19/10/2015 18:08 GMT+7

​Nhật Bản nổi giận với UNESCO về tài liệu vụ Nam Kinh

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Nhật Bản có thể sẽ cắt tài trợ cho UNESCO sau khi tổ chức này quyết định đưa các tài liệu liên quan tới vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 vào chương trình “Ký ức thế giới”.

Nhật Bản đe dọa cắt tài trợ cho UNESCO - Ảnh: DW

Theo đài DW (Đức), chiến dịch phản đối của Nhật Bản với Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) về vấn đề này đang tăng nhiệt khi dư luận trong nước kêu gọi Chính phủ Nhật cắt khoản tiền tài trợ cho tổ chức này.

Năm 2014, Nhật Bản đóng góp cho UNESCO 31 triệu USD và là nước có đóng góp tài chính lớn thứ hai cho UNESCO.

Ngày 12-10, ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, úp mở về khả năng Nhật Bản có thể cắt giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn khoản hỗ trợ tài chính cho UNESCO sau khi Trung Quốc thuyết phục thành công tổ chức này liệt kê các tài liệu, hình ảnh và những thước phim liên quan tới vụ tấn công thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) năm 1937 của quân đội thiên hoàng Nhật Bản vào chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

“Tài liệu về vụ thảm sát Nam Kinh” còn có cả biên bản của Tòa án quân sự quốc tế vùng Viễn Đông. Trong đó, rất nhiều tướng lĩnh quân đội Nhật Bản bị kết án vì những tội ác chiến tranh đã gây ra.

Phía Trung Quốc cho rằng có 300.000 người Trung Quốc thiệt mạng trong vụ thảm sát của quân đội thiên hoàng Nhật Bản, phần lớn trong đó là dân thường.

Các đánh giá thương vong độc lập khác cho biết số người chết trong vụ thảm sát Nam Kinh nằm trong khoảng từ 20.000-200.000 người.

Mặc dù phía Nhật Bản thừa nhận việc có thường dân bị thiệt mạng trong vụ thảm sát và cũng xảy ra tình trạng cướp bóc, nhưng họ cực lực phản đối các con số thống kê thương vong mà phía Trung Quốc đưa ra. Nhật Bản cũng bức xúc về việc các tài liệu liên quan tới vụ việc do Bắc Kinh gửi lên UNESCO đã không được các chuyên gia bên ngoài thẩm định.

Tại cuộc họp báo, ông Suga nói: “Tính xác thực của những tài liệu này vẫn chưa được các chuyên gia kiểm định. Nước chúng tôi kiên quyết yêu cầu phải có sự công bằng và minh bạch trong hệ thống kiểm định tư liệu của chương trình này (Ký ức thế giới) để nó không bị lợi dụng cho các mục đích chính trị”.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên