11/07/2012 14:32 GMT+7

Nhật phản đối Trung Quốc đưa tàu đến đảo tranh chấp

NGUYÊN PHẠM (Theo AFP, Kyodo, Reuters)
NGUYÊN PHẠM (Theo AFP, Kyodo, Reuters)

TTO - Ngày 11-7, Nhật lên tiếng phản đối việc ba tàu tuần tra Trung Quốc xuất hiện gần vùng quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, vốn được biết đến với tên Senkaku theo tiếng Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc.

Mtxv7GBt.jpgPhóng to

Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản có mặt tại gần vùng đảo tranh chấp - Ảnh: AFP

Theo Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, ba tàu Trung Quốc mang số hiệu Yuzheng 35001, Yuzheng 204 và Yuzheng 202 đã đi vào hải phận gần các quần đảo tranh chấp vào sáng sớm hôm nay.

Tính đến khoảng 10g30 sáng theo giờ địa phương, ba tàu trên đã rời đi nhưng hai trong số ba chiếc lượn lờ ở vùng lãnh hải liền kề quần đảo.

Tân Hoa xã đưa tin ba tàu tuần tra này “đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản trong vùng kinh tế đặc quyền Trung Quốc”, và liên tục nhấn mạnh rằng quần đảo cũng như những vùng lãnh hải xung quanh thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ của hai nước láng giềng Nhật - Trung đang hết sức căng thẳng vì tranh chấp quyền làm chủ quần đảo, vốn nằm trong vùng biển giàu hải sản và có thể chứa trữ lượng khoáng sản giá trị.

Chính quyền Tokyo cho hay họ đã quyên góp được 1,3 tỉ yen (16,3 triệu USD) để mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc Senkaku từ các chủ sở hữu tư nhân và quốc hữu hóa nó.

Bắc Kinh đã kịch liệt phản đối kế hoạch này và cho rằng Tokyo không có quyền mua lại các hòn đảo.

Dự kiến bộ trưởng ngoại giao hai nước sẽ có cuộc gặp gỡ bên lề Diễn đàn Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) tại Phnom Penh (Campuchia) ngày hôm nay để thảo luận về vấn đề này.

Trong diễn biến có liên quan, mới đây một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản nếu quần đảo Senkaku bị tấn công.

Lý do được vị quan chức này đưa ra là bởi Senkaku “nằm trong phạm vi Điều 5 của Hiệp ước hợp tác và an ninh song phương Nhật - Mỹ 1960 vì Chính phủ Nhật Bản đã nắm giữ quyền kiểm soát hành chính hòn đảo kể từ khi tiếp nhận toàn bộ (tỉnh cực nam) Okinawa từ phía Mỹ năm 1972”.

Điều 5 của hiệp ước quy định “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào phần lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh chung. Mỗi bên sẽ hành động chống lại mối nguy hiểm chung theo đúng các điều khoản hiến pháp".

Tuy lên tiếng bảo vệ Nhật nhưng quan chức Mỹ nói trên cũng nhấn mạnh rằng những bên liên quan nên giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền “bằng phương thức hòa bình và chỉ trong nội bộ giữa họ”.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Mỹ nhắc đến Hiệp ước an ninh song phương với Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đưa ra ý tưởng mua lại các hòn đảo tranh chấp.

NGUYÊN PHẠM (Theo AFP, Kyodo, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên