04/04/2016 08:43 GMT+7

Nhiều bạn trẻ 16-17 tuổi sợ chích ngừa

LAN ANH - THÙY DƯƠNG (lananh@tuoitre.com.vn)
LAN ANH - THÙY DƯƠNG (lananh@tuoitre.com.vn)

TTO - Tính đến ngày 3-4, đã có 23 tỉnh thành triển khai tiêm văcxin sởi - rubella cho nhóm vị thành niên 16-17 tuổi.

Một học sinh nữ lớp 11 đang được tiêm văcxin sởi - rubella - Ảnh: Văn Khang
Một học sinh nữ lớp 11 đang được tiêm văcxin sởi - rubella - Ảnh: Văn Khang

Tuy chưa có tỉnh thành nào ghi nhận phản ứng sau tiêm, nhưng lác đác có những em bị phản ứng lo sợ tiêm chủng phải vào viện.

Rải rác có những em nhập viện do phản ứng lo sợ dây chuyền, xảy ra cả ở trước và sau tiêm văcxin này. Gần nhất là hôm 31-3 tại Hà Tĩnh, 2 nữ sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà đã vào viện sau tiêm do có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu... sau tiêm chủng.

Phản ứng lo sợ dây chuyền

Theo kế hoạch được ông Nguyễn Thanh Long - thứ trưởng Bộ Y tế - ký, đợt này có khoảng 3 triệu trẻ 16-17 tuổi được tiêm miễn phí văcxin ngừa sởi - rubella. Sở dĩ chọn tiêm chủng ở nhóm tuổi này, theo bà Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, là do thời gian cuối năm 2014 tới đầu 2015 đã có khoảng 20 triệu trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm chủng văcxin này, việc tiêm tiếp cho nhóm 16-17 tuổi để nối tiếp lứa tuổi được phòng bệnh.

“Dịch rubella xuất hiện rải rác hằng năm ở các khu công nghiệp, trường học, khu vực tập trung đông người. Tiêm ngừa ở lứa tuổi này để 1-2 năm tới khi các em vào đại học hoặc đi làm thì đã có miễn dịch phòng bệnh”- bà Hồng cho biết.

Văcxin sử dụng trong đợt tiêm chủng này là phần văcxin còn lại sau chiến dịch tiêm ngừa cho 20 triệu trẻ từ 1-14 tuổi, đến nay chưa ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên, so với các đợt tiêm chủng khác thì có hiện tượng trẻ xuất hiện phản ứng lo sợ dây chuyền.

“Phản ứng này thường gặp ở nhóm trẻ lớn, có em lo sợ, hồi hộp, toát mồ hôi, thậm chí có cháu lo quá còn ngất xỉu. Y khoa gọi đó là phản ứng lo sợ trước tổn thương, bởi có những trường hợp phản ứng lo sợ xuất hiện trước khi được tiêm”, bà Hồng cho biết.

Trong khi đó bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cũng nhận định những học sinh bị mệt mỏi, đau đầu... sau khi tiêm ngừa sởi - rubella chỉ là biểu hiện tâm lý sợ tiêm.

Theo bác sĩ Khanh, nếu có một học sinh biểu hiện mệt, mỏi, đau đầu... sau khi tiêm văcxin, nên tách học sinh đó ra một phòng riêng, thoáng. Chỉ cần đo huyết áp cho học sinh đó an tâm và giải thích đây chỉ là biểu hiện tâm lý, đồng thời cho học sinh uống một ly nước đường để bình tâm lại.

Còn nếu học sinh này vẫn ngồi chung với những học sinh khác thì biểu hiện tâm lý này sẽ “lây" sang những học sinh khác, làm các em khác cũng có biểu hiện giống như vậy.

Miễn dịch suốt đời

Theo Bộ Y tế, sáu tháng đầu năm 2015 (sau chiến dịch tiêm văcxin sởi - rubella cho trẻ 1-14 tuổi), số mắc sởi giảm 52 lần so với cùng kỳ 2014. Ba tháng đầu năm 2016, thống kê mới có dưới 10 ca mắc sởi và dưới 10 ca rubella, số mắc sởi tương đương 1/4 và số mắc rubella tương đương 1/18 so với cùng kỳ 2015.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, như vậy là chiến dịch tiêm chủng sởi - rubella cho 20 triệu trẻ trong năm 2014-2015 có hiệu quả.

“Nếu được tiêm chủng thì 95% người được tiêm có miễn dịch và miễn dịch này là miễn dịch suốt đời”- một đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết. Tuy nhiên theo vị này, để tránh các phản ứng lo sợ dây chuyền, các điểm tiêm chủng phải tổ chức tư vấn cho trẻ trước khi tiêm, tránh để các em căng thẳng và lo sợ, từ đó dẫn đến phản ứng lo sợ dây chuyền. Điều lo ngại nhất với bệnh rubella là nếu bệnh lây sang phụ nữ có thai sẽ dễ dẫn đến dị tật bẩm sinh ở thai nhi. “Nếu các em được tiêm đầy đủ trong đợt này, khoảng 5-10 năm tới khi các em gái bước vào tuổi làm mẹ sẽ giảm bớt được gánh nặng dị tật trẻ sơ sinh do mẹ nhiễm rubella trong thai kỳ”- bà Hồng đánh giá.

Thiếu nữ càng cần tiêm ngừa rubella

Một số bà mẹ đã gọi đến báo Tuổi Trẻ thắc mắc tại sao thời gian gần đây ngành y tế lại tổ chức chích văcxin ngừa sởi - rubella cho học sinh ở lứa tuổi 16-17.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết việc chích ngừa cho học sinh ở lứa tuổi 16-17 là chiến lược từ rất lâu của Bộ Y tế để thanh toán những bệnh do bà mẹ mắc rubella trong thai kỳ truyền sang con, tuy nhiên gần đây Bộ Y tế mới xin được số lượng văcxin này để tiêm ngừa miễn phí cho các học sinh.

Không chỉ những học sinh nữ cần được chích ngừa văcxin sởi - rubella để phòng ngừa rubella mà những học sinh nam cũng cần chích ngừa để không lây bệnh cho các bạn gái.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết theo chỉ đạo của Bộ Y tế, từ giữa tháng 3-2016 TP.HCM đã triển khai tiêm văcxin ngừa sởi - rubella cho học sinh 16-17 tuổi. Dự kiến đợt này TP sẽ tiêm khoảng 120.000 liều.

LAN ANH - THÙY DƯƠNG (lananh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên