17/07/2021 18:19 GMT+7

Nhân viên y tế thay nhau buộc tóc, đút cháo cho bệnh nhân COVID-19 đơn thân

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Trong hàng ngàn ca mắc COVID-19 ở TP.HCM, có những người thiếu may mắn khi cạnh họ không có người thân. Từ khi mắc bệnh vào viện điều trị, họ đều trông cậy vào nhân viên y tế.

Nhân viên y tế thay nhau buộc tóc, đút cháo cho bệnh nhân COVID-19 đơn thân - Ảnh 1.

Di chứng của căn bệnh tai biến mạch máu não khiến cho bệnh nhân yếu nửa người trái và không thể tự vệ sinh cá nhân được. Nhân viên y tế ngoài điều trị còn buộc tóc, thay đồ cho người bệnh - Ảnh: Bác sĩ Giang cung cấp

Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - chia sẻ trong số hàng ngàn ca mắc COVID-19 tại TP.HCM thời gian qua, có không ít trường hợp bệnh nhân sống đơn thân.

Ngoài công việc chăm sóc điều trị cho những người bệnh đặc biệt này, những nhân viên y tế còn kiêm luôn người thân, trở thành chỗ dựa cuối cùng giúp người bệnh chiến đấu với bệnh tật. 

Tại Bệnh viện An Bình đang có 2 trường hợp bệnh nhân như thế. Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - giám đốc bệnh viện - cho biết các bệnh nhân đơn thân gồm bà N.T.L. (75 tuổi, ngụ quận 3) và chị N.T.T.V. (46 tuổi, ngụ quận Tân Phú). 

Đây cũng là hai bệnh nhân đặc biệt nhất trong tổng số 572 ca mắc COVID-19 đang nằm điều trị tại Bệnh viện An Bình. 

Như thường lệ sáng 17-7, bác sĩ Nguyễn Minh Phong - trưởng khoa nhiễm 3 - cùng với 3 đồng nghiệp ghé phòng của hai bệnh nhân đặc biệt này để thăm khám. Cùng tình trạng yếu liệt và đơn thân nên hai bệnh nhân được xếp chung một phòng. Không chỉ khám bệnh, các nữ điều dưỡng còn vui vẻ hỗ trợ buộc tóc cho chị V., rồi lại quay qua đút cháo cho bà L.. 

Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang cho biết cả hai bệnh nhân nhập viện điều trị đến nay gần một tuần. Trong đó, bà L. được chẩn đoán mắc COVID-19 trên nền bệnh tăng huyết áp/di chứng tai biến mạch máu não, yếu 2 chân. 

Còn chị V. được chuyển từ Bệnh viện dã chiến số 2 đến. Ngoài mắc COVID-19, chị bị rất nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Di chứng của căn bệnh tai biến mạch máu não khiến chị yếu nửa người trái và không thể tự vệ sinh cá nhân được.

Nhân viên y tế thay nhau buộc tóc, đút cháo cho bệnh nhân COVID-19 đơn thân - Ảnh 2.

Với các bệnh nhân cao tuổi, di chứng tai biến thì việc tự chăm sóc bản thân là không thể. Trong ảnh: nhân viên y tế hỗ trợ bà L. (75 tuổi) xúc cháo - Ảnh: Bác sĩ Giang cung cấp

"Hai bệnh nhân không có người thân, lại bị liệt nên việc chăm sóc cho họ khá vất vả. Với người bệnh bình thường chỉ cần khám 1 lần, đo sinh hiệu 2 lần/ngày nhưng với các bệnh nhân này, ngoài khám chữa bệnh, các nhân viên y tế còn phải hỗ trợ mọi sinh hoạt cá nhân như thay tã, dìu đi vệ sinh, tắm rửa, thay đồ, cho ăn uống và chải đầu, buộc tóc... Nhân sự chăm sóc vì thế cũng cần nhiều hơn" - bác sĩ Giang chia sẻ. 

Bác sĩ Giang cho biết khi tiếp nhận điều trị, phía bệnh viện có tìm hiểu và biết được thêm về điều kiện sống của hai bệnh nhân này khá bấp bênh. Mọi ăn uống hằng ngày đều được sự hỗ trợ chăm lo từ chính quyền địa phương hoặc các nhà hảo tâm. 

"Sống đơn thân đã đành, cả hai đều không có con cái nên từ khi mắc COVID-19 tất cả mọi việc đều do chính quyền địa phương và bệnh viện lo toan, chăm sóc" - bác sĩ Giang nói. 

Nữ bệnh nhân 71 tuổi mắc COVID-19 tử vong Nữ bệnh nhân 71 tuổi mắc COVID-19 tử vong

TTO - Đó là nữ bệnh nhân 71 tuổi, có bệnh nền, tình trạng mắc COVID-19 nặng, tử vong trong đêm 4-7.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên