03/12/2015 10:56 GMT+7

Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ IMF: Việt Nam không bị ảnh hưởng

ÁNH HỒNG thực hiện (anhhongnt@tuoitre.com.vn)
ÁNH HỒNG thực hiện (anhhongnt@tuoitre.com.vn)

TT - Đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của IMF, nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam không bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp có nên thanh toán bằng NDT ?

Hàng Trung Quốc được vận chuyển vào bán tại chợ Bình Tây, Q.6, TP. HCM chiều 2-12 - Ảnh: Thanh Tùng
Hàng Trung Quốc được vận chuyển vào bán tại chợ Bình Tây, Q.6, TP. HCM chiều 2-12 - Ảnh: Thanh Tùng

Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vừa được chấp thuận đưa vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng với đồng USD, EUR, yen Nhật và bảng Anh, bắt đầu có hiệu lực từ 1-10-2016. Sự kiện này sẽ tác động thế nào đến việc thanh toán, dự trữ của các doanh nghiệp, người dân VN?

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh sự kiện này, ông Trương Văn Phước - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nói: Với việc chọn đồng NDT vào danh sách các đồng tiền quy đổi của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), có thể thấy rằng IMF đã xác định Trung Quốc là nền kinh tế hùng mạnh, đáp ứng một số tiêu chí của IMF đưa ra.

Tuy nhiên, từ nay đến 1-10-2016, Trung Quốc phải thực hiện và đáp ứng nhiều điều kiện của IMF trong đó có tự do hóa tài khoản vốn, không dùng biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường... Cũng cần nói thêm, IMF cũng đang xem xét đưa đồng won của Hàn Quốc và đôla của Canada vào rổ tiền tệ này.

Nhìn một cách tổng thể, SDR chỉ là đồng tiền giao dịch giữa IMF với ngân hàng trung ương mà thôi chứ trên thị trường quốc tế, SDR không dùng để định giá hoặc yết giá trong các giao dịch thương mại, dịch vụ và đầu tư.

Dù vậy, khi đồng NDT tham gia rổ SDR, uy tín của Trung Quốc trên thị trường quốc tế sẽ tăng cao và chúng ta sẽ phải chờ xem Trung Quốc sẽ có những chính sách gì để tạo ra sức mạnh của đồng NDT trước hết là một đồng tiền mang tính chất dự trữ, thứ hai là đồng tiền có sức thu hút trong thanh toán, định giá hàng hóa, dịch vụ... của các quốc gia trên thế giới.

* Việc NDT tham gia rổ tiền tệ của IMF có kích thích doanh nghiệp VN thanh toán bằng đồng NDT, thay vì chủ yếu bằng đồng USD như hiện nay?

- Với việc đồng NDT vào rổ tiền tệ IMF, chắc chắn Trung Quốc cũng muốn NDT cạnh tranh với đồng USD, trở thành đồng tiền dự trữ, định giá. Tuy nhiên, các tỉ lệ hiện nay cho thấy NDT vẫn yếu thế hơn nhiều so với đồng USD.

Cụ thể, USD hiện chiếm tỉ lệ 41,73% trong rổ tiền tệ, kế tiếp là EUR 30,93%. Trong khi đó, tỉ lệ của NDT là 10,92%, còn yen Nhật và bảng Anh là 8,33% và 8,09%.

Do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, đồng NDT chưa tác động gì nhiều lắm đối với VN vì nó vẫn là đồng tiền giao dịch của ngân hàng trung ương chứ không phải là đồng tiền thanh toán, giao dịch.

Tuy nhiên, là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, VN sẽ phải theo dõi và quan sát những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách tự do hóa các dòng vốn trên tài khoản vốn của họ tác động thế nào đến VN.

* Doanh nghiệp có nên thanh toán bằng NDT hay không khi tỉ giá của NDT không thật sự theo thị trường như những đồng tiền khác?

- Chính thị trường, doanh nghiệp sẽ lựa chọn đồng tiền thanh toán mà theo họ an toàn cho họ và ít rủi ro nhất. Trung Quốc nếu có tham vọng trở thành đồng tiền giao dịch, thanh toán như thế thì phải tạo lập thị trường công khai, minh bạch, ở đó tỉ giá hối đoái được xác lập bởi các quan hệ cung cầu thực, không phải là những can thiệp hành chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Việc lựa chọn đồng tiền nào để thanh toán còn phải chờ xem đồng NDT có từng bước lấn sân đồng USD hay không, nhưng trong ngắn hạn và trung hạn chắc chắn USD vẫn là đồng tiền phổ biến nhất.

* Người dân có nên giữ NDT, thưa ông?

- Từ 1-10-2016, đồng NDT mới chính thức trở thành đồng tiền của SDR. Từ nay đến khi đó và thậm chí sau thời điểm đó, NDT không phải là đồng tiền tự do chuyển đổi vì Trung Quốc chưa phải đã đáp ứng hoàn toàn các điều kiện về tự do hóa giao dịch vãng lai, tự do hóa các giao dịch vốn và người ta vẫn còn nghi ngờ sự can thiệp hành chính của Trung Quốc trong việc xác lập tỉ giá đồng NDT.

Còn việc có nên dự trữ bằng NDT hay không, theo tôi, trước hết phải xem cấu trúc, cơ cấu trong SDR. Trong rổ này, NDT chỉ là đồng tiền nhỏ thôi, còn lép vế rất nhiều so với USD. Đó là nói về danh nghĩa.

Trong thực tế, trên thế giới vẫn sử dụng đồng USD là chủ yếu trong thanh toán, giao dịch. Từ những yếu tố đó, người dân có thể có câu trả lời cho mình. Nhất là hiện nay NDT chỉ mang biểu tượng là đồng tiền có vị trí quan trọng, còn thuyết phục thế giới sử dụng nó hay không là câu chuyện còn bỏ ngỏ.

Ông Dương Chí Thành (phó tổng giám đốc Công ty CP giấy tập Vĩnh Tiến):

Khó bỏ thói quen thanh toán bằng đồng USD

Chúng tôi vừa nhập khẩu máy dán gáy trị giá khoảng 60.000 USD do Trung Quốc sản xuất. Doanh nghiệp bán máy cho chúng tôi là người Trung Quốc nhưng có trụ sở đặt tại Hong Kong nên họ đề nghị giao dịch bằng đồng USD chứ không đòi thanh toán bằng đồng NDT. Khi tôi mở L/C ngân hàng thì cũng được đề nghị nên giao dịch bằng đồng USD.

Có thể các doanh nghiệp lâu nay đã có thói quen thanh toán bằng USD rồi nên cũng khó chuyển sang thanh toán bằng đồng ngoại tệ khác, dù thực tế hiện nay đồng USD cũng không ổn định, tăng giảm bất thường.

Nếu các ngân hàng bán NDT một cách dễ dàng và đối tác thương mại cũng đồng ý thanh toán bằng NDT, chúng tôi cũng sẽ chọn NDT để thanh toán cho các giao dịch trong tương lai. Mà không cứ gì là NDT, nếu đồng ngoại tệ nào mang lại hiệu quả thanh toán nhất, doanh nghiệp nên dùng đồng đó thì vẫn tốt hơn.

* Tổng giám đốc một doanh nghiệp liên doanh giày (Bình Dương):

Phụ thuộc vào yêu cầu của người bán

Công ty chúng tôi đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều nguồn: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Ý. Khi giao dịch với các doanh nghiệp ở khu vực châu Á, phần lớn họ đều chấp nhận thanh toán bằng đồng USD.

Chỉ riêng thị trường EU, như Ý chẳng hạn, chúng tôi buộc phải mua EUR để thanh toán các hợp đồng mua nguyên liệu vì đối tác không chịu thanh toán bằng đồng USD.

Trong khi ở các nước khác, dường như thanh toán bằng đồng USD không chỉ có doanh nghiệp VN thích, mà họ cũng vậy.

Tôi nghĩ do thói quen thanh toán và sự thuận lợi vì hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay của VN đều được thị trường các nước chấp nhận đồng USD để thanh toán, nên tiền USD luôn có sẵn trong ngân hàng.

Việc chuyển đổi sang đồng ngoại tệ khác, chẳng hạn như đồng NDT, chắc chắn sẽ được chúng tôi nghiên cứu trong tương lai và phải có thời gian để tìm hiểu, thích nghi.

T.V.N. ghi

ÁNH HỒNG thực hiện (anhhongnt@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên