05/04/2020 14:28 GMT+7

Nhật ký mùa dịch: Tự hào khi em là vợ lính!

NGUYỄN THỊ HẰNG (Trường đại học Hà Tĩnh)
NGUYỄN THỊ HẰNG (Trường đại học Hà Tĩnh)

TTO - Bạn đọc Nguyễn Thị Hằng, công tác tại Trường đại học Hà Tĩnh, chia sẻ với 'Nhật ký mùa dịch' bức thư của người nữ giáo viên gửi cho chồng là chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ chống dịch nơi biên giới. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhật ký mùa dịch: Tự hào khi em là vợ lính! - Ảnh 1.

Chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu Na Mèo, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) chuẩn bị bữa ăn cho người Việt Nam từ Lào về ở trong khu cách ly tập trung tại đơn vị - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Gửi bố của con em!

Em ngồi viết thư cho bố khi con của chúng mình đang say giấc nồng. Trên tay con vẫn cầm điện thoại đang để chế độ mở hình ảnh của bố. Em bảo con tắt đi để ngủ nhưng con bảo "để dứa" (để rứa). Tối nào cũng vậy bố ạ, trước lúc ngủ con lại bảo mẹ mở xem hình của bố, rồi ôm điện thoại ngủ giống như là con đang ôm bố đấy. Mồi lần nhìn con như thế, sống mũi em lại thấy cay cay…

Đã gần một năm nay gia đình ta chưa được sum họp. Bố chờ phép, đang chuẩn bị tới đợt phép của bố thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. Mang trên mình màu áo xanh bộ đội, bố thuộc diện tuyến đầu chống dịch. Vậy là gác balô sang một bên cùng niềm nhớ thương vợ con quay quắt, bố của con em cùng bao đồng đội lại lao vào nhiệm vụ mới khi đơn vị được chọn là đơn vị cách ly tập trung đồng bào xa tổ quốc hồi hương.

Bố chẳng hề kể em nghe đơn vị bố (Tiểu đoàn 87, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không Không quân) ra dựng lán ở để nhường lại nhà cho bà con cách ly. Bố chẳng bao giờ thở than đói hay mệt khi cả đơn vị phải phục vụ mỗi bữa cơm hàng nghìn suất để rồi sau đó, 2h chiều, bố cùng đồng đội mới được ăn trưa và lại lăn xả vào chuẩn bị bữa tối.

Bố cũng không chịu nói với em rằng đơn vị bố đã phải vất vả như thế nào khi những ngày đầu, người đến cách ly không chịu hợp tác, gây khó dễ, rồi thì người thân của họ đến tiếp tế hàng ti tỉ thứ khiến cho mọi người phải khuân vác đồ tiếp tế mệt đến đứt hơi trong khi lán của bố và mọi người đến chiếc ghế ngồi cũng là khúc gỗ tạm bợ.

Bố chỉ chọn kể những câu chuyện hài hước dí dỏm để em nghe rồi cười ran dù trong lòng đau lắm, đau đến thắt ruột vì thương bố và các đồng chí bởi em biết thực tế không hề hài hước vui vẻ như lời bố kể thế, mà là nước mắt, là mồ hôi, là hi sinh của rất nhiều người. Em biết, ngoài kia, những thiên thần áo trắng đang ngày đêm đối mặt nguy hiểm túc trực sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Ngoài kia là những khó khăn, áp lực, hi sinh... mà bố và đồng đội trên cả nước đang phải gồng mình chiến đấu để giảm thiểu những thiệt hại đến mức thấp nhất do COVID-19 gây ra. Em hiểu hết và càng yêu nhiều hơn sự hi sinh trong thầm lặng của bố, bố ạ.

Em kể bố nghe nhé. Trong đại dịch này, đến Gấu nhà mình mới 2 tuổi cũng đã thuộc bài ca "rửa tay": "xoa trong, xoa ngoài, xoa cả 2 bên", "thêm xà phòng... đánh bay Cona"... thì đủ thấy đại dịch lần này nó có sức ảnh hưởng như thế nào rồi đấy.

Ở nhà, thực hiện lệnh cách ly xã hội, ông, bà, Gấu cứ đi ra rồi đi vào, không sang nhà hàng xóm như bình thường, cùng lắm là ra đường tí lại vào. Đúng là khó chịu lắm, nhưng vì để chiến thắng COVID-19 chúng ta thực hiện đúng chủ trương! Đến em tranh thủ thời gian ngoài giờ làm đi ship gạo (cung cấp nhu yếu phẩm để hỗ trợ mọi người hạn chế ra đường), mà bịt 2 khẩu trang, trùm kín, chỉ giao khi họ đứng cách mình 2m, không tháo khẩu trang, không tiếp xúc gần, họ đưa tiền xong, em sát khuẩn tay rồi tiếp tục chạy... Có dì vui lắm, hỏi em "cô có COVID-19 không?". Em nói: "Dì yên tâm, em tránh dì 2m, nhưng ai cũng có thể là đối tượng nghi nhiễm, Dì cứ đứng cách em tí nhé". Đấy nhiều chuyện cũng vui lắm.

Hôm bố báo không về thăm gia đình như kế hoạch được, em đã suýt giận bố rồi đấy. Bao nhiêu mong ngóng, hi vọng rồi thất vọng bao trùm lấy em. Nhưng rồi, xem tivi và đọc báo, thấy tuyến đầu chống dịch (trong đó có bố) sao mà vất vả quá, đáng thương quá, em đã gạt sự ích kỷ hẹp hòi của bản thân qua một bên để thấu hiểu và thương bố thêm. Đôi khi nghĩ mình thật ấu trĩ vì cứ vùng vằng giận dỗi, để vuột đi mất những thời gian quý báu của chúng ta.

Chú Thành (nguyên e trưởng của bố) từng nói với em "thời gian gần nhau không đủ, lấy đâu ra để con giận". Câu nói ấy cứ nhắc em suốt mỗi lần em có ý định giận bố. Em thường dạy con mình "bố con là người lính, là bộ đội, bố đi công tác xa nhà, con phải kiên cường nhé" và giờ Gấu nhớ bố là bộ đội, bố bắn súng và bố đi công tác... Mỗi khi nhìn trên tivi thấy người mặc quân phục Gấu lại tha thiết gọi "Bố ơi, Bố ơi..." làm em cũng nghẹn lòng.

Ba tháng qua, mọi người đã chung sức đồng lòng cùng nhau chống dịch. Bố hãy mạnh mẽ và kiên cường lên nhé, mẹ con em luôn là hậu phương vững chắc gửi niềm tin yêu tuyệt đối đến "tiền tuyến" là bố và các đồng đội. Em tin, rồi Tổ quốc sẽ bình yên, rồi đại dịch sẽ qua đi, rồi một ngày không xa chúng ta sẽ đoàn tụ!

Em tiết lộ một điều chưa bao giờ nói cho bố biết nhé: Em luôn tự hào khi em là vợ lính.

Mẹ con em yêu bố thật nhiều!!!

Mời bạn đọc chia sẻ Mời bạn đọc chia sẻ 'Nhật ký mùa dịch COVID-19'

TTO - Sinh hoạt của bạn có gì thay đổi? Bạn làm gì, giải trí như thế nào, sử dụng thời gian ra sao trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội theo khuyến cáo của Chính phủ? Hãy chia sẻ với "Nhật ký mùa dịch COVID-19" trên Tuổi Trẻ.

NGUYỄN THỊ HẰNG (Trường đại học Hà Tĩnh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên