18/06/2016 06:20 GMT+7

Nhân viên nhà sách Hong Kong: “Tôi bị đặc nhiệm Trung Quốc bắt cóc”

DUY LINH - TÚ ANH
DUY LINH - TÚ ANH

TTO - Người bán sách tại Hong Kong bị “mất tích” hồi cuối năm 2015 đã trở về quê nhà và họp báo tố cáo bị chính quyền Trung Quốc đại lục bắt cóc và giam suốt 8 tháng.

Người dân đòi dân chủ biểu tình trước văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hong Kong ngày 17-6 - Ảnh: Reuters
Người dân đòi dân chủ biểu tình trước văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hong Kong ngày 17-6 - Ảnh: Reuters

Theo CNN, trong buổi họp báo bất ngờ được tổ chức vào ngày 16-6, ông Lam Wing-kee (Lâm Vinh Cơ) cho biết cách đây 8 tháng, ngay khi đặt chân sang đại lục để du lịch thăm bạn gái, ông đã bị nhóm binh sĩ đặc nhiệm Trung Quốc bắt đi rồi đưa tới một căn phòng nhỏ.

Thoạt đầu, họ không giải thích tại sao ông bị bắt. Sau đó, họ nói với ông Lam rằng những quyển sách mà ông đã mua và bán là phạm pháp, do đó phải bị bắt giữ.

Ông Lam cũng nhấn mạnh những lời thú tội của ông được phát trên truyền hình trung ương Trung Quốc hồi tháng 2 vừa qua là những văn bản được viết sẵn, dàn dựng và cắt ghép.

Tôi phải can đảm lắm mới dám làm chuyện này. Tôi đã phải suy nghĩ suốt hai đêm trước khi quyết định kể hết tất cả những gì đã xảy ra với tôi, một cách trung thực và trọn vẹn nhất

Ông Lam Wing-kee

Quyết định phanh phui

Phía Trung Quốc sau đó đã thả ông về Hong Kong có điều kiện và yêu cầu phải quay trở về đại lục vào ngày 17-6 kèm theo các bằng chứng là danh sách những khách hàng mà ông đã bán “sách cấm” (khoảng 600 người), ông Lam kể tại cuộc họp báo. Tuy nhiên, sau đó ông quyết định ở lại Hong Kong và nói ra sự thật.

Khác với những người của Nhà xuất bản Mighty Current từng bị “mất tích” trong vụ này, ông Lam cho biết ông không có gia đình hay người thân ở đại lục nên không cần phải sợ điều gì tổn hại đến họ.

Trong một thông báo sau buổi họp báo, chính quyền Hong Kong cho biết cảnh sát sẽ sớm liên hệ với ông Lam để “hiểu rõ hơn” và nhấn mạnh chính quyền “coi trọng sự an toàn của mỗi người dân Hong Kong”.

Ông Lam Wing-kee là quản lý tại nhà sách Causeway Bay Books, trực thuộc Nhà xuất bản Mighty Current, chuyên bán sách về đời tư và những câu chuyện không chính thức về giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông cũng là một trong năm nhân viên của nhà xuất bản đã biến mất trước đó.

Sự mất tích của năm người này làm dấy lên quan ngại họ đã bị Trung Quốc xử lý vì chống lại chính quyền Bắc Kinh.

Hồi tháng 3 vừa qua, ba trong số năm người bị “mất tích” đã được Trung Quốc cho phép quay về Hong Kong. Ngay sau đó, họ đã đến gặp cảnh sát và yêu cầu đóng hồ sơ vụ án mất tích của mình và khẳng định họ chỉ đi du lịch đến Trung Quốc, hoàn toàn tự nguyện và không bị bắt cóc.

Hôm qua, theo báo South China Morning Post của Hong Kong, sau phát ngôn gây chấn động dư luận của ông Lam, ông Lee Bo (Lý Ba), một nhân vật đã được Trung Quốc trả tự do, viết trên tài khoản Facebook của mình rằng chuyện của ông khác chuyện của ông Lam và ông không bị bắt cóc gì cả.

Ông khẳng định mình không “sử dụng máy tính của nhà sách Causeway Bay Books” và “không in ấn danh sách khách hàng nào cả nên càng không có chuyện cung cấp tài liệu cho cảnh sát đại lục”.

Ông Lee từng được cho về lại Hong Kong hôm 24-3 nhưng sang ngày hôm sau ông đã trở qua lại Trung Quốc ngay. Giờ đây ông vẫn khẳng định khi ở Trung Quốc, ông có hợp tác điều tra với phòng an ninh thành phố Ninh Ba và chưa hề nghe đến “nhóm điều tra của trung ương”.

Ngay sau đó giới báo chí đã tìm đến trước nhà ông Lee và ông lại viết tiếp trên mạng xã hội: “Hi vọng quý vị để cho tôi và gia đình tôi được riêng tư và yên bình. Xin cảm ơn”.

Ông Lam Wing-kee tại buổi họp báo ngày 16-6 - Ảnh: Reuters
Ông Lam Wing-kee tại buổi họp báo ngày 16-6 - Ảnh: Reuters

Dân xuống đường

Hiện chỉ còn ông Gui Minhai (Quế Dân Hải), quốc tịch Thụy Điển, giám đốc Nhà xuất bản Mighty Current, là chưa rõ tung tích. Nói với CNN ngày 16-6, con gái ông Gui, cô Angela Gui, cho biết thi thoảng cô vẫn nhận được tin nhắn và điện thoại từ cha. Ông Quế khuyên cô nên giữ im lặng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã phủ nhận mọi cáo buộc chính quyền Bắc Kinh có liên quan tới sự mất tích của năm người trên và thậm chí từng cảnh báo chính quyền Anh đừng “can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc”.

Hôm qua, theo AFP, hàng chục người dân Hong Kong đã giận dữ xuống đường phản ứng với việc chính quyền đại lục bắt giữ người. Những người biểu tình thuộc Đảng ủng hộ dân chủ Demosisto đã tụ tập trước cổng văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hong Kong. Họ hô vang những câu khẩu hiệu như “Phải bảo vệ quyền tự do của người Hong Kong”.

Ông Nathan Law, một trong những người tổ chức biểu tình cùng với Joshua Wong (Hoàng Chi Phong, cậu học sinh từng được truyền thông nhắc đến trong phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong hồi tháng 9-2014), tuyên bố với báo chí:

“Chúng tôi mong muốn thế giới gây áp lực với chính quyền Bắc Kinh để họ thả hết những người bị bắt. Ông Lam Wing-kee là một hình mẫu cho người dân Hong Kong, ông ấy đã dám đương đầu với sự áp bức của chính quyền trung ương”.

Trước tình hình này, hôm qua ông John Tsang Chun-wah (Tăng Tuấn Hoa), một lãnh đạo chính trị của đặc khu Hong Kong, nói rằng:

“Chuyện các cơ quan hành pháp ngoài Hong Kong tiến hành các biện pháp thực thi luật pháp ở trên lãnh thổ Hong Kong là chuyện không thể chấp nhận được. Chúng tôi luôn đặc biệt xem trọng sự an toàn của công dân Hong Kong và tiếp tục bảo vệ mọi quyền lợi, quyền tự do của công dân Hong Kong theo đúng luật pháp”.

DUY LINH - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên