30/09/2014 15:55 GMT+7

Giải mã tài liệu Trung ương Đảng: Tiếp cận kho lưu trữ

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Thời gian không phủ bụi mờ và không làm quên lãng lịch sử. Ngược lại, thời gian đã giúp công chúng tiếp cận nhiều hơn, đầy đủ hơn với thông tin của những thời đã qua.

Một góc kho lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng -  Ảnh tư liệu Văn phòng Trung ương Đảng
Một góc kho lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh tư liệu Văn phòng Trung ương Đảng

 

 

Đó là câu chuyện về việc bạch hóa khối tài liệu mật trong kho lưu trữ Trung ương Đảng.

Phố Nguyễn Cảnh Chân rợp bóng cây ở Hà Nội được kiểm soát an ninh chặt chẽ. Nơi đây đặt trụ sở làm việc nhiều cơ quan quan trọng của đất nước, trong đó có Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Gìn giữ tài liệu từ những ngày đầu

Ông Nguyễn Văn Lanh - nguyên cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, hiện là chuyên gia cao cấp của Cục Lưu trữ - cho biết những nền móng đầu tiên của kho tài liệu lưu trữ hôm nay được xây dựng từ những ngày Trung ương Đảng còn ở chiến khu Việt Bắc.

Đầu năm 1946, giữa lúc chính quyền cách mạng non trẻ đang bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ký một thông đạt (một loại văn bản truyền đạt thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ lúc bấy giờ) về việc giữ gìn và cấm tiêu hủy công văn, hồ sơ cũ.

Đây là văn bản đầu tiên về công tác lưu trữ của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với nội dung hết sức ngắn gọn, súc tích: “Tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia... Các ông bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các sở phải gìn giữ tất cả công văn, tài liệu và cấm không được hủy bỏ những công văn, tài liệu ấy, nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ”.

Theo tinh thần chỉ đạo của thông đạt trên, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến, các cơ quan phải sơ tán, tài liệu phải cất giấu nhiều nơi nhưng nhiều thành phần tài liệu của Đảng và Nhà nước vẫn được giữ gìn và bảo quản an toàn.

Sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc năm 1954 và sau này là thống nhất đất nước năm 1975, các khối tài liệu đã được đưa từ chiến khu Việt Bắc, từ chiến trường miền Trung, miền Nam về thủ đô Hà Nội rồi chỉnh lý, sắp xếp thành từng phông, từng sưu tập để bảo quản và phục vụ khai thác.

Ngoài ra, trong kho lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng cũng bảo quản khối tài liệu của sở mật thám Pháp nói riêng và tài liệu thời kỳ Pháp cai trị Đông Dương nói chung.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, tỉ lệ tài liệu đóng dấu mật chiếm khoảng 8-12% tổng số tài liệu trong kho lưu trữ.

Ngoài thành phần tài liệu mật có ở hầu hết các khối, trong kho còn có một bộ phận tài liệu được quản lý và bảo quản theo chế độ “lưu mật”. Đối với nhóm tài liệu này, việc quản lý, bảo quản và phục vụ khai thác được thực hiện theo quy chế riêng.

Ông Lanh nói: “Thậm chí lưu theo chế độ nguyên phong bì, chỉ những lãnh đạo có trách nhiệm mới được tiếp cận”.

Bên cạnh các loại văn bản giấy, tài liệu trong kho còn có nhiều định dạng khác như ghi âm, hình ảnh.

Giải thích nguồn gốc của các tài liệu này, ông Lanh cho hay các phiên họp của đại hội Đảng toàn quốc, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư... tùy theo tính chất và nội dung của mỗi cuộc họp mà được quay phim hoặc ghi âm để phục vụ công tác lập biên bản và lưu trữ.

Tất nhiên, khi nội dung thảo luận thuộc diện không phổ biến ra ngoài thì băng ghi âm bảo quản theo chế độ mật.

Ông Nguyễn Văn Lanh, nguyên cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh: V.V.T.
Ông Nguyễn Văn Lanh, nguyên cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh: V.V.T.

Làm sáng tỏ lịch sử

Ông Phan Diễn - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư trung ương - cho biết tài liệu lưu trữ nói chung, trong đó có các tài liệu mật, không phải đưa vào kho rồi “cửa đóng then cài” bất di bất dịch, mà thường xuyên được sử dụng để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề quốc kế dân sinh của trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

“Tài liệu lưu trữ mật cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng trong lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, đồng thời góp phần quan trọng trong công tác tư tưởng, củng cố đoàn kết nội bộ. Có những sự kiện để chứng minh mức độ chính xác bằng văn bản chưa đủ, khi sử dụng đến băng ghi âm người thật, việc thật thì mọi việc liên quan trở nên rất rõ ràng” - ông Phan Diễn nói.

Trầm ngâm hồi lâu khi nhớ lại những trường hợp phải sử dụng tài liệu lưu trữ mật để giải quyết, rồi ông Phan Diễn nhắc đến việc từng có một cuốn hồi ký chứa đựng nội dung liên quan đến hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo các cấp đương chức hoặc đã nghỉ hưu, có người đã qua đời. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong hồi ký không đúng. Trong khi đó dư luận rất quan tâm, nhiều nơi gửi thư, điện hỏi lãnh đạo trung ương.

Làm thế nào để đính chính những thông tin không đúng được nêu trong hồi ký đó đây? Lúc bấy giờ, cấp có thẩm quyền đã yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng tìm lại các văn bản gốc có liên quan để chứng minh sự thật. Tuy nhiên, người viết hồi ký chưa chịu nghe với lập luận rằng các biên bản được ghi tốc ký nên có thể không hoàn toàn trung thực.

“Vậy là chúng tôi yêu cầu cung cấp băng ghi âm. Tôi nghe băng ghi âm và yêu cầu gõ ra nguyên văn, rồi công bố những bằng chứng đó để thấy rằng bản chất vấn đề không đúng với nội dung trong hồi ký” - ông Phan Diễn nhớ lại.

Nhiều năm làm công tác tổ chức, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, nguyên trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương - cũng cho biết dựa trên tài liệu lưu trữ đã giúp cho các quyết định liên quan đến nhân sự nói chung chính xác hơn, việc chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng, nhân sự Quốc hội của nhiều khóa chu đáo hơn.

Theo ông Hương, có trường hợp mà công việc bảo vệ chính trị nội bộ ông được giao tưởng như “nhiệm vụ bất khả thi”, vì không những liên quan đến một số nhân sự mà còn rất khó có tài liệu chứng minh vì vụ việc đã xảy ra từ lâu.

Tuy nhiên khi lục tìm trong kho lưu trữ thì ra được hồ sơ “giấy trắng mực đen” mà nhân vật có liên quan buộc phải thừa nhận việc làm của mình trong quá khứ.

Ông Nguyễn Văn Lanh không giấu niềm vui khi nói rằng có thời kỳ tài liệu lưu trữ chưa được coi trọng đúng mức, nhưng theo thời gian thì nhận thức đó đã hoàn toàn thay đổi.

“Có những đồng chí cán bộ trung ương khi về địa phương nhận nhiệm vụ đã mang theo thói quen sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ công việc. Ví dụ đồng chí Lê Huy Ngọ (nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trong thời gian về làm bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, mỗi khi Ban thường vụ Tỉnh ủy họp bàn công việc, đồng chí đều yêu cầu văn phòng chuẩn bị bộ hồ sơ với nội dung các khóa lãnh đạo trước đây đã bàn bạc về chủ đề đó như thế nào” - ông Lanh nói.

Hiện nay kho lưu trữ Trung ương Đảng đang bảo quản hơn 100 phông và sưu tập tài liệu lưu trữ với hơn 5.000m giá tài liệu.

Để tiếp tục bảo quản tốt nhất có thể các loại tài liệu có định dạng khác nhau, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng đã được đầu tư hệ thống kho lưu trữ chuyên dụng hiện đại và hệ thống này đi vào hoạt động từ năm 2001.

Hiện nay, Cục Lưu trữ cũng đang triển khai dự án bảo hiểm tài liệu kho lưu trữ Trung ương Đảng bằng công nghệ số và microfilm để thực hiện từ năm 2014-2020 và dự án xây dựng kho lưu trữ điện tử.

Đây được xem là những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với công tác lưu trữ của Đảng cả trong hiện tại và tương lai, quyết định đến việc giữ gìn, bảo quản tuyệt đối an toàn và phát huy có hiệu quả nhất giá trị tài liệu kho lưu trữ Trung ương Đảng.

______________

Kỳ tới: Không điều gì bị lãng quên

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên