Tàu sân bay USS Harry S. Truman của Hải quân Mỹ - Ảnh: AP
Ngày 12-4, truyền thông Nga đồng loạt dẫn các hình ảnh vệ tinh của Công ty Image Satellite International cho thấy hạm đội Nga tại cảng Tartus của Syria đã di chuyển ra khơi, động thái có vẻ thể hiện sự cảnh giác trước lời đe dọa không kích từ Mỹ.
Hiện tại cảng Tartus chỉ còn lại một tàu ngầm lớp Kilo của Nga.
Ngày 11-4, tin cho hay giới chức hàng không châu Âu đã phát đi cảnh báo đến các hãng hàng không có chuyến bay ngang qua không phận phía đông Địa Trung Hải do nguy cơ nổ ra không kích nhắm vào Syria trong vòng 72 giờ.
Một quả tên lửa Tomahawk phóng đi từ tàu ngầm - Ảnh: US NAVY
Mỹ và đồng minh biểu dương lực lượng
Trước đó, báo Stars & Stripes của quân đội Mỹ đưa tin nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman đã rời cảng Norfolk ở bang Virgina và trực chỉ Địa Trung Hải.
USS Harry Truman là một "pháo đài trên biển" với hỏa lực hỗ trợ của 30 máy bay ném bom, 20 máy bay tiêm kích, máy bay và trực thăng chống ngầm, máy bay do thám...
Ngoài ra, nhóm tấn công này còn bao gồm tàu tuần dương mang tên lửa Normandy, các tàu khu trục Arly Burke, Balkley, Forrest Sherman và Farragut, được trang bị tổng cộng khoảng 300 quả tên lửa hành trình Tomahawk.
Khi tiến gần đến Syria, nhóm này sẽ được tàu khu trục "Hesse" của Hải quân Đức gia nhập. Hai tàu khu trục khác của Mỹ - "Jason Dunham" và "Sullivans" - sẽ tham gia nhóm sau đó.
Theo trung tướng Victor Poznikhir thuộc Bộ tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga, nhóm tàu sân bay Hoa Kỳ do Harry Truman dẫn đầu sẽ đến vịnh Persic vào đầu tháng 5.
Hàng không mẫu hạm Harry Truman của Mỹ - Ảnh: EAST NEWS
Ngoài ra, trên Địa Trung Hải còn có sự hiện diện thường trực của Hạm đội 6 hải quân Mỹ, tương đương tối thiểu 10 chiến hạm, trong đó có tàu đổ bộ.
Biên chế của Hạm đội 6 bao gồm hàng ngàn lính thủy đánh bộ, xe tăng, xe pháo, trực thăng và tàu ngầm.
Trên vịnh Persic là Hạm đội 5 của hải quân Mỹ. Nếu chiến sự xảy ra nhóm này có thể được triển khai nhanh chóng hỗ trợ Hạm đội 6.
Quân đội Anh trong khu vực Địa Trung Hải cũng có thể giúp. Tại căn cứ không quân trên đảo Cyprus gần Syria là phi đội tiêm kích Typhoon và máy bay ném bom Tornado của không quân Hoàng gia Anh.
Pháp và Saudi Arabia cũng thể hiện mong muốn tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq tuyên bố sẵn sàng cho liên quân mượn không phận để không kích các địa điểm của chính phủ Syria.
Tàu khu trục USS Normandy - Ảnh: US NAVY
Nga có gì để đáp trả?
Về phần mình, Nga tuyên bố có quyền bắn hạ tên lửa Mỹ và tấn công trả đũa nếu các vụ không kích nhắm vào quân nhân Nga.
Theo truyền thông Nga, thực tế là cố vấn quân sự Nga hiện diện gần như trong tất cả đơn vị thuộc quân đội Syria nên rủi ro thương vong là rất lớn.
Nga có 10-15 chiến hạm hiện diện thường xuyên ở Địa Trung Hải, trong đó gồm các tàu hộ tống và tàu mang tên lửa nhỏ, tàu chống ngầm, hai tàu khu trục Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen.
Trong biên chế hai tàu khu trục còn có trực thăng săn ngầm Ka-27 có khả năng phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm ở độ sâu 500m.
Về tương quan lực lượng rõ ràng Nga không bằng Mỹ ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, hạm đội của Nga trên biển Caspi có thể hỗ trợ hỏa lực cho đồng đội.
Hiện nay, người ta chỉ biết không phận các căn cứ Nga tại Syria được bảo vệ bởi hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumph, riêng các hệ thống vũ khí thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển không được công bố.
Tuy nhiên, trên mạng xuất hiện một số hình ảnh của hệ thống tên lửa Bastion K-300P. Có thể nó đã được triển khai tại Syria.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga - Ảnh: KP
Ngoài ra, truyền thông Syria có đăng tải một số hình ảnh của tiêm kích ném bom Su-34 trang bị tên lửa Kh-35 của Nga bay trên vùng trời Địa Trung Hải.
Tên lửa chống hạm Kh-35 có khả năng tiêu diệt các tàu có lượng giãn nước lên đến 5 ngàn tấn.
Theo các thông tin không chính thức, Nga bên cạnh đó đã triển khai phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-22 và Tu-95 tại các căn cứ không quân ở Iran.
Theo kinh nghiệm từ chiến trường Syria, các hệ thống tên lửa hành trình không nhất thiết phải hiện diện trong khu vực chiến sự để tấn công mục tiêu. Nga hoàn toàn có thể dùng đến hỏa lực này từ nơi khác ngoài Syria.
Chốt lại về tương quan lực lượng, báo Komsomolskaya Pravda của Nga bình luận nếu các bên không giữ cái đầu lạnh bây giờ, tổn thất trong chiến tranh sẽ không phải là vài đơn vị khí tài mà là hàng tỉ USD.
"Là một doanh nhân, ông Trump hẳn phải hiểu rõ chuyện đó nhất" - tờ báo Nga viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận