
Nhưng đó chỉ là tình thế chứ không phải là một cơ chế vận hành chuẩn mực - nơi chức năng của ai, việc của ai thì người đó phải làm. Hiện Uỷ ban Kiểm tra trung ương phải kiểm tra vượt cấp, chứng tỏ hệ thống cấp dưới vận hành không tốt. Nguyên nhân là do bộ máy, người đứng đầu, nghĩa là các bí thư, chủ tịch, bộ trưởng.
Điều đó cho thấy, một là họ không đủ năng lực, hai là chây ì không chịu vào cuộc, ba là bị níu kéo bởi những lợi ích khác.
Gần đây, khi "lò" của Tổng bí thư càng nóng thì dường như trách nhiệm của người đứng đầu càng co lại, sợ liên luỵ, trách nhiệm. Cái đó rất nguy hiểm, làm cho tính liên thông, vận hành nhất quán xuyên suốt của hệ thống bị đình trệ.
Tôi cho rằng chất lượng cán bộ đứng đầu đang là vấn đề: Anh có nhiều thời gian để chui sâu leo cao nhưng đến lúc quy trách nhiệm thì anh co rụt lại. Đó là vấn đề cả về bản lĩnh và năng lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận