02/10/2014 13:08 GMT+7

​Nhiệm vụ đặc biệt giữa Matxcơva

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Đầu thập niên 1990 trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, chế độ bảo quản tài liệu lưu trữ của Quốc tế Cộng sản và của Liên Xô có sự biến động.

Bà Nguyễn Thị Kỳ tại Matxcơva năm 1994 - Ảnh nhân vật cung cấp

Trong khi đó, khối tài liệu lưu trữ này có rất nhiều tài liệu mật liên quan đến cách mạng Việt Nam.

Thông tin đối ngoại thu thập về Hà Nội cho hay có tình trạng nhiều tổ chức và nhiều nước, đặc biệt là những nước lớn từng là đối thủ của Liên Xô, đã và đang bằng mọi cách để khai thác.

Và không loại trừ trong bối cảnh tranh tối tranh sáng chính trị lúc bấy giờ, nhiều tài liệu có khả năng được giải mật và đưa ra khỏi Matxcơva. Một nhiệm vụ đặc biệt đã được trung ương giao cho hai cán bộ lưu trữ Việt Nam.

Nhận lệnh trực tiếp từ Tổng bí thư

Hai cán bộ được giao nhiệm vụ đặc biệt nêu trên là ông Trần Văn Hùng - nguyên cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, nay đã mất, và bà Nguyễn Thị Kỳ - nguyên trưởng phòng khai thác tài liệu thuộc Cục Lưu trữ.

Bà Kỳ nhớ lại sau khi có thông tin từ Ban Đối ngoại trung ương Đảng liên quan đến khối tài liệu lưu trữ ở Matxcơva, cục trưởng Trần Văn Hùng lập tức đăng ký làm việc với Văn phòng Tổng bí thư để xin trực tiếp báo cáo tình hình khẩn với Tổng bí thư Đỗ Mười.

Vấn đề Cục Lưu trữ nêu ra được tổng bí thư hết sức quan tâm, và ông trực tiếp giao nhiệm vụ: Cục Lưu trữ phối hợp với Ban Đối ngoại trung ương phải nhanh chóng đến Maxcơva để tìm hiểu thực tế và bắt tay ngay vào khai thác tài liệu lưu trữ.

Tổng bí thư còn dặn dò nên tập trung khai thác những danh mục tài liệu nào cũng như đảm bảo bí mật cho chuyến công tác.

“Năm 1991, chuyến tiền trạm gồm đồng chí Trần Văn Hùng và một cán bộ của Ban Đối ngoại trung ương lên đường. Anh em trong cục không rõ vấn đề, tất cả đều ngạc nhiên có việc gì quan trọng đến mức đích thân cục trưởng phải đi công tác nước ngoài mà không phải là chuyên viên” - bà Kỳ kể.

Sau chuyến tiền trạm, từ năm 1991-1997 liên tục nhiều đoàn công tác khai thác tài liệu lưu trữ tại Maxcơva đã lên đường. Mỗi chuyến đi thường kéo dài ít nhất ba tháng, có những chuyến lên đến sáu tháng.

Để tiện cho công việc, hai chuyên gia VN này lấy danh nghĩa là cán bộ thuộc Cục Lưu trữ nhà nước. Theo đường ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cũng nhận được lệnh từ nhà gửi công văn đến các cơ quan có liên quan của Nga, đồng thời phối hợp và tạo điều kiện cho đoàn công tác.

Maxcơva không phải hoàn toàn xa lạ với bà Nguyễn Thị Kỳ. Nhiều năm trước, sau khi thi đại học đủ điểm nhận học bổng nước ngoài, bà đã đăng ký nguyện vọng đến Nga học ngành y dược.

“Tôi được xếp lớp học ngành y rồi, nhưng không hiểu như thế nào sau đó tổ chức lại gọi lên Maxcơva học lưu trữ. Đúng là số phận gắn tôi với nghề lưu trữ, cho nên khi trở lại Matxcơva để thực hiện nhiệm vụ vinh dự cấp trên giao thì trong tôi có rất nhiều cảm xúc” - bà Kỳ tâm sự.

Khai thác 20.000 trang tài liệu

Một điều thuận lợi cho các cán bộ lưu trữ từ Hà Nội sang là đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Hồ Huấn Nghiêm “rất say sưa với lịch sử”, như nhận xét của bà Kỳ.

Mỗi lần ông Hùng và bà Kỳ báo cáo công việc, đại sứ đều dành thời gian chăm chú lắng nghe và đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Đích thân đại sứ bằng vị thế và quan hệ ngoại giao của mình cũng vào cuộc để giúp các cán bộ khai thác tài liệu từ nhà sang.

Khai thác tài liệu đã là một câu chuyện dài với nhiều gian nan, vất vả, khó khăn, nhưng đưa tài liệu về nước như thế nào cũng không đơn giản. Chính vì vậy sự hỗ trợ của ngành ngoại giao là điều kiện không thể thiếu để các cán bộ lưu trữ hoàn thành sứ mạng của mình.

Một trong những văn bản thống kê tài liệu ảnh thu thập ở Nga năm 1993 được bà Kỳ lên danh mục để báo cáo - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phạm vi khai thác tài liệu lưu trữ được xác định không chỉ có lưu trữ Quốc tế Cộng sản mà cả lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô.

“Làm được thủ tục vào kho rồi, ngày nào chúng tôi cũng lăn ra làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Cho đến khi đường phố Matxcơva lên đèn chúng tôi mới rời khỏi kho lưu trữ.

Các kho không tập trung một chỗ mà nằm ở nhiều nơi khác nhau, có kho lưu trữ nằm tại ngoại ô, mỗi lần đi về tuyết rơi lạnh cóng” - bà Kỳ kể.

Tính riêng trong hai năm 1993-1994, đoàn công tác đã khai thác được 10.000 trang tài liệu. Đây là một nỗ lực lớn nếu không nói là “kỳ tích”, vì theo chế độ khai thác của nước Nga lúc này thì họ chỉ cấp “quota” tối đa cho mỗi đoàn nước ngoài khoảng 1.000 trang/năm.

Cũng theo quy định của Nga, người nước ngoài khi khai thác, sao chụp tài liệu trong kho thì mỗi trang tính phí là 1 USD. Để tiết kiệm ngân sách, ông Hùng và bà Kỳ đã đề nghị phía Nga cho khai thác, sao chụp với mức phí như của người Nga.

“Họ thấy mình vì công việc đất nước mà làm ngày làm đêm như vậy nên cũng chia sẻ. Tính ra chúng tôi khai thác 10.000 trang hết có 200 USD, như vậy là tiết kiệm được số tiền rất lớn so với giá trị lúc đó”.

Bà Kỳ kể tiếp: “Vào kho lưu trữ do Đảng Cộng sản Nga quản lý cũng gặp nhiều gian nan. Tôi phải bằng nhiều cách nhờ một cán bộ dẫn vào gặp tổng cục trưởng Tổng cục Lưu trữ Nga để trình bày.

Sau đó, họ cấp cho mình một cái thẻ ra vào và chỉ có giá trị mỗi tuần, tuần sau phải xin thẻ khác. Khi vào thì đứng ở cửa có người đón, khi về có người dẫn ra”.

Lần lượt đọc các tài liệu trong kho lưu trữ, chọn ra danh mục tài liệu cần thiết rồi đề nghị sao chụp. Từng ngày như thế, có lần một cán bộ lưu trữ của Nga thân mật nhận xét: “Kỳ ơi, chúng tôi không giấu được chị cái gì”.

Theo bà Kỳ, bí quyết quan trọng để khai thác được các tài liệu quý hiếm là phải có thông tin tổng hợp và biết cách phân tích, ví dụ như phòng lưu trữ Quốc tế Cộng sản thì sẽ liên quan đến cách mạng Việt Nam như thế nào, tài liệu quý hiếm sẽ nằm ở đâu?

“Ngoài công văn, giấy tờ, sự giúp đỡ của đại sứ quán, bản thân chúng tôi phải làm ngoại giao để họ giúp đỡ mình. Có khi họ tự mách đâu là tài liệu về Việt Nam.

Tình cảm được xây dựng qua thời gian, chúng tôi đến thăm nhà cán bộ lưu trữ của bạn rồi tặng quà, rồi làm nem, quay gà mang đến cùng ăn. Sau này khi tôi với anh Hùng về họ tiễn, và tất cả đều xúc động rơi nước mắt”.

Từ năm 1993-1997, tổng số tài liệu ông Hùng và bà Kỳ khai thác được khoảng 20.000 trang, tất cả đều là tài liệu quý hiếm liên quan đến cách mạng VN và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

“Tôi nhớ mãi có một tài liệu của Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản, nhắc đến thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây, tài liệu này nói rằng Nguyễn Ái Quốc thường xuyên dành thời gian đọc sách, họ dùng từ tiếng Nga là “rất thích đọc sách, dành nhiều thời gian đọc sách và đọc nghiến ngấu các sách” - bà Kỳ kể.

_____________

Kỳ tới: Những bí mật thiêng liêng

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên