15/02/2021 16:51 GMT+7

Nhiễm lần hai với biến thể Nam Phi, bệnh có thể nặng hơn

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Lần đầu tiên một ca tái nhiễm nghiêm trọng với biến thể virus corona mới từ Nam Phi đã được ghi nhận ở Pháp. Các nhà khoa học nghi ngờ khả năng miễn dịch của cơ thể sau lần đầu đã chịu thua biến thể mới.

Nhiễm lần hai với biến thể Nam Phi, bệnh có thể nặng hơn - Ảnh 1.

Kỹ thuật viên giải trình tự gene các biến thể virus SARS-CoV-2 ở Viện Pasteur Paris ngày 21-1 - Ảnh: AFP

Nhóm nghiên cứu y học tại Bệnh viện Louis-Mourier (Pháp) do GS Jean-Damien Ricard đứng đầu vừa công bố một ca điển hình đã nhiễm COVID-19 lần đầu với virus SARS-CoV-2 thông thường, sau đó nhiễm lần hai với biến thể mới từ Nam Phi ở mức nghiêm trọng.

Nghiên cứu mới đã được đăng trên tạp chí khoa học Clinical Infectious Diseases (Anh) hôm 10-2.

Ca tái nhiễm xảy ra như thế nào?

Các tác giả nghiên cứu nhận xét trên Đài France Info: "Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là lần mô tả đầu tiên về ca tái nhiễm biến thể mới từ Nam Phi ở mức nghiêm trọng 4 tháng sau lần mắc COVID-19 đầu tiên ở mức nhẹ".

Tháng 9-2020, một người đàn ông 58 tuổi có tiền sử hen suyễn bị sốt và khó thở ở mức trung bình. Kết quả xét nghiệm PCR xác nhận người này mắc COVID-19.

Vài ngày sau, các triệu chứng bệnh biến mất. Bệnh nhân có hai lần xét nghiệm âm tính trong tháng 12-2020.

Đến tháng 1-2021, ông này được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Louis-Mourier ở Colombes (tỉnh Hauts-de-Seine) do khó thở và sốt.

Xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính. Kết quả giải trình tự gene tiếp theo cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể mới 501.V2 từ Nam Phi. Bảy ngày sau, bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tính cần đặt nội khí quản và dùng máy thở.

Nhiễm lần hai với biến thể Nam Phi, bệnh có thể nặng hơn - Ảnh 2.

GS Jean-Damien Ricard (trái) - Ảnh: TWITTER

Khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu sau khi nhiễm?

Khi bệnh nhân nhập viện lần hai, kết quả xét nghiệm huyết thanh đã phát hiện có kháng thể trong người bệnh nhân.

Cơ quan Y tế công cộng - các bệnh viện Paris (AP-HP) - cơ quan chủ quản của Bệnh viện Louis-Mourier, nhận định: "Khả năng miễn dịch hình thành sau lần nhiễm COVID-19 đầu tiên không thể ngăn chặn tái nhiễm biến thể mới từ Nam Phi".

AP-HP giải thích: "Loại virus gây nhiễm lần đầu không được giải trình tự gene. Song lần nhiễm đầu xảy ra một tháng trước khi có mô tả đầu tiên về biến thể mới từ Nam Phi và ba tháng trước khi có báo cáo đầu tiên về biến thể mới từ Nam Phi xuất hiện ở Pháp".

Do đó, AP-HP loại trừ khả năng virus gây nhiễm lần đầu là biến thể mới từ Nam Phi.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) đăng trên bản in trước vào tháng 1-2021, kết quả khảo sát các y bác sĩ Anh cho thấy thời gian miễn dịch trung bình giữa lần nhiễm đầu tiên với lần tái nhiễm là hơn 160 ngày (5 tháng).

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Qatar lại kết luận khả năng miễn dịch tự nhiên kéo dài khoảng 7 tháng với hiệu quả khoảng 95%.

Nhiễm lần hai với biến thể Nam Phi, bệnh có thể nặng hơn - Ảnh 3.

Bệnh viện Louis-Mourier - Ảnh: actu.fr

Tái nhiễm có thể dẫn đến mắc bệnh nghiêm trọng hơn không?

Nghiên cứu của AP-HP cho thấy tái nhiễm một biến thể virus mới có thể dẫn đến mắc COVID-19 ở mức nghiêm trọng hơn.

Nhà virus học Julian Tang ở Đại học Leicester (Anh) nhận xét trên báo The Guardian: "Có thể nhiều người có phản ứng khác nhau với vấn đề tái nhiễm tùy thuộc phản ứng miễn dịch đối với lần nhiễm đầu tiên".

Đến nay, thực tế cho thấy hầu hết các ca tái nhiễm đều ít nghiêm trọng hơn lần nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng Anh ghi nhận 1/3 số người mắc COVID-19 lần hai bộc lộ triệu chứng trong khi đến 78% số người nhiễm lần đầu đã bộc lộ triệu chứng.

Các biến thể mới dẫn đến tái nhiễm nhiều hơn không?

Chắc chắn các biến thể mới của SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn. Riêng đối với biến thể mới từ Nam Phi, các nhà khoa học lo ngại biến thể này không chỉ làm giảm hiệu quả của vắc xin mà còn chống lại khả năng miễn dịch tự nhiên có được sau khi nhiễm.

Ví dụ tiêu biểu đã xảy ra ở Manaus (Brazil). 3/4 dân số Manaus mắc COVID-19 vào tháng 10-2020 nhưng số ca người nhập viện vẫn tăng mạnh vào tháng 1-2021. Nguyên nhân có thể do các biến thể virus mới.

GS dịch tễ học Arnaud Fontanet - thành viên Hội đồng Khoa học COVID-19 Pháp - cảnh báo: "Biến thể có thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch dù phản ứng miễn dịch đã hình thành sau khi bị nhiễm hoặc sau khi tiêm chủng".

GS Jean-Damien Ricard lo ngại: "Đây là lần đầu tiên có mô tả ca tái nhiễm nghiêm trọng với một chủng virus khác với chủng virus lần nhiễm đầu". Ông cho biết phác đồ điều trị cho ca tái nhiễm nghiêm trọng vẫn như các dạng COVID-19 nghiêm trọng khác.

Thêm 1 người Nhật Bản tại Hà Nội nhiễm COVID-19, làm chung công ty bệnh nhân 2229 Thêm 1 người Nhật Bản tại Hà Nội nhiễm COVID-19, làm chung công ty bệnh nhân 2229

TTO - Sở Y tế Hà Nội vừa thông báo ca bệnh COVID-19 thứ 35 tính từ ngày 27-1, bệnh nhân người Nhật cùng làm công ty, cùng dự cuộc họp ngày 2-2 với bệnh nhân mới qua đời.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên