12/12/2014 11:00 GMT+7

​Nhân chứng khai man, ba người mất tất cả

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Ngày 9-12-2014, ông Kwame Ajamu, từng bị kết án tử hình năm 1975 vì tội giết người, bật khóc nức nở như một đứa trẻ khi Tòa án Cleveland (bang Ohio, Mỹ) tuyên bố ông vô tội.

Ông Ronnie Bridgeman (trái) nghe phán quyết khẳng định ông vô tội hôm 9-12 - Ảnh: deathpenaltyinfo.org
Ông Ronnie Bridgeman (trái) nghe phán quyết khẳng định ông vô tội hôm 9-12 - Ảnh: deathpenaltyinfo.org

Sau gần 40 năm, cuối cùng ông Kwame Ajamu - 57 tuổi, còn có tên Ronnie Bridgeman - cũng chứng minh được sự trong sạch của mình. “Tôi vô cùng hạnh phúc vì cuối cùng cuộc chiến này cũng đã kết thúc” - báo USA Today dẫn lời ông thốt lên trong tiếng nấc.

Thẩm phán Pamela Barker đã bước tới ôm chầm lấy ông. Ronnie Bridgeman đã đánh mất 27 năm cuộc đời trong tù vì lời khai bậy bạ của một cậu bé 13 tuổi và sự tắc trách của cơ quan điều tra. Đau đớn hơn, anh trai ông là Wiley Bridgeman và người bạn thân Ricky Jackson phải chịu cảnh ngục tù tới 39 năm.

Ngày 19-5-1975, hai thanh niên da đen tấn công doanh nhân Harold Franks bằng axít bên ngoài cửa hàng tiện lợi Cut-Rate ở Cleveland. Một trong hai kẻ đã xả súng bắn nạn nhân. Nghi can thứ ba lái chiếc xe chở cả bọn bỏ trốn cùng chiếc cặp của nạn nhân.

Vài ngày sau cảnh sát bắt giữ Ronnie Bridgeman khi đó mới 17 tuổi, Wiley Bridgeman 20 tuổi và Ricky Jackson 19 tuổi. Dựa vào lời khai của nhân chứng 13 tuổi Eddie Vernon, Tòa án Cleveland tuyên án tử hình anh em Bridgeman và Jackson. Tuy nhiên sau đó cả ba được giảm án xuống còn chung thân.

Bài báo thay đổi định mệnh

Không căm thù nhân chứng dối trá

Cả hai anh em Bridgeman và ông Jackson đều cho biết không hề căm thù nhân chứng dối trá Eddie Vernon. “Tôi muốn gặp ông ấy để nói rằng tôi không giận ông ấy. Tôi nghĩ rằng Eddie không có ý đồ xấu. Hồi đó ông ấy chỉ là một đứa trẻ bị rơi vào một tình huống bất ngờ và sai trái” - ông Ronnie Bridgeman khẳng định. Ông cũng cho biết sẽ gặp nhà báo Kyle Swenson để nói lời cảm ơn từ đáy lòng.

Năm 2003, ông Ronnie Bridgeman được phóng thích sớm sau 27 năm ngồi tù. Ông đổi tên thành Kwame Ajamu. Trong khi đó, ông Wiley Bridgeman và Ricky Jackson vẫn mòn mỏi đếm ngày tháng trong tù.

Tuy nhiên, năm 2011 tạp chí Scene đăng một bài báo gây chấn động về vụ án Harold Franks và quá trình điều tra, xét xử đầy sai sót.

Để thực hiện phóng sự này, phóng viên Kyle Swenson đã lật lại hồ sơ điều tra và phỏng vấn những người sống gần khu vực hiện trường vụ án. Khi đó, cảnh sát Cleveland không hề phát hiện được bất cứ bằng chứng vật chất nào.

Họ không hề tìm ra được khẩu súng bắn ông Harold Franks hay chiếc cặp của ông. Chiếc xe chở ba nghi can bỏ trốn cũng mất tích vĩnh viễn. Các công tố viên Cleveland đã dựa vào bằng chứng duy nhất là lời khai của cậu bé giao báo 13 tuổi Eddie Vernon bị cận nặng.

Vernon khẳng định khi đó đứng gần hiện trường và nhìn thấy Ricky Jackson và Ronnie Bridgeman chạy trốn. Phóng viên Swenson chỉ rõ rằng ngay hồi đó đã có nhiều người phản bác lời khai của Vernon. Các bạn học của Vernon khẳng định hôm đó Vernon cùng các em đi xe buýt của trường qua khu phố gần hiện trường vụ án, và chỉ thoáng thấy hai người da đen vật lộn với một người da trắng trước cửa hàng Cut-Rate.

Một nhân chứng là Karen Smith, 16 tuổi, khai trước tòa rằng cô biết rõ hai anh em Bridgeman và Jackson. Cô nhấn mạnh hôm đó có qua cửa hàng Cut-Rate ngay trước khi vụ tấn công diễn ra và hai thanh niên da đen đứng ở đó không phải là Ronnie Bridgeman hay Ricky Jackson.

Trong vụ tấn công, vợ của chủ cửa hàng Cut-Rate cũng trúng đạn bị thương và bà cho biết không thể xác định được Ronnie Bridgeman hay Ricky Jackson có phải là thủ phạm hay không.

Hôm 25-5-1975, cảnh sát gọi bảy nghi can, trong đó có Wiley Bridgeman và Ricky Jackson, cho Vernon nhận diện nhưng cậu bé không nhận ra ai. Tuy nhiên trong buổi chiều sau đó cậu ta khẳng định với cảnh sát rằng Wiley và Ricky là thủ phạm. Nhiều điểm khác trong lời khai của Vernon cũng đầy mâu thuẫn và thay đổi liên tục.

Một vấn đề nữa là ông chủ cửa hàng Cut-Rate đã trả cho Vernon 50 USD để khai trước tòa. Chi tiết này bị các công tố viên ỉm đi và chỉ được đưa ra ánh sáng khi luật sư bào chữa chất vấn cậu trước tòa.

Bài báo của tạp chí Scene cũng chỉ rõ rằng lực lượng cảnh sát Cleveland không hề để ý đến các nghi can khác dù có không ít người có thể đã thực hiện vụ cướp. Ngay sau vụ giết người, một phụ nữ gọi điện đến Sở Cảnh sát Cleveland thông báo con trai bà dính líu tới một vụ xả súng.

Sau khi anh em Bridgeman và Jackson bị bắt, một người gọi điện báo cho cảnh sát rằng họ đã bắt lầm người và hung thủ thật sự vẫn đang hoành hành.

Một đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) báo cho Sở Cảnh sát Cleveland rằng ông nhận được tin từ một số người nằm vùng rằng có bốn kẻ dính líu tới vụ giết ông Harold Franks, đều có tiền án tiền sự. Bất chấp những thông tin đó, anh em nhà Bridgeman và Jackson vẫn bị tuyên án tử hình.

Thú nhận dối trá

Ngay sau khi tạp chí Scene đăng bài, lập tức các luật sư của Tổ chức Dự án vô tội Ohio nhận đại diện cho anh em Bridgeman và Jackson kháng cáo.

Nhưng mãi đến năm 2013, nhân chứng Vernon bị bệnh nặng mới chịu thú nhận với mục sư của mình rằng hôm 19-5-1975 ông đi trên xe buýt cùng các bạn học và không hề quan sát thấy diễn biến vụ giết người.

Tháng 11 vừa qua, ông Vernon ra trước tòa thú nhận mình đã khai man. Ông kể rằng hồi đó ông chỉ là một đứa trẻ dại khờ muốn giúp đỡ cảnh sát. Khi một người bạn nói cho ông tên của anh em Bridgeman và Jackson, ông đến thông báo với cảnh sát.

Và sau đó các nhân viên điều tra Sở Cảnh sát Cleveland đã mớm cho ông toàn bộ chi tiết vụ án để ông khai khớp với mọi diễn biến án mạng trước tòa. “Khi đó tôi nghĩ rằng tôi làm điều đúng đắn chứ không có ý đồ gì cả” - ông Vernon khai nhận tại tòa. Ông cũng khẳng định cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm vì cuối cùng đã nói ra sự thật.

Trong tháng 11, Tòa án Cleveland đã xác định ông Wiley Bridgeman và Ricky Jackson vô tội và trả tự do cho họ. Cả hai đều phải ngồi tù tới 39 năm, đến khi tự do thì đều đã già, tóc đã bạc trắng. Và đến ngày 9-12, đến lượt ông Ronnie Bridgeman được minh oan.

Khi các phóng viên hỏi làm thế nào ông có thể sống sót suốt gần 40 năm trong tù, ông Wiley Bridgeman nói: “Tôi không bao giờ đầu hàng, không bao giờ từ bỏ”. Khi hai anh em Bridgeman và người bạn Jackson gặp nhau với tư cách công dân tự do, họ đã ôm chầm lấy nhau và òa khóc nức nở.

Theo báo Washington Post, anh em Bridgeman và ông Jackson có thể đòi chính quyền Cleveland bồi thường tổng cộng 4,1 triệu USD. Các công tố viên cho biết họ sẽ không chống lại việc bồi thường. Luật pháp Ohio quy định người bị xử oan được bồi thường 40.000 USD với mỗi năm bị ngồi tù.

“Họ là nạn nhân của một sự bất công khủng khiếp” - công tố viên Mary McGrath khẳng định. Nhưng tiền bạc chắc chắn không đem lại hạnh phúc cho ba nạn nhân.

“Chúng tôi đã bị đánh cắp cả cuộc sống. Chúng tôi đã già rồi, không thể có con cái. Khi chúng tôi qua đời sẽ không có đứa con nào tưởng nhớ chúng tôi” - ông Ronnie Bridgeman ngậm ngùi.

____________

Kỳ tới: Vô tội, sau bốn án tử

Vì lý do đăng tải câu chuyện thời sự này, chúng tôi thay đổi bài kỳ 5 như đã giới thiệu thành kỳ 6. Mong bạn đọc thông cảm.

 

 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên