10/10/2014 10:04 GMT+7

​Nhật - Mỹ bắt tay chặt hơn

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Nhật Bản và Mỹ vừa công bố báo cáo tạm thời về việc sửa đổi các nguyên tắc hướng dẫn hợp tác quốc phòng lần đầu tiên trong 17 năm qua nhằm mở rộng phạm vi hợp tác quân sự song phương.

Từ trái sang: Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng Nhật chung tay tại một cuộc gặp ở Tokyo - Ảnh: AFP
Từ trái sang: Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng Nhật chung tay tại một cuộc gặp ở Tokyo - Ảnh: AFP

Hãng Kyodo News đưa tin báo cáo hoàn tất tại cuộc họp của quan chức chính phủ cấp cao hai nước ở Tokyo, không đi vào chi tiết nhưng nói rằng việc sửa đổi phù hợp với việc Nhật Bản hồi tháng 7-2014 diễn giải lại hiến pháp về quyền phòng vệ chung cũng như “tính toàn cầu” trong quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ.

Theo ông Edouard Pflimlin - nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) của Pháp, yếu tố “không bị giới hạn về địa lý” là thay đổi căn bản so với các định hướng quan hệ quốc phòng hai nước được sửa đổi lần cuối vào năm 1997.

Các hướng dẫn sửa đổi khi đó nhằm đối phó với tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Nguyên tắc này giới hạn hợp tác quốc phòng giữa hai nước chỉ trong phạm vi khu vực quanh Nhật Bản.

Tính toàn cầu

Trung Quốc phản ứng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh sẽ theo dõi sát việc sửa đổi này.

“Quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ... không nên vượt quá phạm vi hợp tác song phương và không tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba, bao gồm Trung Quốc” - người phát ngôn Hồng Lỗi nói.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố bản sửa đổi nên thúc đẩy hòa bình và an ninh tại bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á và nhấn mạnh không nên để xảy ra hành động quân sự nào, dù là tự vệ chung, nếu Seoul không yêu cầu hoặc đồng ý.

Theo báo cáo mới, Tokyo và Washington sẽ tăng cường khả năng tương tác của các lực lượng để “đảm bảo hòa bình và an ninh của Nhật Bản trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong thời bình lẫn khi xảy ra các tình huống bất ngờ”.

Có những trường hợp “đòi hỏi các phản ứng nhanh và mạnh mẽ để đảm bảo an ninh và hòa bình của Nhật Bản” - báo cáo giải thích và nhấn mạnh việc mở rộng phạm vi hợp tác, loại bỏ các giới hạn địa lý giữa các lực lượng vũ trang hai nước và đảm bảo một phản ứng “liền mạch” trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi.

Tokyo và Washington cũng hi vọng sẽ tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh mới trong không gian và không gian mạng. Theo đó, hai nước sẽ có thể chia sẻ thông tin tình báo.

Các nguyên tắc chỉ đạo mới sẽ bao trùm các vấn đề về phòng thủ bằng tên lửa, thiết bị quân sự và an ninh hàng hải. Báo cáo cũng chỉ ra các lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong tương lai bao gồm do thám và trinh sát, hỗ trợ hậu cần và bảo vệ tài sản.

Điều này có nghĩa Nhật Bản có thể tham gia bảo vệ các tài sản của quân đội Mỹ, như tàu quân sự. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe giải thích rằng chẳng hạn Nhật có thể gửi tàu phá mìn đến eo biển Ormuz ở cửa ngõ vào vùng vịnh Persic nếu hoạt động nhập khẩu dầu bị quân sự của bên nào đó đe dọa.

Hai nước dự kiến sẽ đẩy mạnh việc sửa đổi để kịp hạn chót vào cuối năm nay và vạch chi tiết về vai trò, nhiệm vụ của Lực lượng phòng vệ (SDF) Nhật Bản và quân đội Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Akinori Eto cho biết Nhật Bản cũng sẽ chuẩn bị luật an ninh cần thiết cho việc thực hiện phòng vệ chung.

“Trước hết, chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý trong nước để có thể quyết định có nên gửi quân SDF hoặc thực hiện các bước khác hay không” - ông Eto cho biết. Theo Reuters, Tokyo và Washington cũng đang thảo luận không chính thức về việc nâng năng lực phòng vệ cho Nhật Bản, cho phép nước này mua những vũ khí như tên lửa có thể nhắm tới những mục tiêu bên ngoài biên giới.

Lo ngại Trung Quốc

Việc sửa đổi các hướng dẫn đưa ra giữa lúc các mối lo ngại ngày một tăng về những hoạt động của Trung Quốc trên các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản, các chương trình tên lửa và phát triển hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. “Nhật Bản không có cách nào hơn là tăng cường hợp tác với Mỹ để chuẩn bị cho sự trỗi dậy của Trung Quốc” - chuyên gia chính trị quốc tế Kazuya Sakamoto thuộc Đại học Osaka nhận định.

Nhưng không chỉ có Nhật được lợi. “Đối với Mỹ, việc sửa đổi nguyên tắc đúng với chiến lược tái cân bằng của cả Chính phủ Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - báo cáo viết. Cũng theo báo cáo này, hai nước sẽ khuyến khích hợp tác quốc phòng đa phương - chẳng hạn giữa Nhật, Mỹ và Hàn Quốc hoặc Nhật, Mỹ và Úc.

Nhật báo lớn của Nhật là tờ Yomiuri Shimbun tiết lộ: “Nhật sẽ thương thảo với Chính phủ Úc về xuất khẩu công nghệ tàu ngầm, kể cả các công nghệ hàng đầu đang được sử dụng trong các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật”. Vấn đề này sẽ được bàn thảo trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nhật Eto và Bộ trưởng quốc phòng Úc David Johnston trong tháng này tại Nhật.

Sau khi công bố báo cáo trên, Tokyo nay sẽ phải trấn an các láng giềng rằng việc mở rộng hợp tác quân sự Nhật - Mỹ sẽ hoàn toàn minh bạch. Các quan chức Mỹ trước đó đã thông báo cho Hàn Quốc, Trung Quốc và các chính phủ trong khu vực về kế hoạch sửa đổi nguyên tắc hướng dẫn hợp tác quốc phòng với Nhật Bản.

Tokyo cũng khẳng định sẽ không tham gia các cuộc xung đột lớn như chiến tranh vùng Vịnh hay tham gia đánh bom ở Trung Đông. Dù vậy, theo giới quan sát, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, buộc một số nước như Hàn Quốc rơi vào tình thế phải lựa chọn giữa Trung Quốc và liên minh Nhật - Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên