02/08/2013 08:52 GMT+7

Nhật ký của một bác sĩ

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “N.T.H. (Thái Nguyên), tốt nghiệp ĐH Kinh tế, làm kế toán. Chồng làm nghề tự do. Khi biết nạn nhân được thưởng mấy triệu đồng, chồng đòi tiền đi mua áo da nhưng nạn nhân bảo con còn bé, để sang năm mua. Chồng chửi, bỏ nhà đi ra phố uống rượu say rồi về lấy con dao chém nạn nhân đứt mất cánh tay...”.

Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai”

SHVVwwCg.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết với cuốn nhật ký bạo hành - Ảnh: MY LĂNG

“T.K.Kh. (27 tuổi), lấy chồng năm 18 tuổi. Nạn nhân được bố đưa đến bệnh viện trong tình trạng bao bọc bởi bộ quần áo bộ đội của chính ông. Người bố nhìn bác sĩ như van xin hãy cứu lấy con gái của mình. Nạn nhân lấy chồng đã 8 năm và bị người chồng ham mê cờ bạc đánh không biết bao nhiêu lần. Hôm ấy, anh ta đòi tiền đi đánh bạc không được, đã lột hết quần áo vợ ra đánh đập. Anh ta còn bắt đứa con trai mới 7 tuổi gọi điện cho ông bà ngoại đến chứng kiến. Khi bố mẹ vợ vừa đến đầu ngõ đã thấy con rể bế con gái mình đang trần truồng vứt xuống ao...”.

Những nỗi đau trong cuốn sổ

Đó là hai trong số hơn 20.000 câu chuyện được bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết - giám đốc Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ (thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tại Gia Lâm, Hà Nội) - ghi lại. Mười năm làm việc tại trung tâm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết đã cẩn thận ghi chép lại từng trường hợp.

Anh đã có hơn 10 cuốn sổ nhật ký bệnh nhân như thế. “Tất cả nạn nhân của bạo lực gia đình đều là những mảnh đời không thể quên - bác sĩ Quyết tâm sự - Họ gặp tôi, khóc như chưa bao giờ được khóc, nói như chưa bao giờ được nói. Vì những người bị bạo hành không được lắng nghe, không được chia sẻ. Có người đến cứ nói liên tục 3-4 giờ. Một câu chuyện cứ tua đi tua lại. Tôi thường phải nấu mì gói ăn trưa, vừa ăn vừa nói chuyện tiếp với họ. Có người bị ức chế quá, bức xúc quá, văng tục, chửi bậy... Có những câu chuyện thật mà như bịa...”.

Những chuyện thật đến khó tin ấy đều nằm trong những cuốn nhật ký của bác sĩ Quyết. Đó là câu chuyện của một người vợ ở Hưng Yên, lấy chồng năm 21 tuổi, bây giờ mới 40 tuổi. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi đón dâu chị đã bị đánh. Mười mấy năm nay, sáng nào cũng phải chuẩn bị chậu thau, khăn mặt, đồ ăn sáng và chai rượu sẵn cho chồng. Người chồng không làm ra được một hào, suốt ngày rượu chè. Thế nhưng chỉ cần có một chút sơ suất gì là bị đánh. Gọi, trả lời chậm đã bị đánh. Mâm cơm thiếu thức ăn, bị đánh. Một mình chị gánh năm suất ăn: ba đứa con và hai vợ chồng. Một năm lo 20 lần cỗ cho nhà chồng. Chị đi nhặt sắt vụn, làm đồng...từ sáng đến tối. Từ ngày lấy chồng, chị chưa bao giờ được may cho mình một bộ quần áo mới, toàn là mặc quần áo của hàng xóm và người thân cho.

“Nhìn vào cái bếp đã biết đó là gia đình bị bạo lực. Những đứa trẻ con, trai thì lì lợm, thích đánh nhau; gái thì không thích tiếp xúc nhiều người, rất mặc cảm với xã hội, muốn được nghỉ học. Có cháu bé kể: 10 bữa thì 9 bữa bị bố chửi, xỉ vả, đạp đổ mâm cơm. Những đứa trẻ sống trong gia đình có bạo hành thường mặc cảm, không dám nghĩ về tương lai. Xã hội không phát triển với những đứa trẻ như thế”. Nguyễn Ngọc Quyết

Hay như câu chuyện dưới đây của một phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội, xảy ra vào năm 2003: nạn nhân đến bệnh viện trong tình trạng đói lả, hoảng loạn. Chị đã được người dân phá cửa giải cứu sau mấy ngày bị chồng trói trong nhà. “Khi nhìn thấy bệnh nhân, chúng tôi ai cũng xót xa, thương cảm. Nếu cẳng chân trái của cô ấy mà che trên che dưới bảo đoán là cái gì, không ai biết đó là cái gì. Cẳng chân trái bị đánh đến gãy bốn lần. Ngày xưa phẫu thuật chỉnh hình chưa tốt nên vết khâu nhằng nhịt loằng ngoằng biến dạng. Chị có hai con gái. Chồng trăng hoa, đem người tình về ngủ chung giường với vợ. Cuộc tình tay ba trên giường như thế cứ kéo dài nhiều năm”, bác sĩ Quyết trầm giọng kể.

Rồi anh bậm môi, nhíu mày, thở dài khi nhắc đến câu chuyện về khách hàng từng là một nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh kết thúc, cô về quê lấy chồng, bị bạo hành gia đình đến mức phải vào viện điều trị rồi đến trung tâm xin tư vấn. Người chồng làm trong ngành nghệ thuật nhưng lại ghen tuông bệnh hoạn. Anh ta đã lén lấy ớt cay xát vào quần lót của vợ khiến chị bỏng rát, đau đớn, phải ngâm người trong chậu nước hai giờ. Mãi sau này người vợ mới phát hiện khi nhìn thấy mấy hạt ớt còn sót lại trong đáy quần lót. Có lần, người chồng vì ghen đã viết tên vợ và tên người đàn ông tình nghi lên giấy, lập bàn thờ, mua chuối thắp hương làm sớ tế sống hai cái tên! Không ít lần anh ta còn vác dao lên gác, phá cửa xông vào phòng vợ. Thần kinh chị luôn hoảng loạn, ngủ cũng thấp tha thấp thỏm. 60 tuổi, 20 năm sống trong cảnh bị chồng hành hạ, ngược đãi. “Tôi nhớ mãi câu nói của người phụ nữ ấy: chiến tranh bom đạn, từng sốt rét, côn trùng, B52... nhưng nghĩ lại thấy không sợ bằng bạo lực gia đình bởi phải ăn với địch, ngủ và hầu hạ địch nhưng vẫn bị địch đánh” - bác sĩ Quyết chia sẻ.

Đừng đổ lỗi cho số phận

Giám đốc Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ cho biết thêm: “Quan hệ xảy ra bạo lực gia đình ở nông thôn rất đơn giản: sáng chửi, chiều đánh, tối vẫn ngủ với nhau bình thường. Nhưng tại thành thị thì phức tạp hơn nhiều. Ở thành phố, bạo lực về tinh thần nhiều hơn nông thôn (60-70%). Bạo hành tinh thần rất đa dạng: không nói chuyện với nhau, muốn nói gì thì thông qua con cái, bố mẹ, ôsin, tờ giấy... Bạo lực gia đình rất phức tạp nên người phụ nữ tâm lý cũng rất phức tạp. Có người đau không thể kể ra được, im lặng, câm nín. Bạo lực về tinh thần và tình dục càng khó nói. Có người bị chồng bắt quỳ mỗi đêm, bị chồng bắt phải làm theo các hành động trong phim sex. Càng trí thức càng khó nói. Có người bị các dạng bạo lực kết hợp nhau: tinh thần, thể xác. Bạo lực về kinh tế ít gặp hơn nhưng ai đã bị bạo lực kinh tế thì kinh khủng”.

Câu hỏi đặt ra là: đã ở thế kỷ 21, có người là giám đốc, trí thức, doanh nhân, giàu có, rất hiểu biết nhưng tại sao vẫn cam chịu? Ngày nay, đa số các cặp vợ chồng đến với nhau là tự nguyện, có trình độ văn hóa nhưng tại sao bạo lực gia đình vẫn tồn tại?

“Nguyên nhân chính là người đàn ông tự cho mình cái quyền có chữ tôi nhiều quá - bác sĩ Quyết nhận định - Cái tôi của người đàn ông cứ phồng lên to tướng. Mà nhận thức của nhiều phụ nữ vẫn còn hạn chế, cứ nghĩ chồng không cho bỏ thì mình không bỏ được hoặc cho rằng đó là số phận nên phải chấp nhận. Nhiều phụ nữ vẫn giữ nếp nghĩ lạc hậu: lấy chồng phải theo chồng, nếu bỏ chồng sẽ bị người đời chê cười. Họ đang thiếu niềm tin và tự ràng buộc bởi những định kiến do số phận, kể cả người trí thức, luôn luôn đổ lỗi cho thế lực vô hình chứ không biết mình có thể thoát ra khỏi tình trạng đó. Với người trí thức thì địa vị xã hội, sợ ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của gia đình, sợ cảnh con cái sống thiếu tình cảm bố mẹ... nên cam chịu. Một nữ bác sĩ, một cô giáo, có khi là giảng viên một trường ĐH lớn... bị chồng bạo hành nhưng vẫn âm thầm chịu đựng. Có những người phụ nữ chịu đựng 20 năm, 30 năm. Số này chiếm 25-30% khách hàng, trong đó 10-15% có dấu hiệu rối loạn tâm thần”.

Ông Quyết cho biết thêm: “Phụ nữ VN tính vị tha rất cao, luôn tạo cơ hội cho chồng sửa đổi. Họ thay đổi thái độ rất nhanh, vừa hôm trước muốn chúng tôi phải nhanh chóng can thiệp gì đó để trừng phạt người chồng thì hôm sau đã thay đổi thái độ. Người ta khi đến với chúng tôi cứ bị luẩn quẩn, chúng tôi phải giúp họ thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Có người không cam chịu nhưng cứ trì hoãn hết lần này đến lần khác cơ hội giải thoát cho mình. Rồi thời gian cứ lần lữa trôi đi, họ trở nên cam chịu lúc nào cũng không biết dù người ta sẵn lòng từ bỏ. Khi người ta không còn cam chịu được nữa thì tuổi xuân không còn, con cái trưởng thành chuẩn bị lấy vợ lấy chồng. Lại vì con cái. Đó là một vòng xoáy”.

_____________

Kỳ tới: 12 năm sống trong sợ hãi

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên