Người "tay ngang" dễ dàng hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng tại cơ sở làm đẹp trái phép - Ảnh: THU HIẾN
Trong vòng sáu tháng Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) tiếp nhận tới sáu ca bị tai biến mù mắt hoặc hoại tử da do tiêm filler. Ai chịu trách nhiệm quản lý, giám sát với "lỗ hổng chết người" này?
Cơ sở "chui" và cấp phép đều tai biến
Ước tính từ năm 2018 đến nay tại Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội) có ít nhất bốn phụ nữ Việt Nam bị mù mắt sau tiêm filler. Theo đó có nhiều ca cấp cứu biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ trong tình trạng tai biến khá nghiêm trọng như thủng lỗ trên môi, tạo đầy mủ ở mũi, sưng nề, dịch tiết ở da... Đặc biệt, trong tháng 7-2019, có một phụ nữ 32 tuổi (Hà Nội) chỉ sau 4 ngày tiêm filler, ngực bên phải xuất hiện lỗ rò, chảy nhiều dịch mủ, buộc nhân viên y tế phải nặn mủ liên tục trong 7 ngày.
Ở hai ca tai biến xảy ra tại hai bệnh viện thẩm mỹ lớn ở TP.HCM vừa qua đều có chung "kịch bản". Đó là sau phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực và căng da mặt, các bệnh nhân đều tỉnh táo bình thường. Tuy nhiên sau đó rơi vào trạng thái xấu dần như khó thở, phù môi, tím tái, mạch - huyết áp tụt dần, suy hô hấp và cuối cùng là tử vong.
Đặc biệt, các bệnh viện này đều khẳng định quy trình phẫu thuật đảm bảo đúng quy trình.
Đến nay, với phần lớn các sự cố y khoa trong phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra động thái của Sở Y tế TP.HCM là lập hội đồng chuyên môn để phân tích, kết luận có hay không việc sai sót chuyên môn đối với êkip phẫu thuật. Và nhằm đảm bảo cho người bệnh, các bệnh viện được yêu cầu củng cố khắc phục ngay các nội dung chưa đảm bảo yêu cầu phẫu thuật, đồng thời tạm ngưng thực hiện các kỹ thuật liên quan đến sử dụng phương pháp vô cảm (tức gây mê, gây tê).
Vỏ bọc "tiệm làm đẹp"
Quy định hiện hành buộc cơ sở làm đẹp có sử dụng dịch vụ xâm lấn như tiêm, truyền, dịch vụ gây chảy máu, phẫu thuật, tiểu phẫu... phải được ngành y tế cấp phép, có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề mới được làm dịch vụ. Thế nhưng thực tế có phải vậy?
Theo Sở Y tế TP.HCM, đến nay đơn vị chỉ cấp phép cho gần 150 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Để được cấp phép, các nơi này phải đảm bảo nghiêm các điều kiện hoạt động như có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay đơn vị này kiểm tra, xử phạt nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động dưới vỏ bọc là tiệm làm đẹp, chăm sóc da. Hiện tượng một spa "4 không" (không bảng hiệu, không giấy đăng ký kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động) ngang nhiên hoạt động khá phổ biến.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - thừa nhận hiện có một số cơ sở được địa phương cấp phép hoạt động các dịch vụ massage, gội đầu, trang điểm, chăm sóc da... nhưng biến tướng, tự ý "nâng cấp", tự ý làm "bác sĩ" để thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bằng việc tiêm filler nâng mũi - ngực - mông, tạo má lúm đồng tiền, lăn kim, truyền trắng, tan mỡ, tiêm botox tái tạo da.
Điều khó khăn nhất hiện nay, theo bà Mai, là kiểm soát các thông tin quảng cáo lôi kéo trên mạng, "dường như vượt quá tầm của ngành y tế". Để có thể xử lý tình trạng nêu trên, bà Mai cho rằng cần có sự chung tay của các địa phương - là nơi trực tiếp quản lý địa bàn. Bởi sau khi cấp phép, các địa phương cần kiểm tra rà soát việc hoạt động có đúng với chức năng cấp phép hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận