Các bác sĩ Viện Tim TP.HCM phẫu thuật tim cho một bệnh nhân ngày 31-8-2015 - Ảnh: L.TH.H. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-9, TS.BS Đỗ Quang Huân - giám đốc Viện Tim TP.HCM - cho biết hiện số người bị suy tim giai đoạn cuối cần ghép tim ở VN rất nhiều.
Với những bệnh nhân này, theo thống kê trên thế giới cứ 10 người thì có năm người chết trong vòng một năm. Trong tương lai, Viện Tim TP sẽ tiếp cận kỹ thuật mới để thực hiện ghép tim nhân tạo cho bệnh nhân VN.
Trước đó chiều 4-9, GS Alain Carpentier - chủ tịch Hiệp Hội Alain Carpentier, chuyên gia phẫu thuật tim, khoa phẫu thuật tim và ghép các cơ quan Bệnh viện Georges Pompidou, Pháp - đã giới thiệu về việc nghiên cứu và thay tim nhân tạo cho các bác sĩ của Viện Tim TP.HCM.
Theo GS Alain Carpentier, sau hơn 20 năm ông và các cộng sự thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm với sự hợp tác của các kỹ sư, các nhà toán học, đã tạo ra được trái tim nhân tạo có thể hoạt động giống như trái tim thực thụ của con người.
Đến nay GS đã thực hiện ghép tim nhân tạo cho ba bệnh nhân. Tháng 12-2013, bệnh nhân đầu tiên được ghép tim nhân tạo và sống được 74 ngày. Bệnh nhân thứ hai được ghép tim nhân tạo vào tháng 8-2014 và sống được 270 ngày.
Bệnh nhân thứ ba được ghép tim nhân tạo tháng 4-2015, đến nay đã sống được 147 ngày. Điều tuyệt vời là không có bệnh nhân nào bị tử vong trong lúc mổ ghép tim nhân tạo dù cả ba bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối này đều có áp lực phổi rất cao.
Sau mổ ghép tim nhân tạo, các bệnh nhân rất hài lòng và họ đều có cuộc sống chất lượng hơn so với lúc chưa được ghép.
Tuy nhiên, GS Alain Carpentier khẳng định việc thay tim nhân tạo cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối phải ưu tiên hàng đầu chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau ghép, nếu không sẽ không có ý nghĩa gì mà chỉ mang tính biểu diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận